Mở ra nhiều cơ hội cho Việt kiều đầu tư vào CNTT
Hội nghị “Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp phát triển công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT)” được tổ chức tại TPHCM ngày 20-8 là dịp để gần 200 đại biểu là trí thức, doanh nghiệp Việt kiều trong và ngoài nước bày tỏ những điều tâm huyết và bàn nhiều giải pháp cụ thể để phát triển CNTT-TT nước nhà.
Hội nghị diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (TPHCM) do Bộ Bưu chính - Viễn thông, Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT và UBND TPHCM tổ chức. Mở đầu hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã khẳng định: “Đây là cơ hội để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ mối quan tâm và nguyện vọng chính đáng được đóng góp cho CNTT-TT nước nhà, cũng là cơ hội để Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp hiểu rõ hơn tiềm năng và khả năng to lớn của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực CNTT-TT”. Sau báo cáo “Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với chiến lược phát triển CNTT-TT” của Viện trưởng Viện Chiến lược Bưu chính - Viễn thông Trần Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trình bày hiện trạng, mục tiêu, giải pháp đến năm 2010 và khả năng đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trí thức kiều bào góp ý rất sôi nổi và thẳng thắn 3 đề dẫn do Ban Tổ chức gợi ý. Đó là: Chính sách, cơ hội đầu tư và khả năng đóng góp trong nghiên cứu, đào tạo của kiều bào trong lĩnh vực CNTT-TT.
Nhiều đại biểu mong muốn Nhà nước có một chính sách cụ thể khuyến khích các công ty vừa và nhỏ về CNTT trong nước liên kết thành tập đoàn lớn. Có như vậy mới tạo thành thế đứng vững chắc, cạnh tranh được về CNTT với các nước. Một trong những điểm yếu trong lĩnh vực CNTT là nguồn nhân lực cũng được nhiều trí thức, doanh nghiệp Việt kiều đưa ra các giải pháp khắc phục rất thiết thực. Ông Nguyễn Tư Nguyên, Giám đốc Công ty Linet Software, cho biết ông đang có một công ty phần mềm và đào tạo tại tỉnh Khánh Hòa, trong 3 năm qua, công ty đã đào tạo 500 người có trình độ về vi tính cung cấp cho các doanh nghiệp nhỏ muốn ứng dụng CNTT để kiểm soát và quản lý về ngành nghề du lịch. Mặc dù mới chỉ là những bước đi ban đầu nhưng đã hứa hẹn nhiều thành công. Giáo sư Vương Thanh Sơn, Trường Đại học British Columbia (Canada), muốn được tư vấn hoặc giảng dạy tại một trường đào tạo về CNTT tại Việt Nam. Quan tâm đến cơ hội đầu tư, kiều bào bức xúc khi gặp nhiều khó khăn trong quá trình xúc tiến đầu tư tại Việt Nam, nhất là về thủ tục hành chính, nhà đất,...
Tổng kết hội nghị, Ban Tổ chức đã có những cam kết rất cụ thể như: Luân phiên tổ chức hội nghị hằng năm ở 3 TP lớn: Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM; xây dựng chợ trên mạng để giảm chi phí đầu vào và quảng bá cho đầu ra; tóm tắt tất cả các luật lệ, chính sách liên quan đến đầu tư đưa lên mạng Internet để phục vụ bà con kiều bào ở nước ngoài; lập cổng giao lưu để Sở Bưu chính - Viễn thông TPHCM đưa lên mạng những thông tin cập nhật về sản phẩm CNTT; giảm chi phí đường truyền, đơn giản thủ tục visa cho Việt kiều, tạo ra nhiều chỗ ở cho các Việt kiều về nước đầu tư. Để thực hiện được tốt những cam kết này, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị Việt kiều ở các nước Mỹ, Pháp, Đức, Nhật hãy giúp Việt Nam xây dựng danh mục người Việt Nam làm CNTT ở nước ngoài để trao đổi với nhau và liên kết lại.
Kiều bào nhận xét gì từ hội nghị? Ông Ngô Dương Hoàng Thao, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt kiều, Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn Đông Dương: Đã cùng đứng chung “sân chơi”
Ông Nguyễn Minh Đồng, Việt kiều Đức: Giảm bớt điều bất hợp lý sẽ thu hút được nhân tài
Phạm Hồng Sơn, Việt kiều Pháp: Thiếu kinh nghiệm khi tiếp cận dự án lớn
Mai Ngọc |