Nhọc nhằn mưu sinh

Công việc ngày càng èo uột, “chợ người” trở nên ảm đạm. Đã vất vả bán sức lao động để kiếm chút tiền còm cõi nhưng nhiều “thợ đụng” còn gặp vô vàn điều bất trắc

Đã 4 ngày nay, chị Nguyễn Thị Luyến, quê Lục Nam - Bắc Giang, không kiếm nổi 30.000 đồng để đóng tiền nhà trọ. Hà Nội rét buốt da cắt thịt, chị cùng những phụ nữ cùng cảnh ngộ vẫn ngồi co ro bên gầm cầu Long Biên để chờ đợi và hy vọng...

Chậm miệng, chậm chân là đói

Chị Luyến bám trụ ở gầm cầu Long Biên đã 11 năm nay. Những năm trước, kinh tế chưa khó khăn, thị trường bất động sản phát triển mạnh, người ta xây cất nhiều, việc phá nhà, dọn nền làm không xuể, mỗi tháng “thợ đụng” kiếm được vài triệu đồng chẳng có gì khó. “Tuy nhiên, 2 năm nay, nhất là dịp cận Tết này, mỗi tháng chỉ được hơn triệu bạc, tháng gần đây nhất, tôi chỉ kiếm được 600.000 đồng. Đàn ông bây giờ còn không tìm được việc, nói gì chúng tôi” - chị tâm sự.

Chị Luyến có 2 con đều đang tuổi ăn học, chồng thì bệnh tật nên một mình chị phải bươn chải. Bốn hôm nay, không ai thuê, chị cứ ngồi phơi mặt giữa trời rét mướt. “Hôm qua, 4 chị em tụi tôi đi dọn đất được 100.000 đồng, chia nhau mỗi người 25.000 đồng, chẳng đủ tiền thuê chỗ ngủ” - chị buồn bã. Chị Lê Thị Hà, một người cùng nhóm, cho biết: “Gạo thì mang ở quê ra, họa hoằn lắm mới dám mua miếng thịt để cải thiện, tụi tôi ăn qua quýt cốt no để lấy sức mà làm thôi”.

img
Một nhóm nữ “thợ đụng” chờ việc ở cầu Long Biên - Hà Nội

Đã nhiều ngày nay họ không được ai thuê, nếu có thì cũng toàn việc lặt vặt, chẳng được mấy đồng. Cả nhóm nữ “thợ đụng” ngồi co ro dựa lưng vào bờ đê, thấy ai rà xe chầm chậm là tất cả lại nhao lên, mắt sáng rỡ, miệng hô: “Tôi, tôi đây! Làm gì vậy? Xúc đất, dọn nhà hay đào móng ạ?”... Rồi họ nhảy tót lên xe của khách, chẳng cần biết người ta có đồng ý hay không. “Làm cái nghề này, mắt phải tinh, miệng phải nhanh. Chậm miệng, chậm chân là chết đói. Có đói rét mấy vẫn phải ngồi chờ” - chị Hà “đúc kết kinh nghiệm”.       

Ở gầm cầu Long Biên, “chợ người” ngày trước rất đông, nhiều khi lên đến hàng trăm lao động tự do nhưng nay chỉ còn khoảng 20 người.  Cánh đàn ông trước đây rất xôm tụ, đủ cả Hưng Yên, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình..., nay đã bỏ về quê hoặc kiếm việc khác. “5 giờ, tụi tôi đã ra đây chờ; tối nhá nhem vẫn cố nán lại xem có ai gọi không, trưa cũng chỉ dám về lùa vội bát cơm rồi lại chạy ra. Càng ít việc, càng không dám nghỉ nên cứ phải có mặt thường xuyên như trực chiến ở đây” - chị Luyến bộc bạch.

Trong nhóm, “lính mới” Trần Thị Sinh, cũng quê Lục Nam, bỏ 2 đứa con nheo nhóc cho chồng rồi tìm đến “chợ người” ở gầm cầu Long Biên đã được 5 ngày nay. “Em định kiếm ít tiền về quê ăn Tết nhưng mấy ngày nay chẳng bói ra việc, xài âm cả tiền nhà mang theo” - chị buồn bã.

