Những đô thị vệ tinh tương lai
PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ.- Tại 5 quận mới đang hình thành gần 100 cụm dân cư đô thị và một số khu đô thị mới. “Sau 5 năm thành lập, cái được lớn nhất ở địa phương chúng tôi chính là tốc độ đô thị hóa phát triển rất nhanh, đời sống người dân đã từng bước được nâng cao. Tuy vậy, cũng còn hàng loạt những vướng mắc, khó khăn trong quá trình hình thành những khu đô thị mới, cũng như để nông dân thật sự trở thành thị dân đúng nghĩa” - ông Lê Thành Đại, Chủ tịch UBND quận 9, đã nhìn nhận như vậy sau 5 năm thành lập quận (1.4.1997 - 1.4.2002).
Theo ông Huỳnh Văn Thời, Phó Chủ tịch UBND quận 12, nếu so với thời điểm còn là huyện Hóc Môn (cũ), tốc độ phát triển kinh tế hàng năm của địa phương này hiện cao hơn trước 4-5 lần. Trong vòng 5 năm qua, tại quận 12 đã hình thành trên 20 khu dân cư đô thị mới, từng bước hoàn chỉnh một đô thị vệ tinh của TP. Liên tục trong các năm qua, tốc độ phát triển kinh tế của mỗi quận mới, bình quân tăng từ 10%-20% trở lên/năm. Trong đó, tỉ lệ tăng trưởng của các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ chiếm trên 80% so với ngành nông nghiệp. Tại năm quận, hiện đang hình thành gần 100 cụm dân cư đô thị và các khu đô thị mới như khu đô thị Nam Sài Gòn, khu đô thị Thủ Thiêm... Các khu này cùng với các khu công nghiệp, khu chế xuất như Linh Trung, Tân Thới Hiệp, Tân Thuận... và hệ thống cơ sở hạ tầng như cầu đường, điện, nước... được tập trung đầu tư đã biến các quận mới trở thành “vùng đất hứa” của các nhà đầu tư từ nhiều nơi đổ về. Bình quân hàng năm có từ 300-400 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh được thành lập tại mỗi quận với tổng vốn đầu tư từ 150-200 tỉ đồng.
Loay hoay giữa phường và xã
Khó khăn đầu tiên là chuyện... phân cấp! Ban đầu thì các quận mới đều kiến nghị được phân cấp một số lĩnh vực để hỗ trợ người dân trong quá trình đô thị hóa. Nhưng khi được phân cấp... quá nhiều thì các quận cũng trở nên lúng túng. Nhân sự không được phép bổ sung, công việc thì dồn dập nên lại trở thành quá tải và ùn tắc... Sau 5 năm, những nông dân chân đất ở các quận mới chỉ “một đêm ngủ dậy trở thành thị dân” nên nhiều người vẫn chưa thích nghi được với môi trường mới, với tốc độ đô thị hóa. Khi mới thành lập quận, 80% diện tích đất và số hộ dân các địa phương này gắn liền với nông nghiệp. Đất đai ở vùng ven ngày càng cao giá, nhiều hộ bị cuốn vào cơn sốt đất, bán hết đất ruộng của mình, tiêu xài lãng phí nhưng lại chẳng có nghề ngỗng gì nên cuối cùng “tay trắng vẫn hoàn tay trắng”.
Theo ông Lê Hoài Trung, Quyền Chủ tịch UBND quận 12, một khó khăn rất lớn hiện nay của các quận là lượng dân nhập cư gia tăng ở mức báo động, vượt tầm kiểm soát của địa phương. Trong 5 năm qua, lượng dân nhập cư từ các tỉnh đổ về tăng theo... cấp số nhân, phá vỡ quy hoạch của TP. Bên cạnh đó là hàng loạt vấn đề phát sinh phức tạp như tệ nạn xã hội, xây cất, phân lô trái phép... làm đau đầu chính quyền các địa phương.
Sẽ có cơ chế ưu đãi đặc biệt
Trong các buổi làm việc với các quận mới vào cuối năm 2001 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Hải cho biết trong thời gian tới, sẽ quan tâm và chỉ đạo cho các sở, ngành phải tập trung làm việc với chính quyền các quận mới để kịp thời tháo gỡ mọi vướng mắc phát sinh ở những địa phương này.