Nhã nhạc: Phần hồn của cố đô Huế

Ngày 7-11, trong lần công bố thứ 2, UNESCO đã lựa chọn và ghi tên vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể thế giới 28 kiệt tác, trong đó có nhã nhạc Việt Nam.

Đây là một tin vui, bởi những giá trị độc đáo của nhã nhạc Việt Nam cuối cùng cũng được thế giới thừa nhận

Hội đồng thẩm định của UNESCO đánh giá: “Mang ý nghĩa âm nhạc “tao nhã”, nhã nhạc là âm nhạc cung đình Việt Nam, được trình diễn tại các lễ thường niên, bao gồm các lễ kỷ niệm, những ngày lễ tôn giáo, các sự kiện đặc biệt như lễ đăng quang, lễ tang hay những dịp đón tiếp chính thức. Trong các thể loại âm nhạc phong phú đã từng phát triển ở Việt Nam, chỉ có nhã nhạc mang tầm quốc gia”.

Nhã nhạc có giá trị nghệ thuật rất cao.- Cũng theo Hội đồng Thẩm định UNESCO, mặc dù nguồn gốc của nhã nhạc có từ thế kỷ 13, nhưng nó chỉ đạt đến mức độ điêu luyện tại cung đình Huế dưới triều Nguyễn. Các vị vua đã dành sự ưu đãi khi ban cho nhã nhạc một địa vị đặc biệt là âm nhạc chính thức của cung đình. Bằng cách đó, đã chính thức hóa nó như là biểu tượng của quyền uy và sự trường thọ của triều đại mình. Nhã nhạc đã trở thành một phần thiết yếu của quá trình nghi lễ và mỗi năm nó được trình diễn trong toàn bộ thời gian gần 100 buổi lễ khác nhau. Phong phú về nội dung và tinh thần, nhã nhạc được xem như là một phương tiện liên lạc và bày tỏ tôn kính đến các bậc đế vương và thần linh. Ngoài ra, nó còn phục vụ như là một phương tiện truyền đạt mang ý nghĩa triết lý và những khía cạnh về vũ trụ của người Việt Nam.

Theo GS-TS Trần Văn Khê, nhã nhạc có giá trị nghệ thuật rất cao bởi tài năng của nhạc công, nhạc khí đẹp nhờ được đóng ráp kỹ, chạm cẩn khéo... hơn các nhạc công và nhạc khí dân gian khác. Đặc biệt, các nhạc khí dùng trong nhã nhạc có đầy đủ màu âm, dàn nhạc cũng đa dạng và quy mô hơn các dàn nhạc khác. Không những đa dạng và quy mô, các dàn nhạc còn chú trọng đến chất lượng mà không quan tâm đến số lượng. Khi hòa tấu, nhạc khí này không “át” các nhạc khí kia, mà mỗi nhạc khí đều được nghe rất rõ ràng. Cuối cùng là thang âm, điệu thức đa dạng, tiết tấu phong phú và bài bản dồi dào.

Bài toán bảo tồn.- Bị mất đi ngữ cảnh cung đình, nhã nhạc đã mất đi một phần chức năng xã hội nguyên thủy, những thập kỷ chiến tranh, nhiều yếu tố chủ quan khác trong thời gian qua, đã đẩy nhã nhạc đến một thực tế: Tài liệu về nhã nhạc đã bị thất truyền, không còn cơ sở nào lưu trữ. Ở Huế, hiện không có nhạc sĩ nào nghiên cứu và am hiểu sâu về nhã nhạc. Các nghệ nhân có biết về nhã nhạc hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay, và hầu hết đã lớn tuổi.

Ý thức được sự sống còn của nhã nhạc là sự sống còn của “phần hồn” của cố đô Huế – di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO ghi danh cách đây 10 năm - từ năm 1992, Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã ra đời, chuẩn bị các cơ sở để phục vụ cho công tác bảo tồn nhã nhạc. Để bảo đảm các môi trường diễn xướng mang tính lịch sử, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã triển khai tu bổ các nhà hát Duyệt Thị Đường, Minh Khiêm Đường, Đàn Nam Giao, Thế Miếu... Trong 10 năm qua, trung tâm đã tiến hành sưu tầm hàng trăm tư liệu liên quan đến nhã nhạc, phục hồi hơn 40 nhạc chương, nhạc khúc, 20 điệu múa cung đình, 4 vở tuồng cổ, 14 trích đoạn tuồng... Dù đã rất cố gắng, nhưng những gì đạt được vẫn còn rất khiêm tốn.

Trình diễn: Sắp tới Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế sẽ tổ chức phục hồi các nhạc chương để từng bước phục hồi các lễ hội mang tính văn hóa như lễ Truyền lô (xướng danh tiến sĩ), lễ tế Nam Giao (cầu quốc thái dân an), lễ Tịch điền (khuyến khích nhà nông chăm chỉ cày cấy)... Như vậy, nhã nhạc sẽ được trình diễn rộng rãi trước công chúng.

Tìm một lời giải cho bài toán bảo tồn, ông Phan Tiến Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế - cho biết: Sắp tới, chúng tôi tiếp tục liên kết với các viện nghiên cứu, các trường đại học để tổ chức các cuộc hội thảo, xây dựng các đề tài có nội dung phù hợp với từng giai đoạn bảo tồn cụ thể. Triển khai công tác đào tạo nhạc sinh, ca sinh, vũ sinh để kế cận những lớp nghệ nhân tiền bối. Kết hợp cả đào tạo tập trung ở các trường đại học, cao đẳng, trung học, với củng cố và nâng cao chất lượng các nhạc công, nghệ nhân trong các nhà hát, đoàn nghệ thuật. Thành lập Hội đồng Khoa học gồm các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu có uy tín thường xuyên kiểm chứng các khúc nhạc, lời ca để kịp thời chỉnh lý, loại bỏ những sai sót và sự cải biên tùy tiện. Thành lập Nhà Bảo tàng Âm nhạc cung đình Huế để trưng bày, lưu trữ những nhạc cụ, nhạc bản, phục trang, hình ảnh, tư liệu và những đĩa hát xưa và nay...