Mứt hạnh: Không thương hiệu, khó cạnh tranh

Làng mứt hạnh đặc sản đã có hơn 10 năm, mỗi dịp Tết Nguyên đán cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn hàng Ở làng mứt hạnh khu phố 5, phường 10, TP Mỹ Tho - Tiền Giang, đi đến nhà nào cũng thấy đàn bà, con trẻ, người già tất bật gọt vỏ hoặc chăm chú tách hạt ra khỏi trái hạnh nhưng chẳng thấy nhà nào sên mứt.

Hỏi thăm, một thanh niên tên Khương cho biết: “Bà con ở đây chỉ làm gia công cho chủ lò. Tiền công gọt vỏ 1 kg trái hạnh 600 đồng, tách hạt 700 đồng/kg, gói mứt 800 đồng/kg”, rồi chỉ đường cho chúng tôi vào lò.

Một thời ăn nên làm ra

Cơ sở sản xuất mứt hạnh Yến Nhi nằm gần cuối hẻm, không gian tràn ngập mùi thơm đặc trưng của những trái hạnh vàng ươm. Chị Cẩm Hồng, chủ cơ sở, đang “chỉ huy” hơn 30 thợ làm mứt, cho biết nghề làm mứt hạnh ở đây đã có từ năm 1994, cũng chẳng nhớ ai là người đầu tiên khởi xướng nhưng đã 10 năm qua các lò mứt vùng này là nguồn cung cấp hàng chủ yếu cho thị trường các nơi vào dịp Tết.

Từ sau Tết Trung thu, chủ lò mứt đã phải chạy đôn chạy đáo tìm nơi đặt mua trái hạnh. Hạnh đem về phải rửa sạch, gọt vỏ, lấy hết hạt rồi rửa qua một lần nữa mới cho vào lò sên với đường. Trung bình mỗi mẻ mứt mất từ 3 đến 5 ngày, 1 kg nguyên liệu thu được nửa kg thành phẩm, sau đó phải bao gói từng trái bằng ni-lông rồi mới giao cho thương lái các nơi. Mỗi lò mứt đều có một đội quân đến cả trăm người để lo các khâu: gọt vỏ, lấy hạt, bao gói và thường phải huy động cả xóm cùng làm mới kịp hàng giao cho khách. Cách nay chừng vài năm, vào mùa Tết, mứt hạnh sản xuất không kịp bán, với giá ổn định khoảng 20.000 đồng/kg. Thời điểm hiện nay chỉ còn 17.500 đồng/kg.

Mứt Mỹ Tho, thương hiệu “thiên hạ”

Năm nay, lượng mứt hạnh mà các lò ở phường 10 đưa ra thị trường giảm 20% - 30% so với những năm trước. Ngoài những biến động của thị trường nguyên liệu, hiện tại các chủ lò đau đầu với tình trạng “nhà nhà làm mứt, người người làm mứt” và đưa ra thị trường những trái mứt hạnh xỉn màu, vị đắng hoặc bị bủng do không có tay nghề. Chính yếu tố này đã khiến người tiêu dùng bắt đầu cảnh giác với mứt hạnh Mỹ Tho một thời vang danh khắp nơi. Chị Đoàn Phi Yến, chủ một lò mứt có thâm niên gần 10 năm trong nghề, nói: “Làm ra mứt hạnh đạt tiêu chuẩn vàng ươm, thơm, không bể, không đắng và không xỉn màu là điều không đơn giản. Những người mới vô nghề, không có kinh nghiệm thường bị những lỗi này nên chúng tôi lại mang tiếng chung”.

Nhưng thực ra chuyện chất lượng sản phẩm cũng chưa phải là điều bận tâm nhất của những chủ lò mứt hạnh Mỹ Tho. Hai năm qua, làng mứt Mỹ Tho đã râm ran chuyện các chủ lò mứt hạnh bị thương lái các nơi lợi dụng. Trái mứt hạnh Mỹ Tho sau khi bán ra thị trường đã bị người khác mang về đóng gói lại, dán nhãn hiệu của “thiên hạ” lên và bán với giá khá cao. Ngay tại chợ bánh mứt Mỹ Tho, Tết năm nay, mứt hạnh ở phường 10 được bày bán “nguyên đai, nguyên kiện” của các lò với giá 21.000 đồng- 22.000 đồng/kg. Và, khi trái mứt hạnh Mỹ Tho lên thị trường TPHCM hoặc ra miền Trung, miền Bắc giá lại đội lên cao gấp mấy lần nhưng thương hiệu thì... lạ hoắc. Những chủ lò mứt ở phường 10, Mỹ Tho cho biết khu vực này có gần 20 lò nhưng những lò có nhãn hiệu riêng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Chị Hồng giãi bày: “Nếu tụi tôi có vốn kha khá thì đã đầu tư dây chuyền sản xuất, in ấn bao bì, đăng ký độc quyền nhãn hiệu hàng hóa rồi. Thậm chí tôi còn muốn in tên, địa chỉ cơ sở lên ngay miếng ni-lông nhỏ xíu gói từng trái mứt nữa kìa. Nhưng mà lực bất tòng tâm nên đành chịu thiệt thòi”.