Trời rét mướt nhưng một phụ nữ tên Loan ngồi cạnh tôi chỉ khoác chiếc áo mỏng manh. “Cái áo này, hôm nọ tôi đi lau nhà, bà chủ tốt bụng cho đấy. Công việc bữa có bữa không, chiếc áo ấm chỉ chừng 100.000 đồng nhưng làm sao dám sắm?” - chị phân bua.

Bị lừa mất hết tiền

Đã nhọc nhằn, phải bán sức để kiếm miếng cơm nhưng nhiều “thợ đụng” còn gặp vô vàn điều bất trắc. Anh Phán, quê Giao Thủy - Nam Định, kể cách đây khoảng 10 ngày, có ông khách đến “chợ người” ở vườn hoa Hà Đông - Hà Nội thuê một nhóm lao động sang huyện Đông Anh làm. “Sau khi thỏa thuận tiền công 15 triệu đồng, mừng quá, bọn tôi 15 người phóng đi. Làm được 3 ngày, công việc gần xong, ông ta chỉ ứng cho ít tiền ăn rồi lặn mất tăm, gọi điện thoại thì không nghe máy. Bọn tôi đành kéo nhau về, coi như làm từ thiện. Làm nghề này, “thợ đụng” nào chẳng dính vài ba quả lừa” - anh ngao ngán.

Năm 2012, nhóm của ông Khánh ở “chợ người” gần cổng chợ Phùng Khoang, huyện Từ Liêm - Hà Nội cũng được một gã đến thuê đi đào móng nhà với tiền công 26 triệu đồng. “Xong việc, gã chỉ đưa 10 triệu đồng, số tiền còn lại cứ chây ì không trả. Bọn tôi căm không thể tả nhưng cũng đành chịu”  - ông Khánh bức xúc.

Nhiều “thợ đụng” còn bị bọn người bất lương giả vờ thuê đi làm, khi đến chỗ vắng vẻ đã ra tay cướp sạch chút tiền còm cõi. Anh Lực, ngồi ở “chợ người” cạnh cổng Học viện Y học cổ truyền, nhớ lại: “Một lần, 2 thanh niên chạy xe máy đến thuê 3 người bọn tôi đi dọn đất đá ở khu chung cư đang xây dựng. Đến nơi, 2 gã chỉ lên tầng 3. Bọn tôi vừa thò mặt lên thì có mấy tay mặt mày bặm trợn, xăm trổ đầy mình lao ra móc hết mớ tiền ít ỏi trong túi”.

Lần khác, có gã đến thuê anh Lực và một người đứng tuổi đến một căn nhà đang xây để dọn dẹp. “Gã ngồi trên xe máy bấm điện thoại gọi í ới cho ai đó rồi quay sang tôi, bảo: “Đưa em mượn cái điện thoại để gọi cho người xuống đón, máy em hết pin”. Tôi vừa đưa điện thoại thì nó rồ máy xe chạy mất hút. Cái điện thoại cùi bắp chẳng đáng giá là bao nhưng tôi uất ức đến chảy nước mắt” - anh Lực thở dài.

Ươm mầm tương lai

Hầu hết những “thợ đụng” tôi gặp ở nhiều “chợ người” tại Hà Nội chỉ mong kiếm được ít tiền đủ cơm rau qua ngày và dành dụm chút đỉnh gửi về quê nuôi con ăn học, phụ giúp vợ hoặc chồng hay chữa bệnh cho cha mẹ già. Một số người cần mẫn, tằn tiện thì sửa được căn nhà ở quê, sắm thêm bộ bàn ghế...

Hơn 20 năm bán sức lao động, hết đạp xích lô đến làm “thợ đụng”, nay đã 62 tuổi, “gia tài” của ông Khánh là anh con trai tốt nghiệp Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội. “Nó có công việc ổn định và vừa lấy vợ. Sống ở phố, nó cũng phải vất vả lo toan, chẳng giúp gì mình nhiều nhưng tôi rất hạnh phúc vì nuôi con thành tài” - ông cười mãn nguyện.

Với chị Luyến và nhiều phụ nữ cùng cảnh ngộ, dẫu có chịu cảnh rét mướt ở gầm cầu Long Biên thì họ vẫn nở nụ cười hạnh phúc khi nghĩ về những đứa con ngoan, học giỏi của mình nơi quê nhà.