Nhiều câu hỏi đặt ra sau phiên đấu giá QSDĐ đầu tiên

NHÀ ĐẤT.- Sáng 10-4, tại hội trường Sở Tài chính - Vật giá TPHCM đã diễn ra phiên đấu giá quyền sử dụng đất đầu tiên tại TPHCM là khu 22-22 Bis Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé (quận 1), với sự tham gia của hai cá nhân là ông Nguyễn Văn Trung, bà Đỗ Thị Hường và một tổ chức kinh tế trong nước là Chi nhánh Công ty Đầu tư Phát triển xây dựng. Ông Nguyễn Văn Trung (ngụ tại quận 1 - TPHCM) đã trúng đấu giá khu đất trên với giá 53 tỉ đồng...

Do đây là lần đầu tiên TP đưa một khu đất (diện tích 1.169,5 m2) để đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ), với giá khởi điểm là 53 tỉ đồng (hơn 45,3 triệu đồng/m2), nên buổi đấu giá đã diễn với sự chứng kiến của đại diện các cơ quan hữu quan TP và đông đảo người dân quan tâm.

Chỉ có 3 tổ chức, cá nhân đủ điều kiện đấu giá

Lý giải về việc chỉ chọn 3 tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá, ông Nguyễn Thanh Liêm, Thường trực Hội đồng Đấu giá QSDĐ TP, cho biết: Đến ngày 2-4 (ngày ngưng nhận hồ sơ) đã có hơn 20 tổ chức, cá nhân có liên hệ với hội đồng để tham khảo thông tin, song chỉ có 3 hồ sơ đăng ký được lựa chọn tham gia đấu giá vì đủ điều kiện theo quy định của hội đồng. Chẳng hạn, một trong những điều kiện quan trọng là tổ chức kinh tế hoặc cá nhân trong nước phải chứng minh năng lực tài chính tối thiểu phải bằng 30% giá khởi điểm của gói đấu giá...

M.N

Trúng đấu giá ngay từ giây thứ 7

Từ 8 giờ 30, ông Nguyễn Thanh Liêm, Thường trực Hội đồng Đấu giá QSDĐ - người điều khiển phiên đấu giá - đã phổ biến các quy định về đấu giá. Theo đó, hình thức đấu giá công khai, phát giá bằng miệng, tiến hành qua nhiều vòng, thời gian phát giá cho mỗi vòng không quá 3 phút và nấc giá tối thiểu cho lần phát giá là 500 triệu đồng... Ông Liêm cũng giải đáp một số thắc mắc xung quanh việc chuyển QSDĐ, thời gian bắt buộc triển khai xây dựng trên khu đất, mục đích sử dụng... Để phiên đấu giá diễn ra theo đúng quy định, Hội đồng Đấu giá TP đã sắp xếp 3 đơn vị và cá nhân ngồi theo số thứ tự được chọn ngẫu nhiên: Ông Nguyễn Văn Trung (số 1), Chi nhánh Công ty Đầu tư Phát triển xây dựng (số 2) và bà Đỗ Thị Hường (số 3).

Đúng 9 giờ 10 phút, ông Liêm tuyên bố vòng 1 của phiên đấu giá bắt đầu, với mức giá khởi điểm cho lô đất là 53 tỉ đồng. Chỉ 7 giây sau, tại bàn số 1, ông Nguyễn Văn Trung đã phát đúng giá do ông Liêm đưa ra. Cả khán phòng hồi hộp chờ đợi tiếng phát giá tiếp theo từ bàn số 2 và 3. Tuy nhiên, dù đã hết thời gian quy định (3 phút) vẫn không có tín hiệu từ các bàn trên, ông Liêm tuyên bố: “Ông Nguyễn Văn Trung đã trúng đấu giá lô đất với mức giá 53 tỉ đồng”.

Chi 500 triệu/lần đâu phải chuyện nhỏ mà... chỉ 3 phút?

Theo đánh giá của một số chuyên gia nhà đất thì phiên đấu giá trên có thể được xem là thành công vì lô đất đã có chủ. Tuy nhiên, quy định trong phiên đấu giá chưa làm người tham gia hài lòng. Bà Đỗ Thị Hường - một trong hai cá nhân tham gia đấu giá - cho biết thời gian cho một vòng đấu giá chỉ 3 phút là quá ngắn, trong khi biên độ cho một lần nâng giá tối thiểu tới 500 triệu đồng, nên rất khó đưa ra quyết định tức thì.

Tại sao làm khác quy định UBND TP đã ban hành?

Khai thác tối đa giá trị gia tăng của đất

Về lâu dài, việc tăng nguồn thu ngân sách từ quỹ đất TP không thể trông đợi từ tiền sử dụng đất hay các loại thuế, mà cần có các chính sách tạo vốn nhằm khai thác tiềm năng to lớn của quỹ đất đô thị trong đó có đấu giá QSDĐ. Qua hình thức đấu thầu, đấu giá, giá trị gia tăng của đất được khai thác tối đa theo cơ chế thị trường, tạo nguồn thu hợp lý cho ngân sách, đồng thời đảm bảo được quy hoạch. Nhà nước sẽ nhanh chóng thu lại vốn đầu tư ban đầu và tiếp tục mở rộng đầu tư tại các khu vực khác.

(Trích: Phát biểu của tiến sĩ Trần Du Lịch - Viện trưởng Viện Kinh tế TP  báo cáo với Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM trong tháng 2-2003)

Ý kiến của bà Hường cũng là thắc mắc của nhiều người, vì theo quy định về đấu giá QSDĐ của UBND TP (ban hành ngày 4-11-2002) thì mỗi vòng đấu giá không quá 5 phút và nấc giá tối thiểu của mỗi lần phát giá ở mức tối thiểu từ 0,1% - 1% giá khởi điểm của lô đất (đối với lô đất trên mỗi lần phát giá sẽ cho phép dao động tối thiểu từ 53 triệu đến 530 triệu đồng). Do đó, quy định của Hội đồng Đấu giá đưa ra nấc giá cố định 500 triệu đồng là quá cứng nhắc! Thay mặt Hội đồng Đấu giá QSDĐ TP, ông Nguyễn Thanh Liêm lý giải: “Những quy định về đấu giá đất đều đã được UBND TP phê duyệt. Do việc đấu giá trong thời gian thí điểm nên chúng tôi sẽ từng bước rút kinh nghiệm và sẽ có kiến nghị TP điều chỉnh cho thích hợp...”.

Nghi vấn không thể tránh và lời giải thích của người trong cuộc

Với những diễn biến của phiên đấu giá, có người đặt vấn đề: Có hay không sự thỏa thuận “ngầm” giữa những người tham gia đấu giá, khi giá mua bằng giá khởi điểm và chỉ có mỗi ông Trung phát giá? Một người tham gia đấu giá khẳng định: “Không hề có việc này. Bởi vì, khi đến đây chúng tôi đã lượng được sức mình. Tuy nhiên, do giá vàng biến động từ 6,7 triệu đồng/lượng (vào thời điểm đăng ký đấu giá), đến nay xuống còn 6,2 triệu đồng/lượng, nên chúng tôi chỉ muốn mua lô đất với giá 53 tỉ đồng”. Còn ông Nguyễn Văn Trung cho biết: “Giá này không cao hoặc thấp hơn giá thị trường”. Thực chất, nếu ông Trung không trúng đấu giá lô đất trên thì cũng sẽ có người khác trúng với giá này. Bởi vì, theo quy định: Nếu ngay từ vòng đầu không có ai phát giá thì khoản tiền đặt trước của những người tham gia đấu giá sẽ bị tịch thu (ở đây là 530 triệu đồng), do đó những người tham gia đấu giá sẽ không bỏ cuộc.

Tháng 6-2003, đấu giá tiếp hai lô đất

Sau khi trúng đấu giá, ông Nguyễn Văn Trung cho biết sẽ triển khai xây dựng dự án cao ốc cho thuê theo đúng quy hoạch, thời gian quy định sau khi nhận đất trống. Về thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và QSDĐ ở cho người trúng đấu giá, ông Đỗ Phi Hùng - Phó Giám đốc Sở Địa chính - Nhà đất TP (một thành viên của Hội đồng Đấu giá QSDĐ) - cho biết sở sẽ trình UBND TP cấp giấy chứng nhận, sau khi ông Trung hoàn tất nghĩa vụ tài chính. Cũng theo ông Hùng, đấu giá QSDĐ là một phương thức mới trong việc huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong nước. Việc người dân bỏ một số tiền lớn ra mua lô đất trên đã chứng tỏ quyết tâm đầu tư xây dựng theo định hướng quy hoạch của Nhà nước. Đây cũng là một biện pháp giải quyết tình trạng dự án “treo”(không triển khai xây dựng dù đã được giao, thuê đất trong thời gian dài). Sắp tới TP sẽ tiếp tục tổ chức đấu giá QSDĐ cho nhiều lô đất khác trên địa bàn TP.

Dự kiến, trong tháng 6-2003, hai khu đất tại phường Phú Mỹ (quận 7) và phường 22 (Bình Thạnh) sẽ được đem ra đấu giá với giá khởi điểm cho mỗi khu đất trên 100 tỉ đồng.