Những nẻo đường... né trạm!
GIAO THÔNG.- Một tuần lễ nay, sau khi trạm thu phí xa lộ Hà Nội hoạt động, rất nhiều xe né trạm bằng cách chạy vào xa lộ Đại Hàn hoặc ra hướng ngã tư An Sương (Quốc lộ 22 - xa lộ Đại Hàn), ngã ba Quang Trung (chợ Cầu - xa lộ Đại Hàn), ngã tư Ga (Hà Huy Giáp - xa lộ Đại Hàn), nhưng nhiều nhất là vào Quốc lộ 13. Hiện nay, tại ngã tư Bình Phước và cầu Bình Triệu luôn bị kẹt xe... Quốc lộ 13 trở thành “cung đường nóng” thường xuyên bị ùn tắc giao thông
Dòng phương tiện lô nhô dày đặc, từ hai hướng nhích từng chút một qua cầu Bình Triệu. Sáng sớm đúng giờ đi làm, các loại xe tải nặng, nhẹ, xe ô tô khách, xe hai bánh... liên miên bất tận đổ qua cầu. Chúng tôi đứng trên đỉnh dốc cầu sáng 11-9 quan sát, mà có cảm giác như cây cầu cũ kỹ này đang oằn mình chao đảo dưới chân.
Đường vành đai... khốn khổ!
Xa lộ Đại Hàn (Quốc lộ 1A- vành đai ngoài của TPHCM) đang được sửa chữa nâng cấp, có đoạn thu hẹp lại, có đoạn mặt đường bị băm nát. Bất kể điều đó, các loại phương tiện thuộc diện phải đóng phí nếu qua trạm, đều không ngần ngại đổ dồn đến đây. Một tuần lễ qua, vài chục kilomet đường xa lộ Đại Hàn từ ngã ba Trạm Cảnh sát giao thông (CSGT) số 2 (xa lộ Đại Hàn- xa lộ Hà Nội) đến ngã tư An Sương, luôn nghẹt cứng các loại xe bốn bánh trở lên.
Các cán bộ Trạm CSGT số 3 cho biết, từ lúc trạm thu phí xa lộ Hà Nội hoạt động, đường vành đai thường ùn tắc giao thông mỗi ngày, buổi sáng cao điểm từ 9 đến 12 giờ, buổi chiều từ 15 giờ đến 18 giờ. Nhiều xe kiếm điểm dừng đợi, chờ qua giờ cao điểm này mới vào, ra TP theo đường vành đai. Trong hai ngày 11 và 12-9, mặc dù dùng xe gắn máy đi trên đường vành đai này, chúng tôi cũng rất khó khăn để len lỏi qua một rừng xe cộ. Đường hẹp, gập ghềnh ổ gà càng khiến cho các phương tiện lưu thông chậm hơn. Để né trạm thu phí, các loại xe bốn bánh trở lên không ngại đi xa thêm một đoạn, thậm chí chấp nhận vào, ra hướng ngã tư An Sương (Quốc lộ 22 - xa lộ Đại Hàn), ngã ba Quang Trung (chợ Cầu- xa lộ Đại Hàn), ngã tư Ga (Hà Huy Giáp- xa lộ Đại Hàn)...
Đoạn đường luôn ken dày xe cộ là đoạn từ ngã tư Ga đến khu chế xuất Linh Trung. Xe từ nội thành đổ ra, xe từ khắp nơi đổ về ồ ạt. Cầu Ga, cầu Bình Phước thỉnh thoảng lại bị ùn tắc giao thông. Tài xế xe tải 80K- 6039 bị kẹt ở ngã tư Tam Bình, than: “Tiếc năm chục ngàn đồng qua trạm mới đi đường này, ai ngờ kẹt xe, nhích từng chút như vầy, tính ra tiền xăng dầu cũng huề trớt!”.
“Cung đường nóng” Bình Triệu - Bình Phước
Né trạm thu phí xa lộ Hà Nội, thuận tiện và kinh tế nhất là vào, ra theo Quốc lộ 13 (ngã tư Bình Phước- cầu Bình Triệu). Đại úy Nguyễn Văn Xuân, Trạm CSGT số 3, đứng chốt ngã tư Bình Phước trưa 12-9, nói: “Một tuần lễ nay, Quốc lộ 13 trở thành... “cung đường nóng”, nhất là hai điểm ngã tư Bình Phước và cầu Bình Triệu. Trước đây, chỉ cần một CSGT đứng chốt ngã tư Bình Phước, nay phải hai người mà vẫn làm không xuể”. Đại úy Xuân vừa nói, vừa lăng xăng bật, tắt đèn tín hiệu giao thông, có khi tắt hẳn, có lúc phải xuống đường vung gậy phân luồng xe, nhưng vẫn không hạn chế được ùn tắc giao thông. Đứng ở ngã tư, chúng tôi nhìn cả bốn hướng, dòng xe bị ùn lại như những con rắn khổng lồ chậm chạp di chuyển, nhiều nhất vẫn là các loại xe tải.
Theo đại úy Xuân, Quốc lộ 13 khác với đường vành đai ở chỗ, bị kẹt xe sớm hoặc muộn hơn, sáng từ 6 giờ 30 đến 7 giờ 30, chiều từ 17 giờ 30 đến khoảng 19 giờ, dễ nhận thấy nhất là ở cầu Bình Triệu. Tại đây, xế trưa 12-9, mặc dù không phải giờ cao điểm, song xe bốn bánh vẫn ùn ùn qua lại. Hai chiến sĩ cảnh sát bảo vệ trực gác cầu cứ nhấp nhổm không yên trên hai “chuồng cu” ở hai bên đầu cầu. Một người cho biết, nhiều lúc trên cầu bị ùn tắc giao thông mà CSGT chưa tới kịp, sốt ruột quá họ cũng phải nhảy xuống để điều khiển, giải tỏa... Ông Trần Tấn Vận, cư ngụ ngay cạnh dốc cầu, ưu tư: “Cứ cái đà này, không biết bao giờ cầu Bình Triệu sẽ sập đây!”.
Đổ dốc cầu Bình Triệu về nội thành, dòng phương tiện lại thêm một lần ùn tắc vì hàng loạt xe cộ đổ ra, nhất là khi xe khách từ bến xe liên tỉnh Miền Đông xuất bến. Chúng tôi đã đứng trước bến xe quan sát một chiếc xe khách trên 50 chỗ xuất bến. Nó nhọc nhằn rẽ trái, rồi vất vả nhập vào luồng xe đổ ra cầu Bình Triệu, mất hơn nửa tiếng đồng hồ!