Nước tương có 3-MCPD: Lại đổ lỗi cho nhau

Sau gần một tháng kể từ ngày bị cách chức chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM, chiều 4-10 ông Nguyễn Đức An đã gặp gỡ báo chí và thông tin một số vấn đề mới liên quan đến việc “ém nhẹm” thông tin nước tương có 3-MCPD vừa qua tại Sở Y tế TP.

Ông An nói việc mình bị cảnh cáo về mặt Đảng, cách chức về mặt chính quyền vì “không báo cáo kết quả thanh tra, không đề xuất biện pháp xử lý triệt để, không công bố công khai” vụ nước tương có chứa chất 3-MPCD là oan.

“Tôi bị vu oan”

Ông An dẫn chứng trong báo cáo tình hình phát hiện và xử lý nước tương có chất 3-MCPD ngày 28-5-2007 của Sở Y tế gửi lãnh đạo thành phố đã cố tình không đưa hai công văn số 4326 ngày 16-9-2005 và 4820 ngày 17-10-2005 (đều do ông Lê Trường Giang - phó giám đốc Sở Y tế TP - kí) về việc gia hạn thời gian công bố hàm lượng 3-MCPD đến ngày 30-2-2006 vào báo cáo. Ông An cho rằng ông Giang đã phát hiện chất 3-MCPD trong nước tương từ năm 2001, theo sát vụ việc cho tới khi Bộ Y tế ban hành qui định chất 3-MCPD trong sản phẩm nước tương vào tháng 3-2005.

Thế nhưng, trong khi đoàn thanh tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố đang trong thời hạn thanh tra (từ 12-8 đến 12-10-2005) và ông An đã báo ông Giang kết quả thanh tra nhiều mẫu nước tương có hàm lượng 3-MCPD cao quá mức cho phép, thì ngày 16-9-2005 ông Giang vẫn ký công văn gửi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) xin gia hạn thời gian công bố hàm lượng 3-MCPD cho các doanh nghiệp. Khi đợt thanh tra kết thúc, ngày 17-5-2005 ông Giang lại ký công văn 4820 với nội dung “Sở Y tế chấp thuận gia hạn thời gian công bố hàm lượng 3-MCPD đến 30-2-2006”.

Vì quyết định này nên thanh tra sở chỉ có thể ra quyết định xử phạt, nhưng không xử lý triệt để được. Cũng “nhờ” công văn này mà các doanh nghiệp sản xuất nước tương có điều kiện đưa ra thị trường nước tương có 3-MCPD cao quá mức cho phép để người dân sử dụng.

Ông An khẳng định với báo chí rằng ông Giang biết rất rõ nước tương đang lưu hành trên thị trường thành phố có chất 3-MCPD rất cao nhưng cố tình che giấu, ém nhẹm thông tin, coi quyền lợi của doanh nghiệp cao hơn sức khỏe người dân, nên không báo cáo với giám đốc sở và thường trực UBND TP để công bố công khai, cảnh báo cho người dân biết. Ông An dẫn chứng bằng cách lấy sổ tay làm việc ra đọc các nội dung ghi chép tại cuộc họp bàn lập đoàn thanh tra các cơ sở nước tương do ông Giang chủ trì vào ngày 2-8-2005 cho báo chí nghe.

Theo đó, tại cuộc họp này ông Giang đã chỉ đạo “mục đích của đợt thanh tra là nhằm ổn định dư luận xã hội, nên thận trọng không tiết lộ thông tin”.

Ông An cho rằng mình bị ông Giang vu oan, vì thanh tra sở chỉ có nhiệm vụ thanh tra phát hiện, xử lý vi phạm, còn việc công bố thuộc lãnh đạo sở, ở đây là ông Giang.

Ông Giang: “Tôi làm đúng”

Trong khi đó, trao đổi với báo chí chiều cùng ngày, ông Giang cho rằng ông đã làm đúng các qui định. Trả lời những vấn đề mà ông An đã nêu, ông Giang cho rằng cuối tháng 8-2005 Câu lạc bộ Nước chấm TPHCM có văn bản gửi UBND TP, Bộ Y tế, Sở Y tế, Sở Khoa học - công nghệ TP xem xét cho gia hạn thời gian công bố hàm lượng chất 3-MCPD trong nước tương từ 6-12 tháng để doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi công nghệ. Từ đề nghị này, ông Giang đã ký văn bản 4326 gửi Cục ATVSTP đề nghị xem xét theo đề nghị của Câu lạc bộ Nước chấm TP. Bốn ngày sau, Cục ATVSTP trả lời “Sở Y tế có thể xem xét gia hạn thời gian công bố thêm sáu tháng”.

Ông Giang cho rằng giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thế Dũng và cả ông An đều biết rất rõ việc cho phép gia hạn này. Vì trên công văn của Câu lạc bộ Nước chấm TP có bút phê của ông Dũng chuyển ông Giang giải quyết. Các công văn gửi đi đều có chuyển đến các thành viên trong ban giám đốc, trong đó có giám đốc sở để báo cáo. Khi được sự đồng ý của Cục ATVSTP, ông Giang đã bút phê trên công văn của cục: “Kính chuyển: nghiệp vụ y để ra thông báo gia hạn, thanh tra để lập kế hoạch thanh tra như đã chỉ đạo...”.

Sau đó ông Giang ký văn bản gửi Câu lạc bộ Nước chấm TP và các cơ sở sản xuất nước tương, xì dầu, dầu hào cho phép gia hạn thêm sáu tháng. Ông Giang khẳng định việc cho phép gia hạn thời điểm công bố hàm lượng 3-MCPD cho các doanh nghiệp không có nghĩa là cho phép các doanh nghiệp này được quyền sản xuất nước tương thế nào cũng được, không ảnh hưởng gì đến việc thanh tra, xử lý các vi phạm nếu có của doanh nghiệp, chỉ trừ khi chưa bị phạt về tội chưa công bố hàm lượng 3-MPCD.

Về việc vì sao không xin ý kiến của UBND TP, ông Giang cho rằng trong xử lý công việc, tùy tính chất của sự việc, nếu thuộc phạm vi giới hạn cho phép của Sở Y tế thì sở giải quyết. Nếu vượt quá tầm thì sở sẽ xin ý kiến Bộ Y tế hoặc UBND TP, hoặc xin ý kiến cả hai. Trong trường hợp này là công việc có tính chất kỹ thuật chuyên môn về ATVSTP nên thông thường sở sẽ hỏi ý kiến Bộ Y tế.

Ông Giang cũng cho rằng không phải ông cố tình không báo cáo về việc hai văn bản ông ký cho phép gia hạn thời gian công bố hàm lượng 3-MCPD mà do quá nhiều công việc nên ông không nhớ. Chỉ đến khi sau cuộc họp kiểm điểm về vụ chậm trễ công bố thông tin, xem lại báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP thì ông mới nhớ là có ký hai văn bản này.