Những lần cuối được nghe chuyện ông cố vấn
Những giờ phút cuối đời tranh đấu giành sự sống, ông Vũ Ngọc Nhạ vẫn rất hóm hỉnh, nhìn hiểm nguy bằng sự chấp nhận. Có lẽ do ông đã trải qua quá nhiều giây phút giáp ranh với sống – chết? “Xưa bị tra tấn, bị treo tới 32 lần – Có lần ông đã vui vẻ kể vậy- Ðời mình thấm thía: 24 trên 24 giờ thần kinh căng thẳng, nó lượm mình lúc nào – hở ra là có thể chết. Vậy mà có khi đáng lẽ chết, lúc đó mới bật ra khôn ngoan. Nó là vấn đề trực giác”. Nhưng mà đây là kẻ thù bệnh tật, ông “ứng xử” với nó thể nào?
“Sỏi thận, mật sỏi, gan siêu vi. Rồi mãi 2 tháng mới biết thêm là bướu gan. Cả thế giới chịu! Nó thế!”. Ông Nhạ cười khi bạn bè hỏi ông sao không mổ: “Mổ chỗ ấy? Khác gì như phá nhà máy điện. Thua!”.
Từ khi biết mình bị bệnh, ông biết thời gian không còn nhiều nên lao vào công việc. Ông bảo đúng là “làm trối chết nên hăng lắm. Tôi sống và làm việc cách nay 30 – 40 năm như thế nào thì nay vẫn thế. Chỉ lực kém đi. Còn đầu óc thì phấn chấn hơn trước”.
Khi cuốn phim Ông cố vấn chuẩn bị tiến hành, ông vẫn băn khoăn vì “bản chất mình không muốn ồn ào. Nhưng việc nhiệm vụ Nhà nước yêu cầu kể lại để viết thành sách, tức là cái việc ngại ngùng nhất đã phải làm rồi, phải kể rồi. Nay họ cần nhiều hơn: góp ý về giọng điệu các nhân vật. Họ yêu cầu mình tham gia vì cái chung, nếu mình không tham gia là so đo sợ hay sợ dở...”. Vì vậy được bạn bè khích lệ, ông đã tham gia nhiều ý kiến cho đoàn làm phim. Phương châm của ông là: Nhà nước giao việc kể lại tư liệu, ông đã cố gắng, dù có chỗ kể hết, có chỗ chưa kể hết, nhưng quyết nói một cách trung thực...
Ông thường tự hào về quê hương Thái Bình của mình: Có anh Luật, anh Thuận, cắm cờ ở Ðiện Biên Phủ và ở dinh Ðộc Lập 30-4-75, có anh hùng Phạm Tuân bay vào vũ trụ... Khi gặp nhau ở Thái Bình, ông nói với những người đồng hương nổi tiếng đó: “Chiến công của 2 anh cắm cờ... Chúng tôi hơn 20 năm trong dinh Ðộc Lập phối hợp hoàn thành nhiệm vụ...”. Những lần về quê chậm trễ và hiếm hoi của ông – sau 21 năm xa cách mới trở lại - thường đầy xúc động. Ông gặp lại những đồng chí ở Thị ủy Thái Bình, nói đã kết nạp, rồi khai trừ khi nghe tin ông “đi Nam với giặc”... Ông thích câu thơ: Cái còn thì vẫn còn nguyên – Cái tan thì tưởng vững bền vẫn tan. “Có một thời tưởng Diệm, Thiệu ở đó là bền, nhưng bền vẫn tan. Còn cách mạng thì vẫn còn nguyên”... Trong sổ tay của ông có chép lại câu nói của Bác Hồ: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào... Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng rau, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi...”.
Ông thường nói rằng ông sống được đến bây giờ là điều may mắn hơn rất nhiều anh em chiến sĩ hy sinh thầm lặng. Chính vì thế mà cho đến tận ngày cuối đời, ông chiến đấu với bệnh tật theo một nguyên tắc suốt đời đã làm: “Tôi cố gắng để vẫn như trước, làm không phép, không thích an dưỡng, không có chủ nhật, mệt thì nghỉ”.
Phải chăng, bây giờ mới có thể nói: Ông đã được nghỉ ngơi, một hình ảnh không ai thấy trong cuộc đời của một người nông dân Thái Bình trở thành vị tướng tình báo.