Nơi phát tiết của lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ

Từ phong trào nhân dân tự vũ trang đến thành lập giải phóng quân liên quận, mảnh đất Hóc Môn, Bà Điểm là nơi phát tiết, mở đầu trang sử của lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ anh hùng

Sáng 25-8-1945, tại Bà Điểm, trên 2 vạn người được trang bị cuốc thuổng, tầm vông vạt nhọn, xếp hàng thứ tự theo đơn vị xã ấp, kèm hai bên là các tự vệ mang băng đỏ; đi đầu và bọc hậu là 2 tiểu đội trang bị 5 súng trường. Dòng người hòa vào đoàn quần chúng của quận Hóc Môn, rầm rộ kéo xuống cướp chính quyền tại dinh Thống đốc Nam Kỳ và bót Tân Bình, quận Phú Nhuận. Cuộc biểu tình có võ trang của Hóc Môn, Bà Điểm này được đánh giá là có sự tổ chức, được cổ vũ và yểm trợ của tổ chức võ trang địa phương.

Từ phong trào nhân dân tự võ trang...

Trên thực tế, việc tổ chức võ trang địa phương không phải đến cuộc biểu tình cướp chính quyền tháng 8-1945 mới có. Ngay từ những năm 1931, để hỗ trợ đấu tranh chính trị với địch và đặc biệt là khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, các đội du kích tập trung đã ra đời. Mặc dù còn thô sơ, non kém, không duy trì được nhưng đều là những nhân tố tốt, những tiền đề để xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang (LLVT) cách mạng.

Phong trào nhân dân tự võ trang xây dựng lực lượng phát triển đều khắp, mạnh mẽ bằng nhiều phương thức: phục kích đánh lẻ, cướp súng địch, mua lại của Nhật và cả... ăn trộm. Phong trào tham gia du kích rầm rộ, có nơi đã lập được bộ đội tập trung tới vài chục người, trang bị được từ 5 đến 10 súng. Khắp nơi, từ Tây Mỹ, Bình Lý, Mỹ Bình đến Tân Thới Nhì, Bà Điểm, Bà Quẹo, đã truyền nhau những cái tên anh Hai, anh Ba, đầy ưu ái: Lực lượng của Ba Tô Ký, Hai Của, Hai Bứa; trung đội Sáu Ngói; lực lượng của Tư Luốc, Sáu Bằng, Hai Chùa, Tư Thược, ban tiếp tế Năm Bi...

Sinh thời, tướng Tô Ký khi đánh giá về phong trào quần chúng cách mạng của Bà Điểm, Hóc Môn, đã nói: “Súng đạn thô sơ, lý lẽ đơn giản, tác phong chỉ huy thì mộc mạc, gia đình, nhưng lòng tin của họ vào tất thắng của cách mạng, tin vào Đảng thì gần như tuyệt đối. Họ chính là địa lợi, nhân hòa cho lực lượng cách mạng phát triển”.

... Đến giải phóng quân liên quận

Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp trở lại Sài Gòn. Ủy ban Hành chính buộc phải rút khỏi TP. Các lực lượng như Liên hiệp Công đoàn Sài Gòn, công nhân Ba Son, các lực lượng ngoại thành Hóc Môn, Bà Điểm, Nhà Bè kéo vào vừa chiến đấu, vừa rút lần ra vùng ven đô, hình thành thế trận bao vây và quần nhau với địch. Suốt hơn 2 tháng, địch không lấn nổi ra ngoại thành. Cùng lúc này, các lực lượng vô chính phủ, các sư đoàn tự phong rút chạy ra các vùng nông thôn, nhũng nhiễu phá hoại nhân dân, bắt dân tiếp tế...

Để tăng cường sức chiến đấu của LLVT, ngăn chặn sự phá hoại của những tổ chức vô chính phủ, đầu tháng 10-1945, tại một nhà dân ở chợ Hóc Môn, Tỉnh ủy Giải phóng và Xứ ủy đã quyết định thành lập LLVT thống nhất lấy tên “Giải phóng quân liên quận Hóc Môn, Bà Điểm, Đức Hòa”.

Mặc dù, Bà Điểm lúc đó chỉ là một xã của quận Gò Vấp, nhưng kể từ khi Đảng ra đời, Trung ương, Xứ ủy đều có cơ sở bí mật với nhiều hội nghị quan trọng, trong đó có Hội nghị Trung ương lần thứ 6, chỉ ra sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, tích cực xây dựng cơ sở chuẩn bị khởi nghĩa... Với vị trí chính trị trên mà xã Bà Điểm được chỉ đạo như một quận. Hội nghị quyết định cử các ủy viên quân sự, gồm: Trần Văn Trà, Tô Ký, Huỳnh Văn Một, Cao Đức Luốc.

“Tham Lương sương tuyết lạnh lùng”

Cuộc chiến tranh giải phóng kéo dài 30 năm, nhiều trận đánh vang danh trong lịch sử quân sự. Nhưng nhớ lại những trận đánh buổi ban đầu đó vẫn đầy tự hào. Trận đánh cầu Tham Lương với con mắt quân sự bây giờ thì thấy thường, nhưng hồi đó là rất lớn. Chiến sĩ, đồng bào Hóc Môn, Bà Điểm ai cũng biết bài ca vọng cổ mở đầu bằng câu “Mặt trận Tham Lương sương tuyết lạnh lùng...” mô tả sự gian khổ, lòng tự hào của chiến sĩ mặt trận. Lực lượng địch ở đầu cầu phía Sài Gòn, gồm bọn Anh, Ấn với đầy đủ vũ khí, có quân nhu tiếp tế đầy đủ. Lực lượng ta bên này, ăn đói nhịn khát; vũ khí thô sơ, nhưng vẫn kiên cường bám trụ.

Đại tá Hồ Thị Bi, người có mặt trong Giải phóng quân liên quận năm xưa, nhớ lại: Kết quả tác chiến của quân giải phóng tuy không lớn, nhưng đã ngăn chặn, kìm chân địch, không cho chúng phát triển lực lượng về hướng Tây Bắc Sài Gòn; tạo điều kiện cho các tổ chức kháng chiến có đủ thời gian chấn chỉnh các mặt, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới. Đồng thời giải giáp được các tổ chức vô chính phủ, hạn chế hoạt động của bọn tề điệp, gây được sự tín nhiệm trong nhân dân.

Từ phong trào nhân dân tự võ trang đến thành lập Giải phóng quân liên quận và sau đó là Chi đội 12 anh hùng, mảnh đất Hóc Môn, Bà Điểm đã trở thành nơi phát tiết, mở đầu trang sử của LLVT miền Đông Nam Bộ anh hùng.