Nhớ chú, hãy làm tiếp những gì chú làm dang dở

Tôi đã có lúc nghĩ sao chú ra đi như vậy trong khi bao nhiêu người mong chờ, hi vọng ở chú?. Nhưng nghĩ lại những người trẻ sao lại đặt gánh nặng trên vai ông lão 86 tuổi nhiều như vậy. Cuối cùng, tôi đành chỉ tự trấn an, tự tìm cách dỗ yên bằng một lời tự nhủ: Biết sao giờ, thôi nhớ chú thì cứ làm tiếp thay chú những gì chú muốn làm mà dang dở nửa chừng…

.....................................

Sáng 11-6, tin chú Sáu Dân mất lan nhanh như điện. Đau đớn, thảng thốt. Hàng loạt tin nhắn tôi nhận chỉ xoay quanh câu hỏi: Tin dữ có thật không? Thật không? Trong đó có một tin nhắn "năn nỉ” đặc biệt: "Cô ơi, ba tụi con là Phan Tường Vân. Bác Sáu giúp gia đình con nhiều, tụi con muốn nhờ cô đưa đi viếng bác Sáu".

Anh Vân là một chuyên gia kinh tế, từng là bộ trưởng chính quyền Sài Gòn, sau này được chú Sáu Dân xin cho căn nhà nhỏ. Điều lạ lùng là mấy hôm nay gặp ai, tôi thấy hình như cũng đều có một mối liên hệ riêng tư mà sâu xa thiêng liêng nào đó với chú, ai cũng có một câu chuyện gắn bó đầy tình nghĩa với chú. Đọc hầu hết bài báo viết về chú, tôi chợt nhận ra thật khó có ai có thể biết hết những gì chú đã làm cho dân tộc này, đất nước này và nhất là cho từng con người vô danh đều là những-người-thân-như-ruột-thịt của chú.

Sáng 13-6-2008, vào thăm chú Sáu Dân khi tẩn liệm, tôi gặp anh Nguyễn Văn Huấn. Lại nghĩ đến câu chuyện lý thú hồi anh còn là thư ký của chú Sáu: theo yêu cầu của chú, báo Tuổi Trẻ đã tổ chức cho các anh chị văn nghệ sĩ Sài Gòn góp ý cho chính quyền cách mạng.

Chú đến sớm, kín đáo ngồi phía sau bức vách mỏng lắng nghe từng lời thẳng thắn, cởi mở của họ. Đôi người còn tiếc: phải chi anh Sáu có ở đây nghe tụi tôi nói mới đã. Chú nghe hết và cười lặng lẽ. Tôi biết tới bây giờ không có ai trong số văn nghệ sĩ dự họp biết chuyện này, còn với tôi, đó là một bài học vỡ lòng đầy ấn tượng về nghề báo: lắng nghe, nắm cho được thông tin chân thật nhất.

"Điều rất Võ Văn Kiệt là không hề thấy chú nản chí, chú luôn còn đầy đủ năng lượng tiếp cận với hàng loạt vấn đề nóng hổi đang cần tiếng nói và hành động của chú."

Thập niên 1980, những người làm báo trẻ của Tuổi Trẻ thường được gọi đến gặp chú hầu như hằng tuần. Chú muốn nghe dư luận người dân và phản ứng với các quyết sách nhà nước thông qua kênh ý kiến bạn đọc. Và chúng tôi hào hứng, miên man phản ảnh khá bộc trực mọi điều người dân nói, còn biết rõ những ý kiến phê phán thường được chú ý hơn là các ý kiến "xuôi xị” - cách chế giễu của chú.

Tôi biết chú cũng thường gặp các anh chị nghệ sĩ (và tôi cũng thường được "chầu rìa"). Đó là những cuộc gặp thân tình lạ lùng với các anh Trịnh Công Sơn, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy, Trần Long Ẩn, Hoàng Hiệp… Đôi khi các nghệ sĩ tranh luận khá hồn nhiên, có khi trêu chọc chú bốc trời. Chú nói đùa đó là những ăngten cực hay từ cuộc sống.

Năm 1982, năm cuối công tác ở TP.HCM trước khi ra Hà Nội, chú khuyến khích các nhà báo ở Tuổi Trẻ ra tờ báo châm biếm, báo Tuổi Trẻ Cười, lại giới thiệu cả một cây bút chuyên về truyện vui kháng chiến Bảy Trấn (Nguyễn Văn Trấn) là người bạn thân của chú cùng tham gia. Chính chú Bảy Trấn là người đặt tên Hai Cù Nèo cho nhân vật chính của Tuổi Trẻ Cười. Đồng thời cũng tổ chức tạo điều kiện để chúng tôi cùng các nhà văn trẻ như Lý Lan, Nguyễn Thị Minh Ngọc… viết hồi ký các vị trí thức thời đầu cách mạng như Phạm Ngọc Thạch, Phạm Văn Bạch, Phạm Thiều…

Tôi lặng lẽ ngồi với Hiếu Dân vào buổi sáng chú còn nằm ở Bệnh viện Thống Nhất hôm 12-6-2008. Hiếu Dân nói thật nhẹ: "Em chỉ có chút an ủi là 14 tháng sau cùng ba về ở với em. Cha con gần nhau được từng ấy ngày là lâu nhất. Ba dặn: ba muốn đám tang ba chỉ có những người thân và gia đình, ai thương ba thì đến viếng, còn vì nghi thức thì thôi".

