Nhọc nhằn học “nói” bằng tay
Những ánh mắt học trò sáng lên theo từng lần gật đầu của giáo viên - dấu hiệu cho các em biết đã diễn đạt đúng từ đang học. Biểu đạt được những từ ngữ đơn giản trở nên vô cùng gian nan với các em khiếm thính
Bước hết bậc thang cuối cùng lên lầu 3 Trường Khuyết tật chuyên biệt Hy Vọng Gò Vấp - TPHCM, nơi có 5 lớp học của trẻ khiếm thính, chúng tôi chỉ nghe những âm thanh ú ớ. Lớp học gần như vô thanh. Tất cả mọi giao tiếp giữa giáo viên và học trò đều bằng đôi tay và hình thể.
Cả giờ chỉ “giải quyết” được 1-2 từ
Hôm chúng tôi đến, lớp dự bị 2 Trường Khuyết tật chuyên biệt Hy Vọng Gò Vấp đang học “nói” từ “con bướm”. Bên dưới, các em tròn xoe mắt chăm chú quan sát cô giáo Bùi Thị Hường để học theo.
Cô Hường phải vận dụng toàn bộ cơ thể mình, từ tay, chân đến mắt, miệng... Hai chân cô chụm lại, đầu gối hạ thấp, hai tay đưa lên song song với mặt đất, vẫy vẫy liên tục... Các em khiếm thính làm theo nhưng vẫn ngơ ngác chưa hiểu cô “nói” điều gì.
“Trẻ khiếm thính chỉ mất đi khả năng nghe. Các em vẫn có thể nói nhưng vì không thể nghe nên dần dần cũng không biết phát âm. Vì vậy, chúng tôi phải kết hợp sử dụng hình miệng để giúp trẻ phục hồi chức năng nói. Ngoài ra, chúng tôi phải soạn giáo án thật kỹ, kèm nhiều hình ảnh để minh họa và chịu khó giảng nhiều lần, dạy sát từng em” - cô Hường cho biết.
Việc học “nói” nhọc nhằn như thế nên mỗi tiết học, cô và trò chỉ “giải quyết” được 1-2 từ. Những ánh mắt học trò sáng lên theo từng lần gật đầu của giáo viên - dấu hiệu cho các em biết đã diễn đạt đúng từ đang học. Biểu đạt được những từ ngữ đơn giản trở nên vô cùng gian nan với các em khiếm thính.
Tiết học tiếp theo, sau khi học xong từ “con bướm”, cô Hường ghi trên bảng và cho lớp dự bị 2 diễn đạt câu “Con bướm có nhiều màu”.
Bé Thiên Kim, 6 tuổi, loay hoay mãi vẫn không thể diễn đạt hết câu. Từ “con bướm”, Kim diễn đạt gọn ghẽ, song khi cô Hường chỉ đến từ “có” thì bé ngẩn ra không biết phải làm sao.
Nhìn khuôn mặt buồn bã, cúi gằm như có lỗi của Kim, cô Hường chia sẻ với chúng tôi: “Thiên Kim như thế là đã cố gắng rất nhiều. Vì em không nghe được, chỉ tiếp thu bằng mắt nên rất mau quên”.
Cô - trò phải dùng mọi ngôn ngữ, ký hiệu để dạy và học (ảnh chụp tại Trường Khuyết tật chuyên biệt Hy Vọng - Gò Vấp). Ảnh: P.Anh
Tại Trường Hy Vọng 1 (quận 1 - TPHCM), chúng tôi cũng bắt gặp những hình ảnh như thế. Xong tiết học, một cô bé tên Ngọc huơ tay múa người “hỏi” chúng tôi: “Bạn hàng xóm của con 9 tuổi đã học tới lớp 4, sao con 9 tuổi rồi mà mới học lớp 2 hả cô?”.
Giáo viên chủ nhiệm của Ngọc thoáng buồn khi dịch lại ý của em. Còn cậu bé tên Quân thì cố gắng diễn đạt cho chúng tôi rằng em thích học môn toán. Giáo viên chủ nhiệm lại dịch lời Quân: “Em thích học toán lắm nhưng môn này có nhiều từ lạ. Bữa trước học bài phép cộng, cô giải thích cả buổi em mới hiểu “số hạng”, “tổng số” là gì”...
Biết chữ mới học “nói”
Căn phòng nhỏ của Trường Tiểu học Lý Nhơn (quận 4 - TPHCM) mỗi sáng chủ nhật đều rộn ràng bóng áo vàng - đồng phục của CLB Khiếm thính TPHCM. Những người khiếm thính ở nhiều nơi đã tìm đến đây để học thêm ngôn ngữ ký hiệu. Trong đó, không ít người đã biết chữ.
“Gia đình chú tôi sống ở quê”. “Miền
Lớp học không lời cũng mở đầu bằng phần “trả bài”. Đức Minh là người đầu tiên được gọi lên bảng. Cô giáo bảo Minh phải phân biệt sự khác nhau giữa hai từ “con đẻ” và “em bé” bằng ngôn ngữ ký hiệu. Nhiệm vụ không hề dễ dàng, dù Minh đã thạo chữ viết.
Được sự “trợ giúp”, cũng bằng cách múa may hình thể, của các học viên ngồi bên dưới, cuối cùng, Minh cũng hoàn thành được câu trả lời trong những tràng vỗ tay tán thưởng của cô giáo và cả lớp. Ai trả bài xong được quyền gọi người tiếp theo. Buổi học bắt đầu bằng không khí hồi hộp và vui vẻ như vậy.
Lớp học luôn sôi nổi, có khi học trò cũng giành lên bảng chỉ dẫn cho các bạn những từ ngữ khó diễn đạt, thậm chí “tranh luận” nhau phải thực hiện như thế nào cho chính xác.
Chị Dương Phương Hạnh, Chủ tịch CLB Khiếm thính TPHCM, cho biết CLB đón nhận tất cả các thành viên là người khiếm thính, không kể tuổi tác, trình độ. Mục đích của CLB là tạo một mái nhà chung thân thuộc cho những người trong thế giới vô thanh và giúp họ nâng cao ngôn ngữ ký hiệu.
Mỗi người “nói” một kiểu
|
Kỳ tới: Cô học từ trò