Người đàn bà giã gạo nuôi bộ đội Cụ Hồ

Đó là cụ bà người Thái đã gần 100 tuổi Lò Thị Đôi. Những việc làm mà cụ tham gia là một góc nhìn sống động về tình quân dân cá nước

Cụ bà Lò Thị Đôi- người không trực tiếp ra trận nhưng lại biết rất nhiều chuyện hậu cần khi sở chỉ huy chiến dịch đóng ở Mường Phăng.

img
Cụ Lò Thị Đôi ngời lên niềm vui khi kể lại những năm tháng hào hùng của mình


Thời Pháp thuộc, phụ nữ Thái khổ lắm!


Bất cứ ai khi đến thăm khu di tích hầm chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Mường Phăng đều phải đi ngang qua căn nhà của cụ Đôi, một trong số ít người lưu giữ nhiều bí mật về Điện Biên Phủ.


Ngôi nhà của người đàn bà Thái gần 100 tuổi ấy nằm đối diện Ban Quản lý Khu Di tích sở chỉ huy chiến dịch hiện nay. Ở bản Phăng 1 và cả xã Mường Phăng, cụ Đôi có lẽ là người nhiều tuổi nhất.

Mặc dù tai đã “nặng” nhưng vẫn hào hứng nghe chúng tôi, lớp cháu chắt hỏi về những ngày tháng cụ đi theo kháng chiến. Cụ Đôi kể: “Thời Pháp đóng quân ở Lai Châu, Điện Biên, đàn bà Thái khổ lắm. Suốt ngày phải trốn trong rừng, đến đêm mới dám về nhà”- đôi mắt cụ Đôi nhìn về một miền ký ức xa xăm.


Thời Pháp thuộc, những người con gái Thái đẹp bị giặc Pháp săn lùng, hãm hiếp hoặc bắt về làm vợ. Cụ Đôi cũng có thời gian phải trốn trong rừng để tránh sự săn lùng của lính Pháp.

Lính Pháp, lính khố xanh thường xuyên tìm đến nhà của người đàn bà này nhưng sau nhiều lần không thể dụ được, chúng đã bắt chồng bà đi lính để uy hiếp. “Cuộc đời phụ nữ Thái ở Điện Biên dưới thời Pháp đen tối lắm nên khi bộ đội đến là tất cả chúng tôi đều tin tương lai rồi sẽ tốt hơn và tham gia kháng chiến”- cụ Đôi kể lại.


Có gia đình ủng hộ cả tấn gạo


Bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ Đôi được giao nhiệm vụ là trưởng ban vận động phụ nữ ủng hộ kháng chiến. Thời ấy ông Lò Văn Hặc là chủ tịch khu Tây Bắc và là một người có uy tín với nhân dân các dân tộc trong vùng.

Lớp người như cụ Đôi vẫn nhắc đến “ông Hặc khu” với sự kính trọng. Chính chủ tịch Hặc là người đã giao cho cụ Đôi trọng trách “thủ lĩnh” phụ nữ của cả khu vực Mường Phăng.


Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lương thực là vấn đề nan giải với bộ đội ta. Trên đường hành quân lên tới Điện Biên Phủ hơn chục ký gạo mà mỗi chiến sĩ Điện Biên phải mang theo hầu  như đã sử dụng hết ở dọc đường.

Để có sức đào hào công sự đánh giặc, chủ trương của quân đội là dựa vào sức dân. Cụ Lò Thị Đôi là một trong những người đầu tiên nghĩ ra phong trào góp gạo ủng hộ bộ đội và phụ nữ nuôi quân.

Cụ Đôi giải thích: “Người Thái, người Mông thường có truyền thống tích trữ rất nhiều thóc trong nhà để phòng xa. Họ chỉ dùng số lương thực dự trữ khi thấy thực sự cần thiết. Để thuyết phục được phụ nữ Thái xuất gạo trong kho nuôi bộ đội không phải là dễ”.

Nhưng hạnh phúc là phong trào lúc đầu chỉ được hưởng ứng trong bản Phăng của cụ Đôi dần dần đã lan ra rộng khắp nhiều bản làng vùng Tây Bắc.  Nhờ vậy, bộ đội ta không bị đói, đủ sức đánh giặc.


Bà cụ đã sống gần trọn một thế kỷ nhớ lại: “Có gia đình ở Mường Phăng ủng hộ tới cả tấn gạo. Hằng đêm, phụ nữ các bản nổi lửa giã gạo vì ban ngày máy bay địch bắn phá dữ lắm. Mỗi phụ nữ Thái một đêm có thể giã được 80 kg gạo”.

Rồi đôi mắt và giọng nói bà cụ chợt ngời lên niềm vui: “Ngày ấy giã gạo vui lắm, cứ đêm xuống là dân làng từ các bản đổ ra tụ họp, giã gạo cho bộ đội, nô nức như đi xem chiếu bóng vậy!”.


Bộ đội trả không thiếu một cân


Phong trào giã gạo nuôi bộ đội do cụ Đôi phát động ở Mường Phăng là câu chuyện xúc động về tình quân dân cá nước. Người đàn bà Thái này vẫn còn nhớ rõ việc được bộ đội Cụ Hồ tặng muối và trả lại số gạo đã góp thời đánh Pháp.

Nhiều gia đình người Thái không biết chữ nên khi góp gạo nuôi bộ đội đã nhận được một “hợp đồng” là “cứ một tấn gạo thì được quy đổi ra một hạt ngô” sau này ai giữ bao nhiêu hạt ngô thì đem đi nhận bấy nhiêu tấn gạo”.

Giữ đúng lời hứa, sau chiến thắng, bộ đội Cụ Hồ đã trả lại nhân dân không thiếu một cân gạo. Ngoài ra, người dân còn được tặng thêm muối. Nhờ vậy mà Mường Phăng trở nên no ấm, hạnh phúc - điều mà suốt những năm Pháp chiếm đóng Điện Biên, người dân không thể có được.


Tôi chỉ nhớ mình kém ông Giáp 3 tuổi

Khi được hỏi bao nhiêu tuổi, cụ cười móm mém: “Tôi chỉ nhớ mình kém ông Giáp 3 tuổi”. Rồi cụ chợt nhớ những lần được gặp tướng Giáp ngay trong sở chỉ huy chiến dịch, được chủ tịch Hặc giao nhiệm vụ. Sau này, trong những năm đánh Mỹ, cụ Đôi vẫn là lá cờ đầu của phụ nữ ở Tây Bắc trong phong trào ủng hộ kháng chiến. Cụ đã được mời về Hà Nội và nhận danh hiệu Phụ nữ ba đảm đang do Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ VN lúc ấy là bà Nguyễn Thị Định trao tặng.

 

Kỳ tới: “Anh hùng” Khơ mú ở bản Kéo