Máy bay riêng mua khó, bay không dễ

Máy bay tư nhân vẫn có thể bị delay (trễ chuyến) như thường. Hôm qua (12-5), Cục Hàng không dân dụng Việt Nam cho biết đã nhận được đơn của bầu Đức đề nghị xem xét, thực hiện các thủ tục để đưa chiếc Beechcraft King Air 350 về Việt Nam (dự kiến vào ngày 14-5).

Muốn cất cánh phải xin phép trước ba ngày

Theo ông Võ Huy Cường, Trưởng ban Vận tải hàng không: “Chiếc máy bay phải được cơ quan tiêu chuẩn an toàn bay kiểm tra và cấp các chứng chỉ an toàn. Trong đó phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng - cơ quan giám sát vùng trời và quản lý bay dân dụng”.

Trước mỗi chuyến bay, chủ máy bay phải có đơn xin phép, nêu rõ về thời gian bay, địa điểm, sân đậu. Đơn này sẽ được xem xét, giải quyết trong vòng ba ngày. Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Võ, Trưởng Ban quản lý hoạt động bay, nếu đủ điều kiện, có thể giải quyết sớm hơn. Trong một ngày có thể sẽ được bay nhiều lần, đến nhiều nơi nếu như chiếc máy bay đáp ứng các thủ tục về an ninh, an toàn bay.

Mặc dù là máy bay riêng nhưng tất cả hành khách, kể cả chủ sở hữu cũng phải tuân thủ các điều kiện kiểm tra an ninh như hành khách thông thường.

Bầu Đức thổ lộ với báo chí rằng ông mua máy bay là để chủ động trong việc di chuyển, tiện cho kinh doanh. Tuy nhiên, theo ông Võ Huy Cường trong trường hợp đã đủ điều kiện bay, được cấp kế hoạch bay nhưng nếu xảy ra trường hợp về thời tiết hoặc sự cố do phía sân bay đến thì máy bay tư nhân hay công cộng vẫn bị delay (trễ chuyến) như thường. Giờ bay tiếp sẽ được xê dịch trong vòng 24 giờ mà không cần phải làm đơn xin cấp phép lần nữa.

Ngoài việc bỏ ra bảy triệu USD mua máy bay, bầu Đức sẽ còn phải chi nhiều khoản khác cho các dịch vụ như điều hành bay, cất cánh, hạ cánh, phục vụ mặt đất (vệ sinh, thủ tục sân bay, duy tu, bảo dưỡng máy bay...). Đấy là chưa kể đến chi phí nhiên liệu, thuê phi công. Dù các khoản này chưa được tiết lộ nhưng ước tính sẽ mất từ vài chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng cho mỗi chuyến bay.

Ông Mai Trọng Tuấn, cựu phi công và hiện là giám đốc Công ty cổ phần Lá Xanh, cho biết việc xin phép bay các đường bay đột xuất sẽ khó hơn rất nhiều so với các đường bay cố định. Lấy ví dụ, bầu Đức muốn bay đột xuất sang Thái Lan thì sẽ phải thông qua Công ty Dịch vụ bay hàng không (VASCO) nhờ trung tâm quản lý bay thông báo với cơ quan quản lý bay tại Thái Lan máy bay sẽ đến giờ này, ở độ cao này... để cơ quan này lên lịch. Những thủ tục này với các hãng hàng không thì không có gì đáng bàn thế nhưng với một chiếc máy bay tư nhân là điều không đơn giản.

Ông Tuấn cho biết thêm: “Theo dõi thông tin trên báo chí mấy ngày qua, tôi chưa thấy Bộ Quốc phòng có ý kiến”. Theo ông Tuấn, đây mới là cơ quan quyết định lớn nhất việc “đi-lại” của máy bay mà bầu Đức sở hữu.

Chủ tịch HĐQT Vietnam Capital không mua máy bay riêng

Ông Bùi Ngọc Hoàng, Giám đốc Công ty Dịch vụ bay hàng không (VASCO), cho biết hiện VASCO đang gấp rút làm thủ tục xin giấy phép cho chiếc máy bay của bầu Đức hoạt động. Tuy nhiên, việc này hết sức khó khăn. Lý do là việc sở hữu máy bay ở Việt Nam được xem là quá... đột phá! Ông Hoàng cho biết thêm rằng chiếc Beechcraft King Air 350 của bầu Đức cùng chủng loại nhưng khác đời với một máy bay mà hiện VASCO đang khai thác.

Theo ông Hoàng, không có chuyện chiếc máy bay trong thời gian rỗi sẽ cho VASCO thuê lại. “Anh Đức cũng đã phủ nhận thông tin này rồi. Hiện nhiệm vụ của chúng tôi là lo thủ tục, phi công, bảo dưỡng. Sau này, anh Đức có nhu cầu cho thuê, chúng tôi sẽ thuê lại vì công ty cũng rất cần. Tuy nhiên, việc thuê phải tuân thủ quy định của Luật Hàng không”. Ông Hoàng cho biết phí bảo dưỡng, phí thuê phi công cho máy bay của bầu Đức không chênh lắm so với các hãng hàng không khác.

Hôm qua, một tờ báo đưa tin chủ tịch HĐQT Quỹ đầu tư Vina Capital, người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, cũng đang hỏi thủ tục để đăng ký và sử dụng một máy bay riêng. Tuy nhiên, trao đổi với PV, một lãnh đạo của Vina Capital khẳng định thông tin trên không chính xác. Theo vị này, một quỹ đầu tư như Vina Capital với ban bệ lẫn hội đồng quản trị lớn sẽ hết sức khó khăn. “Chủ trương của quỹ là đầu tư phải sinh lời chứ không phải để phục vụ mục đích cá nhân của bất cứ ai” - vị này nói.

Bầu Đức không phải là người Việt Nam đầu tiên mua máy bay riêng

Báo chí những ngày qua nói nhiều về việc bầu Đức là người Việt Nam đầu tiên có máy bay riêng. Thật sự không phải thế. Trước đó có hai người VN có máy bay riêng là công tử Bạc Liêu và vua Bảo Đại .

Thời đó,công tử Bạc Liêu (tức cậu ba Trần Trinh Huy, con ông hội đồng Trạch) đặt mua máy bay từ Pháp. Quan tham biện Bạc Liêu không cho sử dụng không phận Bạc Liêu. Ông hội đồng đích thân gặp toàn quyền Đông Dương để khiếu nại với lý do người Pháp đã khuyến khích mua máy bay bằng cách khuyến mãi, giảm giá từ 14.000 quan còn 7.000 quan và con ông đã được chính phủ Pháp cấp bằng lái máy bay. Máy bay được sử dụng chủ yếu để vận chuyển người nhà từ Bạc Liêu lên Sài Gòn, đi thăm đồng. Chính cậu ba Trần Trinh Huy là người lái và thuê thêm một kỹ sư Pháp để đảm nhận việc duy tu, sửa chữa máy móc.

Một lần, khi đi thăm sở điền Vĩnh Châu, thấy bãi cát ven biển bằng phẳng, cậu ba liền cho máy bay đáp xuống cát. Ai dè cát lún, máy bay chúi đầu xuống cát, cậu ba suýt chết, chân bị thương nặng, lại phải huy động trâu kéo máy bay lên. Lần khác, để lấy oai, cậu ba huy động tá điền dọn mảnh ruộng chiều ngang hai công, dài 20 công rồi dùng trâu dặm bằng phẳng như sân banh để lấy chỗ cho máy bay về đáp. Lần này cũng xảy ra tai nạn, máy bay gãy cánh, cậu ba Huy suýt bỏ mạng...

(HN tổng hợp)