Mây phóng xạ tồn tại vài ngày tại Việt Nam
(NLĐ)- Ngày 10-4, báo cáo của tổ công tác xử lý thông tin sự cố Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 của Bộ Khoa học – Công nghệ cho biết: Theo tính toán của các nhà khoa học, đám mây phóng xạ có thể tồn tại trong vùng Đông Nam Á một vài ngày. Nồng độ hạt nhân phóng xạ sẽ giảm dần theo thời gian.

Hình ảnh mô phỏng sự di chuyển của đám mây phóng xạ từ nhà máy
Fukushima lúc 2 giờ ngày 11-4 (Ảnh: Bộ Khoa học - Công nghệ)
Trước đó, theo đo đạc của Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam), tại TPHCM đã ghi nhận được các đồng vị phóng xạ nhân tạo I-131, Cs-134 và Cs-137. Tại Đà Lạt và Ninh Thuận tiếp tục ghi nhận đồng vị phóng xạ I-131 với hàm lượng nhỏ…
Theo TS Đặng Thanh Lương, Cục phó Cục An toàn bức xạ hạt nhân, Bộ Khoa học – Công nghệ, các đồng vị phóng xạ nhân tạo ghi nhận được tại các trạm quan trắc phóng xạ ở nước ta đều ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.