Người lính già đầu bạc...

Tại Hội trường Ba đình hôm qua, 16-3, đã diễn ra cuộc hội ngộ ấm tình đồng đội của gần 400 đại biểu là lão thành cách mạng, cựu chiến binh từng trực tiếp chiến đấu góp phần giải phóng miền Nam

Người lính già đầu bạc/ Mãi kể chuyện Nguyên Phong”. Câu thơ của vị vua Trần sau chiến thắng quân Nguyên-Mông như được sống dậy tại Hội trường Ba Đình (Hà Nội) vào sáng 16-3. Gần 400 đại biểu là các lão thành cách mạng, các sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ - những cựu chiến binh đã trực tiếp tham gia chiến đấu trên các chiến trường Trị Thiên-Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã tham dự cuộc gặp truyền thống do Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Hà Nội tổ chức.

Những trang chiến sử hào hùng

Tóc trên đầu ai cũng đã bạc. Nhiều người còn nhờ cả con cháu dìu đi, thế mà sáng nay họ cứ như trẻ lại trong tiếng hát hào hùng của một thời: “Sài Gòn ơi ta đã về đây, ta đã về đây...”. Ba mươi năm trôi qua, kẻ còn người mất. Gặp lại nhau đây, lòng ai cũng rưng rưng xúc động. Những kỷ niệm, những chiến công đầy tự hào, những niềm vui lẫn những giọt nước mắt khi nhìn cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, kết thúc cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử loài người.

Gặp lại những đồng đội năm xưa trong đoàn quân tiến vào giải phóng Tây Nguyên, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo không cầm được xúc động. Tay bắt mặt mừng cùng nhau ôn lại chuyện xưa, nào chuyện tiêu diệt Sư đoàn 23 ngụy tại Chư Cúc, nào giải phóng thị xã Cheo Reo. Những chiến công của các anh sử sách còn ghi cả. Cuộc tiến công ào ào như vũ bão đã khiến tướng Phạm Văn Phú, tư lệnh Quân khu 2 ngụy phải ra lệnh: “Mở đường máu mà thoát thân, xe không đi được thì phá xe, bỏ qua mọi tình huống mà chạy”.

Thiếu tướng Nguyễn Công Trang, nguyên Phó Chính ủy Quân đoàn 2, nhớ lại thời điểm chuẩn bị giải phóng hoàn toàn Trị Thiên-Huế. Đoàn cán bộ chuẩn bị chiến trường Quân đoàn 2, Sư đoàn 324, 325 đón giao thừa ngay trên đỉnh động Truồi. Thiếu tướng Nguyễn Công Trang nói: “Hình ảnh lá cờ chiến thắng tung bay trên đỉnh Phu Văn Lâu (Huế) vào lúc 13 giờ ngày 25-3-1975 vẫn luôn là niềm tự hào của mỗi chúng tôi, của Quân đội Nhân dân Việt Nam”.

Làm chủ hải đảo, đất liền

Thiếu tướng Mai Năng, nguyên Trung đoàn trưởng Đoàn 126 đặc công nước Hải quân, bồi hồi ôn lại những chiến công giải phóng các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa lớn, An Bang... trong quần đảo Trường Sa. Theo Thiếu tướng Mai Năng, khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ là các chiến sĩ đặc công nước chuyên đánh phá tàu tại cảng và biển gần chứ chưa quen đánh căn cứ, đồn bót trên biển đảo. Trận đánh lại diễn ra trên diện rộng, xa đất liền hàng mấy trăm cây số. Nhưng với tinh thần quyết chiến quyết thắng, “đâu có giặc thì ta cứ đi”, các cán bộ và chiến sĩ Đoàn 126 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: 5 giờ 15 phút ngày 14-4-1975, ta kéo cờ giải phóng lên làm chủ đảo Song Tử Tây. Và thừa thắng xông lên, ta tiếp tục đánh chiếm, giải phóng các đảo còn lại.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ, Tư lệnh Quân khu I, luôn nở nụ cười trên môi, thậm chí có lúc rưng rưng nước mắt khi gặp lại những đồng đội cũ đã cùng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ba mươi năm trước, Phạm Xuân Thệ là đại úy Trung đoàn phó Trung đoàn 56, Sư đoàn 304, thuộc lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2. Đại úy Thệ được Ban Chỉ huy Trung đoàn giao nhiệm vụ đi đầu để chỉ huy lực lượng chiến đấu, nhanh chóng đánh thẳng vào nội đô Sài Gòn với mục tiêu cụ thể: chiếm Dinh Độc Lập, đài phát thanh Sài Gòn và Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy. Nhắc lại chiến công của một thời, ông cùng đồng đội không thể nào quên giây phút thiêng liêng khi Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 thông báo với toàn thể đồng bào trên sóng phát thanh: “Quân giải phóng đã hoàn toàn làm chủ TP Sài Gòn - Gia Định lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4. Chính quyền Sài Gòn đã phải đầu hàng vô điều kiện...”.

Chiến công nối tiếp chiến công. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước Việt Nam đã thống nhất, hòa bình và đang hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Cùng dự cuộc gặp mặt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang đến cho mọi người tình cảm chan hòa và sự xúc động vô bờ. Vẫn giọng hào sảng, đại tướng mong muốn, các cựu chiến binh tiếp tục lập nên những chiến công trong tình hình mới; đồng thời phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu, xây dựng nước ta vươn lên sánh vai cùng các nước trên thế giới.

Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo, nguyên Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên:

Đòn điểm huyệt thắng lợi

Với quyết tâm giải phóng Buôn Ma Thuột, mưu kế của Bộ Thống soái là bày ra một hình thế dàn trận chiến lược, bài binh bố trận ghìm địch ở hai đầu chiến tuyến Sài Gòn và Huế - Đà Nẵng để phá vỡ Tây Nguyên. Ta đưa Quân đoàn 4 vào Bắc Đồng Nai, Quân đoàn 2 vào Tây Huế. Hai quân đoàn ta đứng đó, địch phải đưa sư đoàn lính dù và sư đoàn lính thủy đánh bộ - tổng dự bị chiến lược ra để giữ 2 khu vực đó nên sơ hở ở Tây Nguyên. Ta chọn Buôn Ma Thuột làm điểm đột phá mở đầu ở Tây Nguyên. Ở đây địch ít chú ý hơn và địa hình thuận lợi cho các đơn vị lớn hoạt động... Muốn cho Buôn Ma Thuột chắc thắng, ta đột ngột tăng cho Tây Nguyên 2 sư đoàn nữa. Lúc đó, Tây Nguyên có 4 sư đoàn và một số trung đoàn độc lập tăng thêm cho pháo binh và xe tăng. Tây Nguyên trở thành một quân đoàn mạnh, lại có sự phối hợp của Sư 3 Sao Vàng (Quân khu 5) và sự hỗ trợ của Đoàn 559. Thời cơ tăng thêm cho Tây Nguyên 2 sư đoàn là cái nút của cuộc chiến tranh. Với lực lượng hùng hậu, mưu kế của chiến dịch là nghi binh lừa địch ở Pleiku, KonTum để địch tập trung vào đó mà sơ hở ở Buôn Ma Thuột. Địch mắc mưu, ta tập trung lực lượng nhanh chóng phá vỡ Buôn Ma Thuột và đánh phản kích thắng lợi, tạo ra đột biến về chiến dịch. Đòn điểm huyệt đó thắng lợi, buộc địch phải rút chạy khỏi Tây Nguyên.