Người trang trí nội thất đánh vào Dinh Độc Lập

Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân, Dinh Độc Lập đã rung chuyển chao đảo trước mũi tiến công của Biệt động Sài Gòn. Chỉ huy phó đơn vị này là Mai Hồng Quế, nhà thầu khoán trang trí nội thất Dinh Độc Lập. Ông chính là nguyên mẫu nhân vật ông chủ hãng sơn Đông Á trong phim Biệt động Sài Gòn. Cuộc đời chiến đấu của ông là cả một huyền thoại.

Ông sinh trong một gia đình nghèo ở Thái Bình, thuở nhỏ phải đi ở cho gia đình quan Bố chính Bắc Ninh Phạm Gia Nùng. Sau đó, ông vào Nam làm phu đồn điền rồi tham gia kháng chiến chống Pháp với tên Trần Văn Lai, đội viên của Tiểu đoàn Quyết tử 950, chuyên diệt ác trừ gian trong nội thành Sài Gòn. Ông hoạt động hợp pháp với vỏ bọc là nhân viên nhóm nghệ nhân Nguyễn Tái Ước, chuyên trang trí các dinh thự của Bảo Đại. Năm 1948, Thái tử Sihanuc tổ chức lễ mừng thọ vua cha Norodom nhưng chiếc ngai vàng của vua bị sờn rách mà các thợ của hoàng gia Campuchia bó tay không thể sửa chữa được. Theo tiến cử của Bảo Đại, nhóm nghệ nhân Nguyễn Tái Ước, (trong đó có ông) đã sang Phnom Penh để vá lại chiếc ngai vàng. Chiếc ngai được dệt bằng loại sợi mạ vàng thật, không có sợi khác thay thế. Nhóm nghệ nhân đặt chiếc ngai trong một phòng riêng không ai được vào, rút sợi chỉ từ mặt lưng ghế vá lên mặt trước. Họ được ông Sihanuc tiếp đãi trọng thị và mỗi người được tặng một bằng khen mạ vàng có dấu ấn vàng của nhà vua.

Chuyến về thành ngoạn mục!

Sau Hiệp định Genève, ông được điều về vùng căn cứ kháng chiến Hội Đồng Sầm (Đức Huệ, Long An) dạy học với bí danh Năm Lai. Năm 1956, ông được tổ chức phân công trở lại Sài Gòn. Mai Hồng Quế là bí danh mới mà đồng chí Bảy Khang (Trưởng An ninh liên huyện Đức Hòa - Thành, sau 30-4, là Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Long An) đặt cho ông với ý nghĩa là tên ghép ba loại hoa đặc trưng của ba miền đất nước.

Con đường từ chiến khu về thành của ông thật ngoạn mục. Ông đường hoàng đi thẳng vào Ty Cảnh sát Hậu Nghĩa trình tấm bằng khen của Quốc vương Sihanuc và xin phép xuất cảnh sang Campuchia vì giận vợ. Nghe dòng dõi của ông là cháu vợ Phạm Gia Nùng, Bố chính Bắc Ninh, em của Phạm Cao Thụy, Thượng thư thời Bảo Đại, lại thấy tấm bằng khen sáng chóe của Quốc vương Campuchia, Trưởng ty Cảnh sát Hậu Nghĩa rất nể trọng. Điện thoại về Sài Gòn xác minh thì được “vợ ông” là bà Phạm Thị Phan Chính, em của Trưởng ty Cảnh sát Khánh Hòa Phạm Phong Ngư, cháu chủ tiệm vàng Phú Xuân lớn nhất nhì Sài Gòn, gã trưởng ty càng tin sái cổ. Bà Chính năn nỉ: “Làm ơn giữ ổng lại giùm, tui sẽ xuống rước ổng liền”. Bà Chính quả đúng là con cháu nhà quan nhưng đã được kết nạp Đảng từ năm 1946 và là người được tổ chức bố trí cùng hoạt động hợp pháp với Năm Lai.

