Người trồng cỏ bên Lăng Bác
Sự kiện đáng nhớ nhất cho đến cái tuổi 53 này và có lẽ suốt cả cuộc đời của nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa là được mời cung ứng cỏ và “đứng” công trình trồng cỏ cho lăng Bác Hồ vào năm 2000
Cách đây 4 năm, từ ngày 6-4 đến 15-7-2000, 176 ô cỏ với tổng diện tích 20.000 m2 ở Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) đã được trồng lại. Hàng triệu lượt khách đã đến tham quan và viếng Lăng Bác, được chiêm ngưỡng một màu xanh mát mắt của loại cỏ lá gừng nội địa, nhưng ít ai biết người cung ứng toàn bộ cỏ và phụ trách kỹ thuật trồng cho công trình là một nghệ nhân hoa kiểng miền Nam: Ông Nguyễn Văn Hòa, chủ cơ sở hoa kiểng Xuân Hòa, phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Nổi danh nhờ kỹ thuật 100% nội địa
Sinh ra ở vùng sông nước Nam Bộ, Nguyễn Văn Hòa sớm làm quen với những vườn ươm cây ăn trái và hoa kiểng xanh rợp, trù phú trên đất Cái Mơn (Chợ Lách, Bến Tre) quê mình. Lúc bấy giờ, trong vùng đã có những “cây đại thụ” nổi danh về tài chơi hoa kiểng như nghệ nhân Nguyễn Văn Sông, nghệ nhân Tư Thuận... Thú tao nhã của những bậc tiền bối và nét tài tử trong nghệ thuật hoa kiểng Nam Bộ chẳng biết tự khi nào đã khơi dậy trong ông lòng say mê và ước vọng theo đuổi nghề. Thế nhưng, “học nghề của các nghệ nhân thời ấy khó lắm vì họ không muốn ai thừa kế, với lại, hoa kiểng là một nghề chơi khó tính, rất kén người” - ông kể. Thế là chàng trai nghèo 16 tuổi nảy ra ý định... “ăn cắp” nghề. Mỗi ngày, anh la cà vào vườn kiểng của nghệ nhân Nguyễn Văn Sông, vờ như chỉ là một thằng bé tò mò, rồi dần dần trở thành người phụ việc, khi thì bón phân tưới nước, lúc thì bẻ lá, chiết cành... Sáng ý và say việc, chỉ trong hai năm, Hòa đã tiếp thu từng ngón nghề của lão nghệ nhân. Ươm, lai, uốn, dưỡng..., những kỹ thuật căn bản mà người chơi hoa kiểng bắt buộc phải thông thạo, Hòa đã rành như hiểu lòng bàn tay mình.
Cột mốc đánh dấu sự nghiệp của Nguyễn Văn Hòa là vào năm 1990, ông cùng vợ con khăn gói lên Thủ Đức (TPHCM) tìm kế sinh nhai. Cơ may đã đến với ông trong thời gian làm công nhân thi công công trình trang trí cây xanh, hoa kiểng cho Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM. Trình độ tay nghề và khả năng tư duy nghệ thuật của Nguyễn Văn Hòa đã được một cán bộ của Sở LĐ-TB-XH TPHCM (đơn vị quản lý thi công công trình) phát hiện. Ông được cử làm chỉ huy trưởng phụ trách phần trang trí cây xanh, hoa kiểng cho đến ngày khánh thành nghĩa trang.
Cơ sở hoa kiểng Xuân Hòa do ông làm chủ ra đời và đầu những năm 90 đã khẳng định được tên tuổi ở miền
Chuyển cỏ ra Lăng Bác
Với ông Hòa, sự kiện đáng nhớ nhất cho đến cái tuổi 53 này và có lẽ suốt đời ông sẽ mãi không quên là được mời cung ứng cỏ và đứng công trình trồng cỏ cho Lăng Bác Hồ vào năm 2000. Qua sự giới thiệu của UBND tỉnh Bình Dương, đoàn công tác Ban Quản lý (BQL) Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (nay là Bộ Tư lệnh Lăng) tìm gặp ông Nguyễn Văn Hòa. Phương án thi công bài bản, công phu và giàu tính khả thi của ông Hòa đã thuyết phục đoàn công tác và đích thân ông Đặng Nam Điền, Chánh Văn phòng BQL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã đến cơ sở của ông Hòa, cùng bàn bạc và ký hợp đồng. Những ngày sau đó, 18.000 m2 cỏ gừng được cho vào những vuông sọt, chất đầy mấy toa xe lửa chuyển từ ga Sóng Thần ra Hà Nội và ông Hòa cũng thân chinh đi theo để chăm sóc cỏ suốt hành trình.
Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội lúc ấy đề nghị áp dụng cách trồng của ông bởi theo họ cỏ lá gừng – thứ cỏ nội địa, lá mềm ở miền Nam – chỉ có Nguyễn Văn Hòa, một con người rặt Nam Bộ, mới “thuộc tính thuộc nết” của nó hơn cả. Ông Hòa đồng ý và chịu trách nhiệm trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ bằng kinh nghiệm mấy chục năm trong nghề của mình. “Được trồng cỏ cho Lăng Bác là một vinh dự cao quý, tôi đã dốc hết tâm lực để có được hiệu quả tốt nhất”, ông nói.
Trên nền đất phù sa mang về từ những vùng châu thổ sông Hồng, 176 ô cỏ lá gừng lên xanh tốt. Người của BQL lăng cũng thường xuyên liên lạc với ông để được hướng dẫn kỹ thuật. Có lần, ông phải đáp máy bay ra Hà Nội để hướng dẫn kỹ thuật phun thuốc cỏ. Giá trị kinh tế từ công trình mang lại cho ông không nhiều, nhưng những lá thư khen ngợi từ khắp nơi gửi về chính là giá trị tinh thần lớn nhất đối với ông. Gặp ông vào những ngày tháng 5 này, chúng tôi được ông cho xem lá thư cảm ơn của Bộ Tư lệnh Lăng mới gởi. Giọng ông xúc động: “Tôi cảm thấy rất vinh dự vì đã đóng góp công sức của mình vào một công trình lịch sử giàu ý nghĩa của đất nước”.