Mùa đi, nhớ cây lúa sạ
Dường như lúa có liên quan tới tính cách người miền Tây, vui thì vui trọn mà buồn thì buồn thật sâu
Mùa khô nắng nóng mặt ruộng đất nứt nẻ dấu chân chim. Mùa mưa nước sông đầy đưa mùa nước nổi về. Miền Tây - đặc biệt là An Giang, Đồng Tháp - với hai mùa mưa - nắng tạo ra tính cách, văn hóa lối sống theo mùa. Đi chợ, nhìn những thứ bày bán biết là đang ở vào mùa nào, tháng nào. Mùa khô còn là mùa cày, mùa chuột, mùa tát đìa nên chợ rất nhiều dân quê bán chuột, bán các loại cá đồng như như cá lóc, cá rô, cá trê, các loại trái cây vú sữa, mãng cầu ta, lồng mứt… Mùa nước nổi chợ như sôi động hơn, trắng xóa các loại cá sông gồm cá linh, cá he đuôi đỏ, cá mè vinh, cũng là mùa vàng bông điên điển, rau nhút, bông súng cọng dài trắng nõn, nhất là đây còn là mùa xoài, mùa cà na, me ngào đường cho trẻ con ăn chơi thích mê.

Mùa nào có thức nấy, món ăn theo mùa như mùa nước người hay ăn cá linh kho lạt dầm me chấm với bông súng, bông điên điển người hay khi mắn hoặc sẵn bông điên điển bằng lăng trổ đọt non cùng với tôm tép người hay làm bánh xèo. Nhưng rồi giờ đây, thời tiết như biến đổi, chuyện nắng mưa không giống xưa. Các loại trái cây xoài, dưa hấu, bông điên điển đến mùa nước có, nay nhờ khoa học nó như có mặt quanh năm. Cá tôm được nuôi không cần phải đợi đến mùa mới được ăn. Rõ ràng, cuộc sống con người thay đổi nhưng kèm theo đó là nỗi lo lắng. Tất cả như lệ thuộc vào vật tư xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu. Không có chúng thì cây trái èo ọt, màu sắc chẳng bóng bẩy. Chẳng phải vô cớ, ngày nay đi chợ thường bối rối khi chọn lựa rau, lựa xoài để mua. Biết rất rõ là chất lượng của nó không còn hương vị tự nhiên như ngày xưa, món nào cũng xài hóa chất, nếu rửa không kỹ sinh ra bệnh nhưng vẫn phải mua.
Người ta đâm ra nhớ những điều đã đi vào trong tiềm thức như rau muống đồng, trái xoài, trái vú sữa chín cây. Nhất là nhớ cây lúa sạ, mỗi năm một vụ mùa. So với lúa Thần Nông ngày nay mỗi năm làm được 3 vụ năng suất cao nhưng lúa sạ lại cho hạt gạo thơm ngon. Và nó trở thành đặc sản cho nhà giàu. Tỉnh An Giang trước đây có 30.000 ha lúa sạ, nay chỉ còn 30 ha do dân xã Lương An Trà trồng như để giữ lại kỷ niệm cũ, hương xưa.
