Nhà hàng, khách sạn lấn lăng Nguyễn Hữu Hào!

QUY HOẠCH.- Nếu không đình chỉ kịp thời một dự án, lăng Nguyễn Hữu Hào ở Đà Lạt sẽ bị xâm phạm

Thời gian gần đây, tại Đà Lạt dư luận xôn xao về việc một công ty du lịch của tỉnh Lâm Đồng đầu tư trên 5 tỉ đồng xây dựng một cụm nhà hàng massage, khách sạn... tại khu vực lăng mộ ông Nguyễn Hữu Hào, thân sinh Nam Phương Hoàng hậu, vợ Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam.

Sự thật về một dự án

Tháng 7-2001, Công ty Du lịch Dịch vụ Đà Lạt (DLDV-ĐL) lập tờ trình gởi lên Sở VHTT và các ngành liên quan tỉnh Lâm Đồng xin phép đầu tư tôn tạo khu vực lăng mộ Nguyễn Hữu Hào để khai thác du lịch và tiến hành thiết lập dự án. Đúng một năm sau, tháng 8-2002 Sở Kế hoạch - Đầu tư phát văn bản đến các ngành hữu quan tỉnh Lâm Đồng xin góp ý kiến và thực hiện dự án: “Điểm du lịch sinh thái dã ngoại tại đồi thông lăng Nguyễn Hữu Hào” do Công ty DLDV-ĐL thiết lập và làm chủ đầu tư, với tổng mức vốn hơn 5 tỉ đồng, bao gồm các hạng mục công trình: Tôn tạo phần lăng mộ, xây dựng các công trình vui chơi giải trí, chuồng nuôi thú, nhà hàng massage, khách sạn... Cùng thời điểm này, Công ty DLDV-ĐL đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng tiến hành xây dựng một số hạng mục như hàng rào, cổng, các nhà chòi, nhà vệ sinh, nhà bán hàng giải khát, nhà bán vé... Công trình đang thi công bỗng dưng phải dừng lại đột ngột. Khi chúng tôi đến quan sát hiện trường, công trình vẫn còn dở dang, 5 nhà chòi đóng cửa không thấy bán hàng, chòi bán vé cũng tạm ngưng. Trả lời câu hỏi của chúng tôi, ông Trương Văn Thu, Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch Lâm Đồng, tỏ ra chưa nắm chắc sự việc. Ông nói: “Tôi có nghe nói nhưng chưa tới hiện trường không biết họ làm như thế nào. Tôi sẽ cho kiểm tra lại”!

Các quan chức tỉnh Lâm Đồng nói gì?

Trong một công văn trả lời Sở Kế hoạch - Đầu tư và Công ty DLDV-ĐL về dự án trên, ông Trần Phú Điền, quyền Giám đốc Sở Địa chính Lâm Đồng, hoàn toàn phản bác việc thành lập dự án và các chi tiết của dự án. Theo ông Điền, dự án này không phân định rõ ranh giới, địa lý, diện tích, phạm vi xây dựng và không lập quy hoạch chi tiết. Các thông số, số liệu, phụ lục thuyết minh không rõ ràng. Một dự án lớn có mức vốn trên 5 tỉ đồng nhưng không phân kỳ đầu tư cho từng hạng mục công trình, không có cơ sở kiểm tra kiểm soát. Ông đánh giá: “Quan điểm trong dự án nêu: tạo ra sản phẩm mới cho ngành du lịch, xây dựng điểm du lịch sinh thái, dã ngoại đặc sắc... Tuy nhiên, các hoạt động như dự án đã nêu (nhà hàng, massage, chuồng thú, lều trại...) chưa thể gọi là sản phẩm đặc sắc của Đà Lạt và hơn nữa các dịch vụ này ở Đà Lạt đã khá nhiều”.

Ông Đoàn Văn Việt, Giám đốc Sở VHTT, khẳng định: Việc đưa các sân bóng mini, hồ bơi, khách sạn, phòng massage vào dự án là không được. Ông đánh giá: “Trong hạng mục 1 của công trình đó là tôn tạo lăng, bậc cấp, sân... là công việc chính, quan trọng và phức tạp nhất nhưng dự án lại chưa tính toán khối lượng, đơn vị tính mà chỉ đưa ra vốn đầu tư là 57 triệu đồng cho hạng mục này là chưa có cơ sở, thậm chí số tiền chiếm tỉ lệ quá ít so với mức đầu tư của dự án là 5.073,930 triệu đồng”. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Khu vực lăng mộ ông Nguyễn Hữu Hào gần thác Cam Ly, nằm trong cụm danh lam thắng cảnh, UBND tỉnh đã có quyết định cấm xây dựng các công trình, nhà cửa tại khu vực này và cần phải bảo vệ theo Pháp lệnh Di tích lịch sử, lịch sử và danh lam thắng cảnh.

Rõ ràng, việc thiết lập dự án khả thi tôn tạo, xây dựng nhà hàng, khách sạn... tại khu vực lăng mộ ông Nguyễn Hữu Hào là không có cơ sở, thế nhưng nó vẫn diễn ra. Vậy Công ty DLDV-ĐL (chủ đầu tư) và Sở Kế hoạch - Đầu tư (cơ quan thẩm định chính) nghĩ gì về việc làm này?

 

 Lăng mộ Nguyễn Hữu Hào

Ông Nguyễn Hữu Hào vốn là một đại điền chủ giàu có, quê quán tại Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Ông kết hôn với bà Lê Thị Bình, con gái ông Lê Phát Đạt, một trong những người giàu có nhất Việt Nam thời bấy giờ. Năm 1914, vợ chồng Nguyễn Hữu Hào đã sinh được một người con gái, đặt tên là Nguyễn Thị Lan. Năm 1927, cô bé Lan 13 tuổi sang Pháp học, 7 năm sau cô trở về Việt Nam và được Hoàng đế Bảo Đại cưới làm vợ và tấn phong làm Nam Phương Hoàng hậu. Bà Nam Phương đưa cha lên sinh sống ở Đà Lạt và ông Nguyễn Hữu Hào đã qua đời tại đây vào mùa thu năm Kỷ Mão (13-9-1939). Để tỏ lòng nhớ ơn sinh thành và giáo dưỡng của cha, bà Nam Phương quyết định cho mai táng và xây dựng lăng mộ cha tại Đà Lạt. Vào mùa xuân năm ấy, khu lăng mộ đã hoàn thành và đến nay vẫn còn nguyên trạng.

Lăng mộ ông Nguyễn Hữu Hào tọa lạc trên một ngọn đồi cao khoảng 60 m, trong khuôn viên 16 ha, cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 6 km về hướng Tây Nam. Lăng mộ nằm ở vị trí đẹp và yên tĩnh, chung quanh đồi núi mấp mô, dưới chân có dòng suối nước bao quanh, ngày đêm nghe dòng Cam Ly rì rào thác đổ.

Lặng mộ ông Nguyễn Hữu Hào thuộc loại kiến trúc tôn giáo mang đậm màu sắc văn hóa phương Đông cách điệu. Nhìn toàn cảnh khu lăng mộ được thiết kế xây dựng đơn giản nhưng chuẩn mực, trang nghiêm thanh thoát, gây ấn tượng đối với người xem. Hiện lăng chưa phải nằm trong danh mục di tích lịch sử văn hóa được Nhà nước xếp hạng, nhưng cần được giữ gìn tôn tạo. Với cơ sở đó, chính quyền sở tại và ngành du lịch phải có định hướng quản lý, tôn tạo khu vực lăng mộ mang tính văn hóa lịch sử nhằm khai thác phục vụ du lịch một cách hiệu quả.