Nhà thầu trang trí Mai Hồng Quế

Trong con mắt ông “cậu vợ” chủ tiệm vàng Phú Xuân, tài khéo tay và tấm bằng khen của vua Sihanuc, Năm Lai là món hàng cao giá. Ông ta đã tiến cử Năm Lai với trung tá Huỳnh Giá, Trưởng Phòng Nội dịch của Dinh Độc Lập. Sau chuyến tham quan dinh, Năm Lai đề nghị Huỳnh Giá cung cấp cho ông 10 m vải cùng loại với vải bao ghế salon trong dinh. Ba ngày sau, Huỳnh Giá phải tròn xoe mắt ngạc nhiên khi Năm Lai giới thiệu những tấm bao salon do tự tay ông thiết kế và may lấy. Cùng một loại vải ấy nhưng Năm Lai khéo sắp xếp làm cho những bông hoa trên vải nằm thẳng hàng và đều tăm tắp nở xòe ở các vị trí quan trọng như mặt lưng, tay vịn, chiếc salon sang trọng hẳn ra. Huỳnh Giá định đưa Năm Lai vào Phòng Nội dịch nhưng lấy lý do thích tự do bay nhảy và lợi nhuận của nghề thầu khoán rất cao nên Năm Lai chỉ nhận làm nhà thầu trang trí nội thất cho dinh.

Từ bậc thang này, Năm Lai trúng thầu xây dựng nhiều công trình quan trong như trụ sở cơ quan USOM của Mỹ và gầy dựng cơ sở cho cách mạng. Theo chỉ đạo của cấp trên, Năm Lai đã mua hơn 10 căn nhà để chứa vũ khí, đặc biệt là ba căn nhà trên đường Trần Quý Cáp. Đặc biệt căn nhà 28768-70-72 đường Trần Quý Cáp (Võ Văn Tần ngày nay) nằm gần nhà một đại úy cảnh sát. Thế nhưng bằng tài nghệ khéo léo của mình, Năm Lai đã xây hầm ngầm dưới sàn nhà có thể chứa hàng tấn vũ khí và cả tiểu đội, có ngách thông ra hệ thống cống ngầm của Sài Gòn. Nắp hầm là sáu viên gạch nằm liền khít với các viên gạch khác, nên không tài nào phát hiện được nhưng chỉ cần một chiếc móc kẽm nhỏ đã có thể nhấc lên dễ dàng. Ngày đầu tiên nhận nhà, Năm Lai mời lối xóm đến khao, trong đó có tay đại úy. Trong buổi tiệc, ông chê ỏng chê eo cái hố xí của người chủ cũ. Sau đó ông kêu thợ đến đào xới để “làm lại hố xí”. Nhóm thợ nghỉ dần dần và cuối cùng chỉ mình ông hoàn thiện căn hầm. Đây chính là nơi chứa vũ khí và tập kết lực lượng để đánh Dinh Độc Lập. Sau Mậu Thân, địch tịch thu ngôi nhà nhưng vẫn không phát hiện được căn hầm.

Bằng giấy giới thiệu đặc biệt ra vào Dinh Độc Lập, Năm Lai đã mưu trí chuyển nhận nhiều tài liệu quan trọng như: bản đồ hệ thống cống ngầm Sài Gòn. Đưa các đồng chí lãnh đạo quân khu, Bộ Tư lệnh biệt động như Tư Chu, Tư lệnh Phó Quân khu Sài Gòn; Anh hùng LLVT nguyên cụm trưởng Biệt Động Sài Gòn Nguyễn Văn Tăng đi trinh sát thực địa các mục tiêu quân sự bằng chiếc xe Citrioen và đặc biệt là chuyển vũ khí từ Suối Sâu, Hố Bò (Củ Chi) về TP. Nắm bắt tập quán dân tộc tính “phớt tỉnh ăng lê” của người Anh, ông đưa Nguyễn Hữu Hậu, nguyên là tiểu đội trưởng của đoàn 950, vào làm đầu bếp cho chủ ngân hàng Anh Quốc ở số 3 Võ Di Nguy, quận 1 - TPHCM (Hồ Tùng Mậu hiện nay). Một thời gian dài, Thượng tá Nguyễn Ngọc Lộc, Phó Chính ủy Quân khu Sài Gòn - Gia Định đã ăn ở trong ngân hàng này chuẩn bị chiến dịch Mậu Thân.

Chuẩn bị chiến dịch

Hầm đã có sẵn nhưng làm sao đưa vũ khí vào an toàn? Năm Lai gợi ý các đồng chí cưa đôi tấm ván gỗ dầy, móc ruột và để vũ khí bên trong nêm gạo chung quanh và dán lại như nguyên để sẵn trong một chiếc xe tải đậu đúng chỗ quy ứơc, ông sẽ đến lái xe về nhà Trần Quý Cáp, đưa xe vào hẳn trong nhà khóa trái cửa lại và chuyển vũ khí xuống hầm. Mọi việc đều thực hiện đúng hợp đồng nhưng do chiều ngang nhà ông hẹp, chỉ có 2,5 m, đơn vị hậu cần sử dụng xe tải ngang 2,4 m, Năm Lai phải hết sức vất vả mới lui xe lọt vô nhà, không có khoảng trống để mở cửa xe, ông đập cửa kiếng chui ra từ phía trước. Một mình đưa hai tấm ván gỗ chứa đầy vũ khí nặng trên ba tạ xuống, ông huy động tất cả mền mùng quần áo làm vật lót giảm xóc, dùng kích, con lăn đẩy từng chút, từng chút một. Đến khi xong việc, đem xe đi trả thì trên người ông chỉ còn... cái quần đùi và áo thun.