Hồi nhỏ, tôi được ba kèm thật chặt chẽ, không học thì đọc sách hoặc là ngủ không cho ra khỏi nhà. Tôi đọc hết tủ sách gia đình, đọc trở lại lần thứ hai; cuối cùng, để đối phó với sự tù túng, tôi chọn thêm cách ngủ. Ông nội tôi là nông dân, vô đồng tứ giác Long Xuyên móc gốc tràm khẩn hoang được 20 mẫu ruộng. Ông thuộc loại xưa, “nho chùm”, đi đám tiệc muốn về thay vì nói tui rút lui, tui dìa nghe, ông lễ phép “đệ xin cáo kiến”. Đi đâu ông hay dẫn tôi đi theo. Năm tôi lên 9 tuổi, tôi có 2 chuyến đi, một lần vào mùa cày, một lần vào mùa nước với ông để biết thế nào là cánh đồng lớn của tứ giác Long Xuyên. Hai ông cháu, tôi bơi mũi, ông chèo lái, chiếc xuồng có 2 tấm rèm che mát. Trong xuồng có đầy đủ các loại dụng cụ len, cuốc, gạo, nước mắm, rập bắt chuột… Xuồng bơi lòn lỏi qua các con rạch xóm làng vườn tược xanh mát, mệt thì dừng lại đâu đó nghỉ ngơi. Hình ảnh đó tạo thành ấn tượng buổi đầu đời để tôi còn nhớ mãi. Cuối cùng, cánh đồng hiện ra. Lần đầu tiên đứng trước nó, tôi cảm thấy có điều gì đó rất lạ, như là có tiếng gọi hoang dã vì nó quá rộng lớn. Trời đất bao la bát ngát không bóng cây, không bóng người. Xa thật xa có một cái chòi của những chủ đất hiu quạnh cùng với con bò cặm cụi cày ruộng. Gió đồng thổi lồng lộng, tôi dang hai tay ra vừa la hét vừa chạy theo những đường cày bắt chuột. Chim sáo, chim sâu từ đây bay đến rợp trời theo cái luống cày bắt côn trùng. Mấy ngày, tôi sống chan hòa cùng với thiên nhiên, suốt ngày chạy theo luống cày lượm những con ốc béo tròn, rượt bắt những con chuột béo mỡ hay xuống những khẩu đìa cạn mò cá lóc. Tất cả được đem nướng trong lửa rơm chấm với muối ăn hoang dã nhưng rất ngon, không cần những thứ gia vị mang theo. Món tôi mê nhất là trứng chim, chỉ cần đi vẹt mấy bụi lau sậy ra là lượm về đầy nồi. Lúa sạ không cần chăm sóc, đất cày xong đợi một hai đêm lúa giống xuống rồi về. Một tháng sau trở lại, vô coi chim, chuột có phá lúa mọc thưa thớt lấy lúa sạ dặm thêm coi như hết việc. Nước lên kéo dài 5 tháng rồi rút, lúa bắt đầu chín, người trở vô lo gặt lúa thu hoạch. Lúa sạ như món quà của thiên nhiên ban tặng, nó cũng là nguồn gốc của câu nói “miền Tây làm chơi ăn thiệt”.
Tôi được ông cho đi chuyến thứ hai vào mùa nước nổi thăm lúa. Khác với lần trước, lần này tôi đứng trước khung cảnh thật hùng vĩ. Không biết nước từ đâu, ai tính ra được lưu lượng của nó là bao nhiêu xóm làng ngập lênh đênh. Cả cánh đồng hóa ra biển nước chơi vơi không bến bờ, có năm nước ngập sâu đến 6 thước, sóng gió đì đùng. Lúa sạ ló đọt lên mặt nước phất phơ, theo chiều gió lượn thành những thảm sóng xanh rập rờn lúa đến tận chân trời. Chiếc xuồng đậu giữa biển lúa nghe tiếng sóng lúa rì rào. Tôi, đứa trẻ lên 9 tuổi, học được từ thiên nhiên nhiều điều thú vị hơn ở nhà trường. Sự kỳ diệu của thiên nhiên như thể hiện qua cây lúa sạ, tôi nhổ một cây ra đo, thấy thân lúa dài bằng chiều dài chiếc xuồng. Qua ông, tôi được biết thêm lúa sạ nước lên tới đâu thân nó mọc dài theo tới đó. Không biết có từ lúc nào nhưng tính từ lúa miền Tây bắt đầu công cuộc khẩn hoang, lúa sạ là một cụ già 300 tuổi, giống lúa sạ rất phong phú, có giống hột rất to, bằng cái đầu đũa ăn, lưa thưa nhìn giống bông dừa, dân quê qua hình dạng gọi tên là lúa bông dừa. Có giống mọc thành đùm gọi là lúa nàng đùm. Có giống hột cụt lủn tròn trịa, nông dân hóm hỉnh đặt cho nó tên là lúa thằng chệt cụt. Đặc biệt, có cây lúa mạ không trồng mà mọc cho hột nhỏ rưng rức có cái đuôi dài. Lúa mạ chín khỏi mắc công gặt, chỉ cần lấy cây sào dài quơ ngang lúa rụng vô xuồng. Lúa sạ cho gạo rất thơm ngon nhưng năng suất lại thấp, 1 công trúng lắm chỉ có 20 giạ trong khi lúa Thần Nông 1 công 40 giạ là bình thường. Nhu cầu của nông dân ngày xưa không nhiều với năng suất như vậy cuộc sống đủ no ấm.
