Nhọc nhằn hòa nhập

Đối với các cô giáo, việc các em học thêm được một con chữ, nhớ được vài từ mới... đã là kỳ tích

Nhìn cậu bé Đ. 12 tuổi bập bẹ đánh vần tên bạn học trong lớp thiểu năng, mẹ em chực trào nước mắt. Bà nín thở, căng người theo từng từ Đ. phát âm. Bà gọi điện về nhà khoe kỳ tích mà bé Đ. đã làm được.
 
Ở tuổi này, những đứa trẻ bình thường đã học đến lớp 7, bắt đầu học viết những bài bình luận, giải thích văn học... Nhưng bà hiểu con bà, một đứa trẻ khiếm khuyết do căn bệnh bại não, nói được đã là nỗ lực vượt bậc.
 
Bập bẹ ở tuổi... 12
 
Dạy cho các em con chữ là cả một chặng đường dài gian nan. Công việc ấy đòi hỏi những nỗ lực tối đa, từ phía người dạy và từ cả những đứa trẻ thiếu may mắn. Các em không thể hiểu như những đứa trẻ cùng tuổi bình thường, sức tiếp thu cũng rất khác biệt nên buộc lòng các cô phải dạy riêng theo khả năng của mỗi em. “Những em như bé Đ., bé M. tuy nhìn bên ngoài có vẻ lanh lợi, dạn dĩ nhưng các em không có khả năng nhớ bài. Có khi các em tỏ ra nhớ bài ngay khi vừa học nhưng hôm sau lại quên mất” – cô Mai, một giáo viên phụ trách lớp, cho biết.
 
Đối với các cô giáo, việc các em học thêm được một con chữ, nhớ được vài từ mới... nhiều khi đã là kỳ tích. “Giáo trình” cho các em cũng khác thông thường. Học chung một lớp nhưng những bài học trong các quyển tập lại rất khác nhau. Có những quyển tập với những chữ mẫu tròn đẹp đầu trang cho các em tập viết.
 
img
Những trò chơi đơn giản nhưng trẻ thiểu năng phải mất rất nhiều thời gian mới thực hiện được
 
 
Khá hơn là những quyển tập chỉ dành cho những bài chính tả, cho những em lớn có thể hiểu và nhớ những từ đơn giản. Nhưng cũng có quyển chỉ toàn những đường chấm thẳng hàng cho một cô bé tập kẻ những nét thẳng, nét xiên. Cô bé bị bại não, trí óc phát triển khá nhưng đôi bàn tay thì “bất trị”, vì vậy mỗi nét kẻ thẳng hàng trên quyển tập là niềm vui vô bờ của cả cô lẫn trò. Bởi để làm được điều đó, em phải vất vả hàng tháng trời.
 
Hành trình không điểm đến
 
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y – Tâm thần TPHCM, cho biết: “Chăm sóc những đứa bé chậm phát triển tâm thần, người nuôi dưỡng phải thật vững vàng để không nản lòng”. Mười mấy năm gần gũi với trẻ thiểu năng, trong ông luôn chất chứa nhiều tâm sự: “Đôi khi, người chăm sóc phải đối diện với sự thật phũ phàng rằng đứa trẻ mình đang chăm bẵm, hết mực yêu thương ấy sẽ không có cơ hội hồi phục và có thể cuộc đời của chúng rất ngắn ngủi”.
 
Theo chị Phạm Thị Hoa, nhân viên Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè, khi chăm sóc các em phải thật cẩn thận, giữ môi trường xung quanh sạch sẽ, bởi các em rất dễ nhiễm bệnh do sức đề kháng yếu. Và có lẽ sức khỏe yếu cũng là lý do khiến nhiều em rời xa chúng ta mãi khi mới mười mấy tuổi... Đôi mắt chị thoáng ướt khi kể chuyện.
 
Sự thật là vậy nhưng các cô vẫn dạy cho các em, vẫn cố đưa cuộc sống bên ngoài vào thế giới mịt mù của các bé cho dù cố gắng ấy cũng không dẫn được các em đến tương lai bình thường. Cuộc hành trình ấy không điểm đến nhưng mỗi ngày họ vẫn bước đi.
 
Tự tìm cách điều trị
 
“Mong muốn của tôi bây giờ là có thể học hỏi thêm những phương pháp mới trong việc chăm sóc, phục hồi cho các em chậm phát triển tâm thần. Tuy nhiên, tìm được một khóa học đáp ứng mong mỏi ấy dường như quá khó...” – bà Đỗ Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai 1, nơi có hơn 60 em chậm phát triển tâm thần theo học, tâm sự.
 
Hiện nay, tại trường có một số giáo viên có chuyên ngành giáo dục đặc biệt. Có những khóa học do chuyên gia nước ngoài dạy rất hay nhưng cơ sở vật chất tại VN lại không đủ điều kiện để thực hiện. Bà Hiền chia sẻ thêm: “Theo tôi tìm hiểu, ở các nước phát triển, một người lớn kèm một trẻ chậm phát triển tâm thần. Còn với nhân sự hiện nay ở trường, có cố gắng lắm thì hai cô chăm một lớp mười mấy em...”. Vì thế, việc nâng cao chất lượng trong công tác chăm sóc, điều trị cho trẻ chậm phát triển tâm thần vẫn là vấn đề nan giải ở các trường chăm sóc trẻ thiểu năng.
 
img
Chị Nguyễn Thị Phương tận tụy chăm sóc các trẻ thiếu may mắn tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè
 
“Hoạt động trị liệu” là một cụm từ chúng tôi được nghe nhắc đến nhiều khi tiếp xúc với các y, bác sĩ, kỹ thuật viên tại Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng trẻ tàn tật vận động TPHCM khi tìm hiểu về những trẻ bại não.
 
Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Trọng Ánh, giám đốc trung tâm, cho biết: “Bại não gây nên những di chứng về mặt vận động cũng như trí tuệ nên chúng tôi chú trọng dạy trẻ những kỹ năng từ thông thường như vệ sinh cá nhân đến phức tạp như các giao tiếp ngoài xã hội, kể cả hướng nghiệp khi trẻ trưởng thành, với những phương pháp khoa học tiên tiến”. Tuy nhiên, hiện nay tại VN chưa đào tạo ngành hoạt động trị liệu mà ghép hoạt động trị liệu thành một môn học nhỏ trong vật lý trị liệu. Phòng hoạt động trị liệu tại trung tâm cũng chỉ điều trị các em bại não thông qua các loại đồ chơi hỗ trợ phát triển kỹ năng và trí tuệ.

Công việc ý nghĩa

Gần 60 tuổi nhưng chị Nguyễn Thị Phương vẫn hằng ngày đến chăm sóc các bé chậm phát triển tâm thần nặng tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè. Nhà ở tận huyện Hóc Môn, mỗi sáng sớm, chị chạy xe máy gần 30 km đến trung tâm.
 
Đồng lương cho công việc ở một trung tâm bảo trợ xã hội không cao, con gái chị cũng khó khăn, không giúp gì được cho mẹ nên cuộc sống của chị vẫn còn nhiều vất vả. “Tôi thấy thương các cháu. Nhiều cháu bị cha mẹ bỏ rơi ngay từ lúc lọt lòng; đầu óc, tay chân lại không lành lặn, rất khó có người chịu nhận nuôi. Tôi đã gắn bó với công việc này từ khi còn trẻ, có kinh nghiệm và cũng thấy mình hợp với nghề. Thôi thì dành chút sức khỏe còn lại của đời người để làm điều gì đó có ý nghĩa” – chị tâm sự.

Kỳ tới: Mở lối vào đời