Nghĩ về chiến công 31 năm trước

“Giữa chúng ta không có kẻ thua người thắng mà là dân tộc Việt Nam chúng ta thắng đế quốc Mỹ”

1. Tại cuộc tiếp Đoàn Nghị sĩ do Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam mới đây, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam nhắc lại thông điệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bức thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ Truman cách đây đã 60 năm (tháng 2-1946): “Nước Việt Nam chủ trương độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ”. Buối tối hôm đó, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam còn nhắc lại rằng bữa tiệc chiêu đãi này đã được Việt Nam dọn sẵn từ 60 năm trước.

Chỉ cách đây hơn 3 thập kỷ, những ai chứng kiến những gì diễn ra tại Việt Nam, hình ảnh những chiếc máy bay trực thăng di tản những người lính Mỹ cuối cùng ra khỏi thành phố Sài Gòn đang trong vòng vây thít chặt của các lực lượng vũ trang cách mạng, khó có thể hình dung nổi nội dung của những thông điệp đã từng được những nhà lãnh đạo Việt Nam nêu lên từ trước đó gần 30 năm và sau đó cũng chừng 30 năm.

Cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ ở Việt Nam đã diễn ra thật ác liệt, mang lại những hậu quả nặng nề cho cả hai quốc gia. Phải 20 năm sau (năm 1995) quan hệ mới lập lại bình thường. Nhưng một thập kỷ tiếp theo là những bước đi dài về phía trước. Chuyến đi của Tổng thống Hoa Kỳ B. Clinton năm 2000, chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005, chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ mới đây và lời nhận sang thăm Việt Nam nhân Hội nghị Thượng đỉnh APEC vào cuối năm nay của Tổng thống G. Bush... khiến cho sự kiện 30-4-1975 vừa là dấu chấm than ghi nhận thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vừa là khởi đầu sự tìm kiếm con đường để xác lập lại những giá trị đã được khẳng định từ 30 năm trước.

Nhắc lại, những diễn tiến của lịch sử vừa tròn một hội 60 năm trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, mới thấy chiến tranh dù có dài lâu và ác liệt đến mấy vẫn chỉ là những khoảnh khắc của lịch sử. Hào quang chiến thắng sẽ phai nhạt cùng thời gian nếu chiến thắng trong chiến tranh giữ nước không được phát huy trong công cuộc dựng nước lâu dài.

2. Tôi nhớ mãi hình ảnh vị đại tướng tổng tư lệnh của cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược đã nói với con trai của cố Tổng thống J.F.Kennedy, người đã quyết định trực tiếp đưa quân vào Việt Nam ở thập kỷ 60 của thế kỷ trước, rằng: Người ta, đặc biệt là thế hệ trẻ chỉ biết đến trang sử đen tối của cuộc chiến tranh gần 3 thập kỷ của Hoa Kỳ can thiệp vào Việt Nam mà ít biết đến những trang sử tốt đẹp trước đó. Và vị đại tướng, năm đó 88 tuổi (năm 1998), đã chỉ cho chàng trai Kennedy, năm đó mới 38 tuổi, bức ảnh mình cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh treo trên tường và nói rằng đó là bức ảnh do một sĩ quan trong đơn vị tình báo Hoa Kỳ hợp tác với Việt Minh đánh phát xít Nhật chụp tại Hà Nội những ngày đầu nước Việt Nam độc lập. Và vị lão tướng nói với chàng trai Mỹ sinh ra sau mình đúng một nửa thế kỷ rằng: Chính các thế hệ trẻ hai nước phải có trách nhiệm viết tiếp những trang sử của hiện tại và tương lai tương xứng với những gì đã có từ trong quá khứ, vượt qua được những trang đen tối của chiến tranh. Chỉ vì, chiến tranh chỉ là khoảnh khắc của lịch sử.

Trong cuộc tiếp xúc giữa nghị sĩ hai nước, Chủ tịch Nguyễn Văn An tặng lại cho các nghị sĩ Hoa Kỳ bản dịch ra tiếng Anh Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam 1945, trong đó có trích đoạn Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ 1776. Và cử tọa còn tỏ ra rất thích thú khi được xem tấm hình vị thủ lĩnh của Mặt trận Việt Minh đang tập ném lựu đạn dưới sự hướng dẫn của một cố vấn Hoa Kỳ trên chiến khu Việt Bắc, trước ngày tổng khởi nghĩa và tấm bích chương hướng dẫn cách cứu phi công Mỹ với hình vẽ hai lá cờ Việt Minh và Mỹ cùng câu thơ: “Bộ đội Mỹ là bạn ta- Cứu phi công Mỹ mới là Việt Minh” được in cùng tờ báo Việt Nam độc lập của Bác Hồ phát hành ở Cao Bằng tháng 7-1945.

