Mịt mờ đời trẻ “xóm liều”

Vùng Đập Góc thuộc huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế được người ta quen gọi với cái tên “xóm liều”, bởi gần 50 hộ dân ở đây là dân góp của nhiều xã và việc định cư của họ hoàn toàn tự phát. Người dân Đập Góc quanh năm đầu tắt mặt tối trên sông nước nhưng vẫn không thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của nghèo đói và lạc hậu.

Những ngư dân tí hon

Ngoài cái tên “xóm liều” đầy chua xót, vùng Đập Góc còn được người ta gọi là ốc đảo vì nó hoàn toàn tách biệt với bên ngoài. Tôi phải khó nhọc men theo con đường bé xíu, nhão nhoẹt bùn lầy và nham nhở những ổ gà đọng nước để vào xóm.

Gần 50 ngôi nhà tạm bợ, xiêu vẹo, được làm bằng tre nứa và theo kiểu nhà sàn đứng chênh vênh bên gò đất thấp nằm bên mé sông khi bóng chiều đã phủ dày. Gần đó, dăm bảy chiếc thuyền nhỏ được dùng làm nơi trú ngụ cho những hộ không có nhà.

Bốn cha con anh Buôn trên chiếc thuyền nhỏ, cũ nát vừa về đến bến sau một ngày ra sông chài lưới. Người con út tên Muốn trong bộ quần áo nhàu nát, mỏng manh và nước da đen sạm run cầm cập bê rổ cá ít ỏi chạy xăm xăm vào ngôi nhà rách bươm.

Ông Buôn cùng 2 người con khác mệt mỏi khuân đống lưới to tướng từ dưới thuyền lên bờ rồi vắt lên cây sào. Trong nhà vọng ra tiếng ru con mệt mỏi của bà Lương, vợ ông Buôn. “Tui có 6 đứa con, 3 đứa tuy tuổi còn nhỏ nhưng đã thạo chài lưới, đứa vừa đi vững, đứa ở tuổi tập đi, còn một đứa mới được 5 tháng”- ngư dân tuổi ngũ tuần với mái tóc lốm đốm bạc kể.

Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, ông Buôn cười xòa: “Nhà tui chưa ăn thua chi, có nhà sinh hơn 10 đứa đó. Trẻ em ở đây 5 tuổi đã biết chèo thuyền và bủa lưới bắt cá rồi”.

Nhà cạnh bên, chị Lê và 3 người con sau khi ăn vội những bát cơm nguội liền gấp gáp ôm lưới xuống thuyền để ra sông đánh cá buổi tối. Ánh sáng yếu ớt từ chiếc đèn pin trên tay người con gái út của chị chỉ đủ phát ra một vệt sáng nhỏ.

Tiếng chèo khua trên mặt nước nhỏ dần rồi gần như mất hút khi chiếc thuyền của mẹ con chị Lê ra xa để bắt đầu một buổi tối kiếm sống như mọi đêm.

Khi màn đêm đã phủ dày trên xóm nghèo này, hàng chục chiếc thuyền nhỏ khác của các gia đình lần lượt ra sông đánh cá. Hầu hết ngư dân trên những chiếc thuyền đó đều là những trẻ em đã được tôi luyện sức chịu đựng với cái rét, cái nhọc nhằn của cuộc mưu sinh.

Những cơn gió từ ngoài sông thổi vào lạnh buốt, khiến những ngôi nhà xiêu vẹo run lên bần bật trong leo lét ánh đèn.

Nhọc nhằn con chữ

Đến tận bây giờ, những đứa trẻ ở Đập Góc vẫn chưa có một lớp học đúng nghĩa. Hơn 10 năm về trước, không yên lòng trước cảnh hàng trăm đứa trẻ ở đây phải chịu cảnh mù chữ, anh Trần Văn Hòa, người học hết cấp 3 duy nhất ở xóm nghèo này, đã tự nguyện đứng ra mở lớp học tình thương để dạy chữ cho lũ trẻ.

Mở lớp đã khó, nhưng việc vận động trẻ em ở đây đến lớp học chữ càng gian nan. Những đứa trẻ ở đây đến tuổi lên 4, lên 5 đã phải theo cha mẹ chài lưới mưu sinh, bởi người dân ở đây cho đến giờ vẫn đinh ninh rằng “không cần biết chữ vẫn biết bủa lưới bắt cá”.

“Tui phải đến từng nhà vận động nhiều lần chúng mới đến lớp, nhưng chỉ học được vài ba hôm lại bỏ học để theo cha mẹ đi chài lưới. Vì theo học không đều đặn nên hầu hết các em dù theo học lớp tình thương đến 3, 4 năm mà chữ cái vẫn chưa thành thạo”- anh Hòa tâm sự.

Để cho bọn trẻ có cái chữ, người thầy giáo hơn 10 năm miệt mài với sự học ở “xóm liều” đã hàng trăm lần bị gia đình học trò chửi rủa vì cái “tội” “vô công rỗi nghề xui bọn trẻ đến lớp, không để chúng ra sông, ra phá kiếm ăn”.

Lớp học tình thương của anh Hòa sĩ số thất thường vì có lúc đông, lúc chỉ có vài ba học trò. Số lượng học sinh cũng thay đổi tùy theo mưa nắng.

“Hôm nay số lượng có vẻ khá hơn đó, được 15 đứa đến học” – anh Hòa phấn khởi chỉ tay vào lớp học thưa thớt những đứa trẻ áo quần xộc xệch, đầu tóc cháy nắng- “Tiếng là đi học nhưng hầu hết bọn trẻ đều không có sách vở, tui cố gắng sắm cho chúng nhưng vẫn không đủ được vì mình cũng chẳng khấm khá gì”.

Không nhớ hết tên con

Tình trạng chung của gần 50 hộ gia đình ở đây là đều đông con, có gia đình sinh đến 15 đứa con. Các cặp vợ chồng không đăng ký kết hôn và con cái hầu hết đều không có giấy khai sinh.

Tôi ghé qua gia đình ông Nguyễn Khôi - gia đình giữ “kỷ lục” sinh nhiều ở Đập Góc với 15 đứa con. Ông Khôi thành thật: “Nhiều khi tui cũng không thể nhớ hết tên của các con”.