Hai mươi Tết, Năm Lai lái xe đưa Hoàng Trọng Thanh, Đội trưởng Đội 5 Biệt động tấn công Dinh Độc Lập đi trinh sát thực địa. Đồng chí Thanh băn khoăn “Làm thế nào đưa khoảng vài trăm kg chất nổ TNT chế thành một hỏa tiễn cực lớn bắn vào dinh?”. Năm Lai hiến kế: “Tôi sẽ đề nghị Huỳnh Giá ký giấy cho vận chuyển cà tăng (cót đan bằng nan tre) để trang trí Dinh Độc Lập, các anh cứ cho TNT vào bên trong các cuộn cà tăng này!”. Theo sáng kiến này, 350 kg TNT và C4 đã đưa trót lọt về số 287/80 đường Trần Quý Cáp. Các chiến sĩ biệt động đã chất vào một thùng phuy, gắn kíp nổ, kích hỏa bằng điện, làm thành một khối hỏa tiễn khổng lồ.

Trận đánh quyết tử!

Đội 5 Biệt động tiến công Dinh Độc Lập gồm 19 người do Hoàng Trọng Thanh làm chỉ huy trưởng, Trương Văn Rồi, chính trị viên và Năm Lai làm chỉ huy phó. Lúc đầu, Bộ Tư lệnh dự kiến không để Năm Lai tham gia đánh để tiếp tục sử dụng lâu dài vỏ bọc nhà thầu khoán Mai Hồng Quế. Nhưng Năm Lai kiên quyết đấu tranh: “Xe tôi chở lực lượng, nhà tôi chứa vũ khí, làm sao không lộ được”. Đúng nửa đêm ba mươi Tết, hai chiếc xe xuất phát từ nhà Năm Lai đi đến cổng Nguyễn Du đột nhập vào trong bắn hỏa tiễn và đột nhập đánh đặc công trong lòng địch. Kế hoạch tấn công khá hoàn chỉnh thế nhưng lại gặp phải một sự cố bất ngờ. Chưa đến cổng Nguyễn Du thì bị một xe tuần tra chặn lại, một đồng chí dùng lựu đạn ném vào xe tuần tra, giết gọn nhóm này và chiếm khẩu đại liên. Lực lượng phòng thủ trong dinh phản công mạnh, dùng đại liên bắn xối xả vào ba chiếc xe. Hoàng Trọng Thanh hy sinh ngay từ phút đầu tiên, xe bị xẹp lốp. Tất cả lực lượng còn lại xuống xe. Sáu Rồi chỉ huy đơn vị chiếm được một cao ốc đối diện cổng Nguyễn Du, dùng B41 bắn sập chốt và bắn vào dinh. Năm Lai định cho nổ hỏa tiễn nhưng bộ phận điểm hỏa và dây diện đã bị trúng đạn hư nát, không kích hỏa được. Địch điều động đơn vị dù, biệt động quân đến chi viện, dùng xe cẩu, thang máy đưa quân lên cố chiếm lĩnh nhưng bị ta bắn gục. Với vai trò chỉ huy phó, Năm Lai vừa chỉ huy anh em đánh địch phản kích vừa liên lạc với cấp trên, vừa lo chăm sóc thương binh. Trận đánh kéo dài ba ngày ba đêm. Lực lượng ta đã mỏng càng, mỏng dần, đạn dược cạn kiệt, đêm mồng ba Tết, đơn vị rút quân. Ba ngôi nhà đường Trần Quý Cáp bị tịch thu, trước khi xâm nhập, địch bắn đại liên xối xả. Cửa sắt của căn nhà lủng lỗ cho đến nay vẫn còn vết tích. Nhưng dù chiếm nhà trong nhiều năm, địch vẫn không phát hiện ra căn hầm bí mật. Ngôi nhà này được công nhận là di tích lịch sử và được sử dụng làm phòng trưng bày hiện vật của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Đội 5 Biệt động Sài Gòn được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang.