Những sai phạm nghiêm trọng của TGĐ và phó TGĐ Petro VN

Như Báo NLĐ đã đưa tin, ông Nguyễn Xuân Nhậm và Đinh Văn Ngà đã bị Thủ tướng cách chức tổng giám đốc (TGĐ) và phó TGĐ Petro VN vì đã có những sai phạm nghiêm trọng tại Petro VN và một số đơn vị thành viên.

Công bố chính thức quyết định cách chức ông Nguyễn Xuân Nhậm, Đinh Văn Ngà

Chiều 12-5-2003, tại trụ sở Tổng Công ty Dầu khí VN (Petro VN) ở Hà Nội, Bộ Nội vụ đã chủ trì cùng các ban ngành chức năng chính thức công bố quyết định của Thủ tướng Phan Văn Khải về việc cách chức tổng giám đốc Petro VN của ông Nguyễn Xuân Nhậm và phó tổng giám đốc Đinh Văn Ngà. Các quyết định kỷ luật khiển trách đối với ông Phạm Quang Dự, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Petro VN và kỷ luật cảnh cáo đối với Ban Cán sự Đảng Petro VN cũng đã được công bố. Sau đó, ông Trần Cảnh, phó tổng giám đốc điều hành, đã nhận bàn giao, tạm thời điều hành hoạt động của Petro VN.

Chi tiêu trái quy định với những số tiền không nhỏ

Trước tiên phải nói về thời gian ông Nguyễn Xuân Nhậm làm giám đốc Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC). Chỉ tính riêng trong hai năm 1995-1996, Công ty PTSC do ông Nguyễn Xuân Nhậm làm giám đốc đã vi phạm nghiêm trọng quy định về tiền lương, tính sai đơn giá tiền lương làm thất thu ngân sách Nhà nước hàng chục tỉ đồng. Cụ thể là mức lương ở đây đã được tính cao hơn quy định từ hơn 4% đến hơn 33%. Tổng cộng, chỉ trong hai năm đã chi lương cao hơn chế độ quy định lên tới hơn 46 tỉ đồng, làm lợi nhuận của công ty giảm đi tương ứng. Phí tăng đã làm thất thu cho ngân sách Nhà nước 13,16 tỉ đồng.

Nối tiếp sai phạm, năm 1996, Công ty PTSC đã chi tới 5,6 tỉ đồng từ quỹ phúc lợi để nộp thuế thu nhập cho người có thu nhập cao, trong đó khối văn phòng của công ty là hơn 376,6 triệu đồng. Riêng ông Nguyễn Xuân Nhậm, theo tính toán của cơ quan thuế, mức thuế thu nhập phải đóng năm 1996 là hơn 114,8 triệu đồng. Thế nhưng ông Nhậm chỉ tự nộp có hơn 54,9 triệu đồng, còn lại hơn 59,8 triệu đồng là lấy từ quỹ phúc lợi của công ty. Việc lấy quỹ phúc lợi để nộp thuế thu nhập cho những người có thu nhập cao này đã được ông Nhậm khéo léo thông qua hội nghị hiệp thương và đưa vào thỏa ước lao động tập thể của công ty.

Đến ngày 9-9-2002, Tổng Liên đoàn Lao động VN đã có văn bản nêu rõ: Thỏa ước lao động tập thể có quy định lấy quỹ phúc lợi để nộp thuế cho người có thu nhập cao trong doanh nghiệp Nhà nước là trái với quy định của Bộ Luật Lao động và Pháp lệnh Thuế thu nhập của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ Tài chính cũng có văn bản khẳng định việc làm này là không đúng, nhưng thực tế ông Nhậm đã thu lợi hơn 59,8 triệu đồng từ việc làm sai này.