Tôi hỏi lại: "Đếm số người thương ba đến viếng thì bao nhiêu ngày cho hết?". Hiếu Dân lại nói: "Ba còn ước rằng hãy thiêu ba và mang tro của ba đến đúng khúc sông mà hồi xưa má và hai người em của em bị nạn chết, rải xuống đó để cuối đời ba được về sum họp với má. Ba nói em rằng có thể mấy chú ở Quân khu 7 giúp con...".

Hồi còn công tác ở TP.HCM, khi đi tỉnh, thăm doanh nghiệp, đi các công trình chú thường cho người gọi các nhà báo cùng đi. Quan sát tình hình từng nơi, chú thường hỏi ý kiến các nhà báo để qua đó "thẩm tra" cách nhìn nhận. Chú dặn: nhìn chuyện gì cũng phải lật tới lật lui nhiều chiều mới hiểu sâu. Làm báo là phản biện xã hội, nếu làm báo mà cứ nói xuôi chiều thì ai cần nhà báo làm chi.

Đôi khi chúng tôi báo cáo một tình hình hoàn toàn ngược với báo cáo của các cơ quan chính thức, chú chăm chú nghe và thỉnh thoảng xắn vào những góc cạnh hóc hiểm nhất mà truy vấn. Nghe nói lại, chú gật đầu: ừ, nhà báo trẻ làm ơn dẹp thói đưa tin công thức, lên gân và sai sự thật đi. Nhưng như vậy phải cẩn trọng và khách quan lắm mới được.

Tôi nhớ câu chuyện vui chú thường nói đi nói lại: hồi ở chiến khu có lần quân ta đang tạm thời bị yếu thế, chú phải chém vè dưới hầm khá lâu, tình hình hết sức nguy nan, mãi mấy ngày mới lên mặt đất được. Vừa lên đã nghe đài phát thanh của ta loan tin mấy ngày qua ta thắng giòn giã, khí thế dâng cao. Chú kết luận: các nhà báo Tuổi Trẻ đừng giòn giã kiểu đó nhé.

Những năm tháng gần đây, chú viết hàng loạt bài về những vấn đề lớn của đất nước. Từ bài cảnh báo đừng đặt người nghèo ra bên lề xã hội đến chuyện đối xử với các tập đoàn và cơ hội phát triển của đất nước chúng ta. Tôi theo dõi các bài viết ấy và đôi khi thấy ngạc nhiên về năng lượng kinh khủng của một lão ông đã ngoài tám mươi.

Nhưng điều cảm động nhất là khả năng hoàn thiện tư duy của chú trong các bài viết mới. Viết về nghề báo năm 2007, chú giữ y nguyên những điều đã truyền nghề cho chúng tôi vào những năm 1980 - 1990: nhà báo là nhà phản biện xã hội, là kênh thông tin từ nhân dân. Báo chí là công cụ giám sát quyền lực nhà nước của nhân dân nhưng nhấn mạnh thêm vai trò luật pháp. Chú phê phán những người tự cho mình "có quyền đứng trên luật pháp, nói và viết theo sự áp đặt chủ quan phiến diện của một số ít người".

Thực tế đã có những lúc chú xót xa nhận ra sự bất lực của mình trước những gì chú cảnh báo. Điều rất Võ Văn Kiệt là không hề thấy chú nản chí, chú luôn còn đầy đủ năng lượng tiếp cận hàng loạt vấn đề nóng hổi đang cần tiếng nói và hành động của chú.

Tôi có nói với Hiếu Dân - con gái của chú - như nhận lỗi với chú: "Chị đã có lúc nghĩ sao chú ra đi như vậy trong khi bao nhiêu người mong chờ, hi vọng ở chú?". Nhưng nghĩ lại những người trẻ sao lại đặt gánh nặng trên vai ông lão 86 tuổi nhiều như vậy, chính là mình mới bất công với chú. Nói vậy mà lòng tôi cứ không yên. Cuối cùng, tôi đành chỉ tự trấn an, tự tìm cách dỗ yên bằng một lời tự nhủ: Biết sao giờ, thôi nhớ chú thì cứ làm tiếp thay chú những gì chú muốn làm mà dang dở nửa chừng…