Ba thập kỷ sau ngày chiến thắng, những bài học của lịch sử càng làm cho chúng ta hiểu rằng chiến tranh chỉ là khoảnh khắc của lịch sử. Một dân tộc biết đoàn kết, biết hòa giải với những vấn đề của quá khứ, mới là một dân tộc có khả năng mạnh bước tới tương lai. Và chỉ từ đỉnh cao của công cuộc dựng nước chúng ta chứng minh được đầy đủ bản lĩnh của những người chiến thắng trong chiến tranh.

Mới đây, hơn 4 thập kỷ sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ (năm 1964), những công bố mới nhất về tư liệu lại cho thấy nguyên nhân mở rộng cuộc chiến tranh ở Việt Nam hoàn toàn do các thế lực hiếu chiến của Hoa Kỳ gây ra cũng giống như cách đây 60 năm cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, theo cách gọi của phương Tây cũng bắt đầu bởi chủ trương của giới thực dân muốn thủ tiêu nền độc lập của dân tộc Việt Nam bằng một cuộc chiến tranh xâm lược. Đó lại thêm bằng chứng lịch sử cho thấy nhân dân Việt Nam buộc phải cầm súng chiến đấu và cũng là một dân tộc hơn ai hết mong muốn hòa bình và sự hòa hiếu.

Vào thời điểm này, cũng là cơ hội chúng ta nhắc lại lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ những ngày đầu sau khi thiết lập Nhà nước Việt Nam độc lập: “Việt Nam muốn hợp tác với tất cả các quốc gia dân chủ và không muốn gây sự với ai”. Vào thời điểm này, chúng ta càng nhận thức sâu sắc rằng 60 năm sau ngày giành được độc lập, 30 năm sau kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và sau 20 năm đổi mới, dân tộc ta đang đứng trước một cơ hội chưa từng có để hội nhập với thế giới và phát triển cùng thế giới. Mục tiêu “hợp tác với tất cả quốc gia dân chủ và không muốn gây sự với ai” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra trong thông điệp 60 năm trước đang là hiện thực.

3. Do vậy, nhắc lại để kỷ niệm 31 năm sự kiện ngày 30-4-1975, chúng ta không chỉ tôn vinh chiến công về một cuộc chiến tranh, sự nối tiếp truyền thống chống giặc ngoại xâm mà tổ tiên, cha ông chúng ta đã từng làm nên trong lịch sử giữ nước. Chúng ta không chỉ ghi nhớ công lao của tất cả những ai làm nên chiến tích lịch sử ấy mà chúng ta còn ghi nhận một tầm nhìn xa rộng của những người đã làm nên chiến thắng luôn nhìn về phía trước.

Bên cạnh những hình ảnh hào hùng khi những chiếc xe tăng của lực lượng giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, biểu tượng cho sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn, hình ảnh lá cờ giải phóng tung bay trên biểu tượng cho chiến thắng, thì cũng không nên quên hình thái kết thúc một cuộc chiến tranh ác liệt bằng một kết cục ít bạo lực nhất, khi toàn bộ nội các cuối cùng của chính quyền Sài Gòn đứng đầu là ông Dương Văn Minh đã lựa chọn một cách hành xử có trách nhiệm nhất với dân tộc bằng cách chủ động hạ vũ khí và cuối cùng là đầu hàng không điều kiện. Giống như cuộc Cách mạng Tháng Tám, chúng ta kết thúc một cuộc chiến tranh bằng một thắng lợi rất triệt để và cũng rất “Việt Nam” với sự thức dậy của một tinh thần dân tộc.

Đọc lại bức điện phát đi từ thủ đô Hà Nội, từ tổng hành dinh của cuộc chiến tranh cách mạng, do Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, vào lúc 12 giờ 25 phút ngày 30-4-1975, sau khi nhận được tin ta đã làm chủ thành phố Sài Gòn càng thấy tầm nhìn của những người chiến thắng: “Có thể dùng Dương Văn Minh để kêu gọi các đơn vị của địch hạ vũ khí nhưng không phải với tư cách tổng thống mà với tư cách một người đã sang hàng ngũ nhân dân”.

Và câu nói của một trong những vị tướng tư lệnh chiến trường, Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Trần Văn Trà, khi gặp ông Dương Văn Minh và nội các vừa tuyên bố đầu hàng của ông: “Giữa chúng ta không có kẻ thua người thắng mà là dân tộc Việt Nam chúng ta thắng đế quốc Mỹ” càng cho thấy ý nghĩa to lớn của ngày 30-4-1975 không chỉ là một chiến thắng quân sự.

Và nếu như những tầm nhìn xa ấy vượt được những thử thách của thời đại, chắc chắn tầm vóc thắng lợi của sự kiện lịch sử 30-4-1975 sẽ tác động mạnh mẽ vào những bước phát triển của dân tộc Việt Nam hướng tới tương lai hơn những gì chúng ta phải trải qua trước khi chúng ta kịp đổi mới.

Tháng 4-2006