Thu phí sai nguyên tắc

Theo quy định của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải và Ban Vật giá Chính phủ, loại phí trọng tải, phí luồng lạch là thuộc nguồn thu ngân sách do cảng vụ tổ chức thu. Thế nhưng từ năm 1993 đến 1996, Công ty PTSC đã tự tổ chức thu hai khoản này. Và chỉ tính tại một cảng được xem xét, tổng số thu trái phép này đã lên tới hơn 28,4 tỉ đồng. Việc làm trái phép này đã bị Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát hiện và khởi tố vụ án “Lạm dụng quyền khi thi hành công vụ” đối với xí nghiệp cảng của Công ty PTSC, tịch thu 15,1 tỉ đồng nộp vào ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, ông Nguyễn Xuân Nhậm còn có liên quan đến những sai phạm trong việc thực hiện cải tạo, nâng cấp nhà nghỉ 477 Trương Công Định, Vũng Tàu, việc xây dựng kho số 7 căn cứ kỹ thuật hạ lưu Vũng Tàu và kho ngoại quan cảng thượng lưu Vũng Tàu... Trong đó đáng chú ý Công ty PTSC đã báo cáo: giá trị xây lắp dở dang của một số công trình năm 1996 chuyển sang năm 1997 là hơn 37,7 tỉ đồng. Nhưng kết quả kiểm tra thực tế ngày 31-12-1996 không còn công trình nào đang dở dang.

Tráo thầu gây tổn thất hơn 3,2 triệu USD

Song sai phạm nghiêm trọng và gây thiệt hại lớn hơn cả của ông Nguyễn Xuân Nhậm và ông Đinh Văn Ngà là trong việc đấu thầu dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Sai phạm đầu tiên là việc ông Đinh Văn Ngà ký quyết định cho phép hai tổ hợp tham gia đấu thầu viết tắt là T. và S. được nộp hồ sơ làm rõ, trái với quy chế đấu thầu do Chính phủ quy định. Tiếp đó, trong khi tổ chuyên gia xét thầu chưa tổng hợp kết quả chấm điểm, Công ty Liên doanh Nhà máy Lọc dầu Việt-Nga chưa có báo cáo kết quả gói thầu thì hội đồng tư vấn xét thầu do ông Ngà làm đồng chủ tịch sau khi “xin ý kiến chỉ đạo của TGĐ Nguyễn Xuân Nhậm” đã họp khẩn cấp và sau đó ra văn bản kết luận tổ hợp S. trúng thầu. Khi việc làm bất thường này được phát giác, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và thẩm định lại thì kết quả là ngược lại: Tổ hợp T. có năng lực, kinh nghiệm, điểm kỹ thuật cao hơn tổ hợp S., nhưng giá chào thầu lại thấp hơn. Từ kết quả này, Thủ tướng đã có văn bản đồng ý cho tổ hợp T. trúng thầu.

Việc tráo thầu nói trên của hội đồng tư vấn xét thầu là gian lận và vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế đấu thầu. Thế nhưng khi các thành viên VN và Nga trong tổ chấm thầu cho rằng việc chọn tổ hợp S. trúng thầu là không khách quan thì ông Ngà nói rằng “đã báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ quyết định rồi”.

Những việc làm sai trái này đã làm kéo dài tiến độ của dự án trên 2 tháng, gây thiệt hại về phí quản lý, lãi vay ngân hàng và thu từ tiền lãi gửi ngân hàng lên tới hơn 3,1 triệu USD. Đó là chưa kể phần tổn thất do đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho nhà máy lọc dầu như điện, nước, đường giao thông... không phát huy được tác dụng. Ngoài ra, tại gói thầu 5A của dự án này, do vi phạm quy chế đấu thầu cũng đã gây hậu quả nghiêm trọng, chi phí tốn kém hàng triệu USD.

Những dấu hỏi lớn

Vấn đề được dư luận quan tâm nhất là điều gì bí ẩn đằng sau những việc làm tày trời của ông Nguyễn Xuân Nhậm, Đinh Văn Ngà? Điều gì đã khiến cho ông Nhậm bỏ qua tất cả những quy định pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ? Tại sao ông Ngà nhiệt tình đến mức báo cho một Việt kiều về khả năng trúng thầu của tổ hợp S.? Với những con số sai phạm có giá trị tiền tỉ rồi đây cơ quan pháp luật chắc sẽ phải vào cuộc?