Chuyện của hai ông cháu tôi lặng lẽ mấy chục năm trôi qua. Tuy nhiên, sau 2 chuyến đi thăm đồng tứ giác Long Xuyên, từ đó trong tôi luôn có tiếng gọi. Tôi không biết đó là tiếng gì, thôi thì cứ tạm đặt tên cho nó là tiếng đồng nội. Nó rất lạ lùng, nhiều đêm nằm lơ mơ sửa soạn ngủ bỗng nhiên từ đâu nó lại cất tiếng gọi êm ái, êm ái đến không thể ngủ được theo nằm trằn trọc. Hai mươi năm sau, ấn tượng buổi ban đầu vẫn mãi không phai nhòa mặc dù tôi đã trải qua nhiều cảnh đời, rời trường học kiếm sống, rồi trở lại trường học vào lúc 28 tuổi thành anh học trò già.
Nhớ cây lúa sạ, lúa không cần phân bón, thuốc trừ sâu, không đỏng đảnh như bao giống lúa khác, lại cho ra đủ thứ gạo tên nàng Tây thơm ngon. Lúa đã nuôi sống làm nên bộ mặt kinh tế - văn hóa của tỉnh An Giang, vì thế An Giang là tỉnh duy nhất có tượng đài cây lúa.
Nhớ cây lúa sạ, cánh đồng chạy dài ngút ngàn đến cuối chân mây vậy mà người nông dân rất nghèo, trăm thứ hầm bà lằng đám tiệc, đau yếu, học hành hoàn toàn trông cậy vào bồ lúa. Nghèo nhưng tấm lòng người nông dân rộng mở, chỉ cần hô lên một tiếng góp lúa để làm cầu cống, trạm xá, trường học thì ai cũng sẵn sàng.
Nhớ cây lúa sạ, đồng không mông quạnh không một bóng cây, không một thứ gì khác ngoài lúa. Nhìn đâu cũng thấy ruộng lúa, nên lúa như chuyện trò thì thầm với người. Người không bị phân tán cái nhìn nên hay hướng vào nội tâm. Dường như lúa có liên quan tới tính cách người miền Tây, vui thì vui trọn mà buồn thì buồn thật sâu. Không đâu buồn bằng đồng lúa sạ, xa xa một mái nhà, người thưa thớt toàn dân nghèo, họ giống như cây lúa sạ mới chung sống được với cảnh nước nôi lênh đênh kéo dài 5 - 6 tháng. Nhưng ai khá giả thường có hai cái nhà sống một cảnh hai quê, vô làm ruộng rồi chở lúa về như trường hợp của ông tôi ngày xưa. Nhưng không đâu đông vui bằng đồng lúa sạ lúc trời tháng ba, tháng tư sa mưa là mùa cày. Và lúc tháng mười, nước giựt lúa bằng đầu chín rộ. Vui đến độ người nông dân xem đây là hai cái Tết, nó kéo theo toàn bộ cuộc sống tỉnh An Giang vui theo, chợ búa mua bán nhộn nhịp. Các bến đò ngày thường không có, vào hai dịp này tự động mọc lên. Chiếc đò nào cũng đông nghẹt khách…
Đáy dĩa mùa đi nhịp hải hà
Nhớ cây lúa sạ. Nó đã cùng với hai mùa, mùa nắng tạo ra tính cách dân miền Tây, người An Giang nếp sống theo mùa. Mùa nào thức nấy giống như câu thơ của Nguyễn Xuân Sanh “Đáy dĩa mùa đi nhịp hải hà”. Dân quê quen nhìn trăng sao, tính theo âm lịch, ít để ý đến tấm lịch treo trên vách. Lắm người nhập tâm cũng không cần biết đến lịch, cứ ra chợ nhìn thấy xoài, dưa hấu, tôm cá là biết đang ở mùa nào… Nhưng giờ đây mọi thứ đều khác trước. Ở chợ mùa nào cũng có xoài, có dừa, có cá, tôm. Và mỗi năm một vụ lúa sạ, nay chuyển qua làm Thần Nông tăng lên 2 vụ, 3 mùa. Hỏi nhau buồn hay vui? Rõ ràng là vui vì lúc nào cũng có tôm cá ăn, lúa gạo đầy bồ, vậy mà nhiều khi tôi vẫn nhớ da diết hạt gạo lúa sạ năm nào...
