Ở đâu cũng có “cơm tù”

PHÓNG SỰ.- “Cơm tù” giờ tinh vi hơn, có thể không rào chắn, giăng dây, nhưng ép khách ăn uống với giá “cắt cổ” cũng là dạng “cơm tù”

Hỏi chuyện một tài xế chạy xe tải xuyên Việt, ông nói: “Cơm tù”, ở đâu lại chẳng có. Nhiều nơi tinh vi, không còn hàng rào, dây chắn nhưng vẫn là dạng “cơm tù”, vì bắt ép khách ăn những thứ khách không muốn ăn với giá “cắt cổ”. Nhận xét của tài xế trên rất chính xác. “Cơm tù” đang biến tướng qua “cơm khủng bố!”. “Khủng bố” bằng nhiều cách: Khách không ăn thì bị nhân viên trừng mắt quát tháo, bắt phải mua thứ gì đó của quán có giá gấp 10 - 20 lần so với thực tế; ăn thì bị “chém đẹp”, đi vệ sinh phải trả tiền...

Bình Định: “Cơm tù” Hoài Nhơn nổi tiếng nhất

Chưa hung hãn đến mức đánh “thượng đế” đến chết như ở Bình Thuận nhưng “cơm tù” ở Bình Định cũng đang là vấn đề nhức nhối đối với hành khách. Trong đó các xã Hoài Thanh Tây, Tam Quan, thuộc huyện Hoài Nhơn là một trong những điểm nóng về “cơm tù”, “cơm khủng bố”. Tại đây, đồ ăn thức uống có giá trên trời, ăn một đĩa “cơm tù” khách phải trả 15.000 - 18.000 đồng, thậm chí 20.000 đồng. Hành khách nào không ăn cơm tại quán chí ít cũng phải trả cho chủ quán 3.000-5.000 đồng tiền vệ sinh. Ông Phan Thanh Ba (trú tại tỉnh Daklak) chưa hết hãi hùng khi kể lại cảnh xảy ra tại quán “cơm tù” có tên là Đông Phương ở thị trấn Tam Quan. Ông cho biết, ông vừa đi từ Đà Nẵng đến Daklak trên chiếc xe khách mang biển số 47V-0257. Xe đến thị trấn Tam Quan vào buổi trưa, hành khách được đưa thẳng vào quán Đông Phương. Nhiều người trên xe không muốn ăn cơm, muốn ra ngoài thì bị ba phụ nữ chặn lại. Ai cự nự liền bị một tên thanh niên cao lớn mặt mày hung dữ túm áo xô đạp, đẩy vào quán. Có 3 khách bị đạp ngã nhào, một số người già, phụ nữ bị lôi xềnh xệch vào quán. Tên thanh niên hung dữ quát bảo mọi người: “Ai không ăn thì uống, không được đi đâu ra khỏi quán”.

Ông Võ Nhật Tinh, Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, thừa nhận: Huyện rất quan tâm đến tình trạng các quán cơm bắt ép hành khách. Công luận cũng chỉ đích danh nạn “cơm tù” ở xã Hoài Thanh Tây. Chính quyền đã đưa những đối tượng bị phản ánh ra kiểm điểm, họ cũng nhận sai lầm và hứa sửa chữa nhưng đâu cũng vào đấy. Ông Võ Nhật Tinh khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra lại các quán cơm dọc đường quốc lộ. Nếu xã nào để tình trạng “cơm tù”, lãnh đạo xã đó phải chịu các hình thức kỷ luật thích đáng”.

Quảng Ngãi: Huyện Tư Nghĩa đi tiên phong dẹp “cơm tù”

Tỉnh Quảng Ngãi có 6 huyện, thị xã nằm trên tuyến Quốc lộ 1A. Trên địa bàn mỗi huyện có hàng chục quán cơm phục vụ hành khách đi xe đò, trong đó có những quán cơm được rào chắn bằng tre, song sắt bên ngoài, bên trong là nhân viên bảo vệ để “chăm sóc” khách. Khi chiếc xe đò vào quán là lập tức được các bảo vệ này “mời” một cách thô bạo bằng cách níu kéo ngồi vào bàn. Đó là chuyện cách đây vài năm.

Sau khi bị dư luận phản đối mạnh mẽ, chính quyền địa phương đồng loạt ra tay dẹp các quán “cơm tù”. Công an huyện Tư Nghĩa là đơn vị đi đầu trong công tác này bằng cách cử cán bộ chiến sĩ trà trộn vào đám côn đồ ở các quán “cơm tù” để bắt tận tay, truy quét triệt để các thành phần bất hảo.

Giờ đây các quán cơm trên địa bàn tỉnh hầu như đã chấm dứt tình trạng “cơm tù”. Tuy nhiên, từng lúc từng nơi thái độ của chủ cũng không mấy lịch thiệp với khách, hoặc bán đồ ăn thức uống với giá cắt cổ, khách không ăn thì bị “khủng bố” bằng nhiều hình thức, cũng là dạng “cơm tù”.

Thừa Thiên - Huế: 33 chủ quán cơm cam kết không... hành khách

Hành khách đi xe tốc hành Bắc-Nam khi ngang qua địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế thường được lái xe đưa đến ăn cơm tại thị trấn Phong Điền, thuộc huyện Phong Điền. Đây là “thị trấn cơm tù” nổi tiếng. Đầu năm 2002, tại quán cơm Phụng Hưng đã xảy ra cảnh cãi vã và xô xát giữa chủ và khách đi xe tốc hành. Rốt cuộc, quán cơm Phụng Hưng bị công an huyện xử phạt hành chính. Sau nhiều lần xử phạt các quán cơm vi phạm, bây giờ tình hình “cơm tù” trên địa bàn Phong Điền đã biến tướng, những hàng rào đã được dỡ bỏ, nhưng quán “cơm tù” vẫn còn nguyên là những quán “cơm tù”, chém đẹp, khủng bố hành khách.

Theo ông Nguyễn Văn Huy, Phó Công an huyện Phong Điền, sáng qua (2-1-2003), tất cả 33 chủ quán cơm dọc Quốc lộ 1A ở Phong Điền có mặt tại công an huyện để ký cam kết không... hành khách, phải có thái độ phục vụ tốt với khách hàng, không ép buộc khách đi xe phải vào ăn cơm ở quán. Đó là cam kết. Từ cam kết đến thực hiện là một khoảng cách chưa thể biết được.

Trách nhiệm chính: Chính quyền địa phương

“Cơm tù” là một tệ nạn kỳ quái; lộng hành đến độ đánh giết khách một cách dã man là điều không thể chấp nhận được. Để các quán “cơm tù” hoạt động công khai, trách nhiệm chính phải thuộc về chính quyền địa phương. Dư luận đang đặt ra yêu cầu: Phải dẹp ngay những quán “cơm tù”. Trách nhiệm của chính quyền địa phương là phải làm được điều đó.