Người mẹ của trăm con

CHÂN DUNG.- Căn nhà chị đang sinh sống nằm ở phường Phú Hòa, thành phố Huế. Sự thiếu thốn in rõ lên từng khung cửa, bức tường ván và những đồ dùng trong gia đình chị. Nhưng khuôn mặt của người phụ nữ này sáng ngời lên vẻ phúc hậu hiếm thấy. Tên họ đầy đủ của chị là Mai Thị Cúc, người hàng xóm thường gọi chị với cái tên thân thiện là người mẹ của trăm con.

“Con muốn gọi cô Cúc là mẹ của con”

Chồng chị Cúc là một sĩ quan chế độ cũ. Sau khi anh học tập cải tạo trở về, chị tưởng rằng từ nay cuộc sống của mình sẽ được bình yên, ai ngờ đến năm 1990, định mệnh thêm một lần nữa buộc tình yêu của họ chia cắt vĩnh viễn. Lần này không phải bởi lịch sử, bởi chiến tranh mà bởi... trái tim. Chồng chị đã đi theo một người đàn bà khác, để lại chị cùng bốn đứa con vật lộn với cuộc sống thăng trầm.

Hoàn cảnh là thế nhưng từ năm 1976, chị Cúc đã tự nguyện dạy miễn phí xóa mù chữ ban đêm cho trẻ em lang thang cơ nhỡ của phường Thuận Hòa. Buổi ban đầu các em chưa biết, chị Cúc phải tìm đến từng góc phố động viên các em đi học để mai sau làm được nhiều việc có ích cho bản thân. Nhưng các em vẫn không tin vì đi học phải tốn tiền. Cô giáo Cúc bảo rằng không tiền bạc gì hết, miễn phí hoàn toàn, các em mới chịu đến lớp. Không có bút, tập, chị phải tự kiếm tiền mua về cấp cho các em. Không chỉ dạy, nhiều lúc các cháu kêu la đói rét, chị phải lo kiếm từng miếng cơm, manh áo cho các em. Đến hồi các em theo học đông, nhà chị chật chội nên phải thuê mướn chỗ dạy học. Thế mà chị không một lời than trách “dù cuộc sống có những lúc cùng cực tưởng không còn ai cùng cực hơn mình nữa”, nhưng chị đã lặng lẽ làm cái thiên chức trồng người cao cả suốt mấy chục năm qua. Nhờ chị Cúc mà hàng trăm trẻ lang thang cơ nhỡ đã biết đọc, biết viết, chóng khôn lớn thành người

 Em Nguyễn Thúy Hương mồ côi bố mẹ từ nhỏ, một trong nhiều cựu học sinh lớp xóa mù ban đêm của chị Cúc nói như một lời tạ ơn: “Con không biết nói thế nào bây giờ để xứng đáng với công lao chăm sóc của cô Cúc. Con lớn khôn lên thành người trăm sự đều nhờ vào lòng yêu thương, dạy dỗ của cô. Nhiều lúc con muốn gọi cô Cúc là mẹ của con”. Tôi đem những lời cháu Hương vừa tâm sự ra kể với chị Cúc. Chị cười đầy hạnh phúc và nói: “Hàng chục thế hệ xuất thân từ lớp xóa mù của mình ra đời, mặc dù chẳng bằng ai nhưng họ đều biết đọc và biết viết”. Trời không phụ người ăn ở phúc đức. Như cảm thông công việc hữu ích của chị, tổ chức PLAN đã giúp xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ đời sống cho các cháu, nên chị bớt được phần nào gánh nặng.

Người chị thân yêu của nạn nhân AIDS

Không chỉ dạy chữ cho trẻ em lang thang cơ nhỡ, tấm lòng chị Cúc còn rủ bóng xuống những mảnh đời bất hạnh, mà chuyện vợ chồng anh Nguyễn Văn Quang và chị Nguyễn Thị Láng là một minh chứng. Anh Quang người gốc Hà Nội, từng là con nghiện và bị nhiễm HIV/AIDS ở Hà Nội. Lang bạt vào Huế, anh gặp chị Láng- một cô gái giang hồ lưu lạc từ đất Quảng ra. Họ sinh sống với nhau như vợ chồng. Ngày và đêm đi lang thang kiếm ăn bằng tất cả mọi nghề, khuya về chiếm một góc nơi công viên làm giường ngủ. Cuộc sống gọi là gia đình của họ kéo dài cho tới khi đứa con trai của hai người tròn hai tuổi. Ngày chị Cúc gặp được họ cũng là lúc đứa con trai của hai người vừa bị mất vì nhiễm phải căn bệnh quái ác như bố mẹ nó. Lúc ấy, người bố ngồi im lặng như tượng đá, người mẹ thì cuộc đời khốn khổ đã vùi dập chị đến nỗi chẳng còn nước mắt để khóc con. Không chịu được nỗi đau mất con và bệnh tật giày vò, anh Quang đã lẳng lặng tìm về cố hương không một lời giã biệt, bỏ lại một mình chị Láng bơ vơ.

Kể từ dạo ấy, chị Cúc là bạn, là chị, là mẹ... để an ủi, vỗ về và giúp đỡ về mặt vật chất, tư vấn và cách chăm sóc, kể cả việc... phát bao cao su cho chị Láng để tránh lây lan bệnh tật cho người khác. Và sau gần mười năm được chị Cúc chăm sóc, mới đây chị Láng đã qua đời vì bệnh AIDS ở giai đoạn cuối.

Khi tôi hỏi chị dạy các học trò cho đến bao lâu nữa, chị Cúc cười hiền và nói rằng mình đã ngoài năm mươi tuổi, dạy các cháu đến lúc nào không còn đủ sức nữa thì mới thôi.