Nhất dạ sinh bách kế

LTS: Trong tâm trạng rối bời, chuyên gia kinh tế cao cấp Vũ Quốc Tuấn- trợ lý lâu năm, thân cận của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt- nhớ lại những kỷ niệm về người thủ trưởng thân thiết của mình

Cách nay hơn nửa tháng, anh Sáu Dân vẫn còn khỏe mạnh ra dự kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XII. Anh định sang Hà Lan tìm hiểu kinh nghiệm đối phó với nước biển dâng cao trong bối cảnh VN sẽ là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu. Vậy mà...

Lăn lộn thực tế

Năm 1981, anh Sáu Dân đang làm Bí thư Thành ủy TPHCM thì được điều ra làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Khi đó, tôi đang làm tổng biên tập tạp chí Kế hoạch hóa của ủy ban này. Một hôm, vào giữa năm 1985, thư ký của anh Sáu gọi điện bảo tôi lên làm việc với anh. Sau bữa đó, tôi được điều động lên làm trợ lý cho chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đến năm 1994.

Trong 10 năm làm trợ lý cho anh Sáu Dân, tôi thấm thía những trăn trở, lo ngại của anh về căn bệnh quan liêu, xa dân, xa rời thực tế của bộ máy hành chính.

Sự lăn lộn, bám sát thực tiễn thể hiện rõ nhất qua việc anh Sáu quyết tâm cải tạo ĐBSCL. Khi đó, khu vực này là vùng châu thổ nhiễm mặn nặng nề, hệ thống thủy lợi gần như không có nên năng suất rất thấp, có nơi chưa đạt 1 tấn/ha, mỗi năm lại chỉ cấy được một vụ. Anh trực tiếp đến gặp nông dân, lội ra từng thửa ruộng hỏi kinh nghiệm bà con. Có lần ghé một đìa tôm, anh đã lội xuống vớt từng con lên xem. Bữa ấy, anh Sáu đã ở lại đìa tôm trong đồng bằng heo hút, vừa nướng tôm nhậu với rượu đế giữa màn trời chiếu đất vừa tranh luận với nông dân.

Sau nhiều ngày lăn lộn thực tế, anh Sáu mới trở lại họp với lãnh đạo huyện, tỉnh phân tích. Anh giảng giải, phân tích cụ thể khiến nhiều vị cứ ngơ ngác ngồi nghe. Sau đó, đã có hàng chục cuộc họp, tiếp khách, có khi vào lúc nửa đêm, ngay tại nhà riêng của anh ở quận 3 - TPHCM. Đến giờ, ĐBSCL đã trở thành vựa lúa lớn không những của VN mà của thế giới, càng thấm thía giá trị của những trăn trở, lăn lộn của anh Sáu năm xưa.

Nhìn xa trông rộng, rạch ròi công - tội

Nhiều người nhận định rằng anh Sáu Dân là một trong những người có đóng góp xuất sắc cho công cuộc đổi mới ở VN. Điều này chính xác nhưng chưa đầy đủ. Việc xây dựng đường dây 500 KV Bắc - Nam là một minh chứng cho tính quyết đoán và tầm nhìn xa trông rộng của anh. Khi đó, có rất nhiều ý kiến phản đối việc xây dựng đường dây này. Thậm chí, có người còn bảo “ông Kiệt là người miền Nam nên thiên vị trong ấy”! Giờ thì ai cũng thấy tác dụng của công trình này.

Khi đường dây 500 KV hoàn tất, lễ khánh thành đang được tổ chức tại TPHCM thì Thủ tướng Võ Văn Kiệt lại vào tận trại giam, gắn huy hiệu ghi công cho nguyên bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải. Anh Sáu Dân rất rạch ròi về công, tội: “Tội anh Hải pháp luật xử, tôi không có ý kiến gì. Nhưng về công, anh là người thực hiện chủ trương rất tận tụy. Thành công của đường dây này có công sức rất lớn của anh ấy”.

Chị Ba Thi, nguyên giám đốc Công ty Lương thực TPHCM, hẳn còn nhớ mãi những năm 1980 - 1981, khi TPHCM thiếu lương thực trầm trọng, sống cạnh vựa lúa mà phải ăn bo bo. Lúc ấy, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo chị xuống ĐBSCL mua gạo về cung ứng cho người dân. Tuy nhiên, việc làm này lại trái pháp luật. Anh Sáu đã động viên chị Ba Thi: “Bà cứ làm tới đi, vào tù thì tôi đi thăm nuôi”. Sau này, khi đã ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới, tình hình lạm phát ở TPHCM rất căng thẳng. Anh Sáu bay vào TPHCM họp hành chỉ đạo, vừa bay ra Hà Nội thì giá lương thực tăng cao trở lại. Anh Sáu rất giận dữ và đã nặng lời với chị Ba Thi ngay giữa cuộc họp, bất chấp chị là vợ của một vị lãnh đạo cao cấp và là chiến hữu thân thiết của mình. Sau đó, biết rằng lỗi không phải của chị Ba Thi, anh đã an ủi chị rất nhiều.

Tuy quyết đoán nhưng anh Sáu không phải là người độc đoán. Mỗi quyết định của anh đều dựa trên sự chọn lọc, đánh giá thông tin, lắng nghe ý kiến người khác. Không ai có thể phủ nhận về tầm tri thức, trình độ hiểu biết của anh. Đó là do anh luôn chịu khó học hỏi, lắng nghe và biết sử dụng người tài và khả năng tổng hợp, phân tích tuyệt vời. Nhờ vậy mà Võ Văn Kiệt là một người “nhất dạ sinh bách kế”.

Dụng nhân như dụng mộc

Ngay khi còn làm Bí thư Thành ủy TPHCM, anh Sáu đã tập hợp được một đội ngũ chuyên gia giỏi như “nhóm thứ sáu”, gồm: Phan Chánh Dưỡng, Lâm Võ Hoàng, Trần Bá Tước, Huỳnh Bửu Sơn và nhiều người từng giữ chức vụ cao của chế độ cũ như TS Nguyễn Xuân Oánh. Sau khi ra Hà Nội, hằng tháng anh Sáu vẫn đều đặn cử tôi vào gặp họ để truyền đạt ý kiến, suy nghĩ của anh và lắng nghe những góp ý của họ.

Năm 1993, khi đã giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, anh Sáu đã lập ra tổ chuyên gia tư vấn về cải cách kinh tế và cải cách hành chính, lúc đông nhất tập hợp tới 45 chuyên gia đầu ngành.