Phá rừng... kiểu mới!
TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG.- Đó là nạn đào gốc cây rừng về làm bonsai đang diễn ra ở nhiều tỉnh Đông Nam Bộ
Vùng đất Ninh Thuận vốn cằn cỗi vì khí hậu khắc nghiệt đã hình thành nên những cánh rừng bonsai tự nhiên. Xuất phát từ những người chơi cây kiểng, ban đầu người dân ở đây vào rừng đào những gốc cây bồ đề, vạn tuế, ngũ gia bì, bằng lăng, da, sanh... đem về bán lẻ tẻ cho một số vườn bonsai ở thị xã Phan Rang – Tháp Chàm để kiếm sống. Gần đây, do nhu cầu của các cơ quan, nhà hàng, quán cà-phê... trong tỉnh và nhất là thị trường TP HCM, người dân ở đây đã có hẳn một nghề là nghề săn lùng những gốc cây có dáng cây cảnh trên rừng đem về để bán. Những năm trước, nghề mới này cũng chỉ giúp được cho những người dân nghèo ở đây sống qua ngày nhưng nay do lợi nhuận của nó đem lại rất lớn nên người ta đổ xô đi làm. Một gốc cây kiểng bonsai có 100 năm tuổi, dáng đẹp, lạ, có thể đem lại cho họ hàng chục triệu đồng. Chỉ cần một cái cuốc “đặc dụng”, cưa, thuổng... và một chiếc xe đạp nữa là có thể vào rừng hành nghề được rồi. Khác với kiểu phá rừng lấy gỗ, kiểu phá rừng làm cây bonsai là đào tận gốc, bất kể cây lớn hay nhỏ miễn là có kiểu dáng đẹp. Có dịp đi qua Quốc lộ 1 ở Ninh Thuận đoạn Cà Ná - Quán Thẻ, sẽ thấy ở đây hình thành nên một cái chợ cây cảnh tự nhiên. Hàng ngày cây cảnh được người bán mời chào cho khách qua đường rất nhiệt tình. Nhiều đầu nậu buôn bán gốc cây bonsai cảnh có đến cả hàng ngàn gốc cây rừng. Từ những chợ này, “rừng” Ninh Thuận được “chuyển” vào các khách sạn, nhà hàng ở TPHCM. Tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng số lượng người làm nghề đào gốc cây cảnh ở Ninh Thuận ngày càng gia tăng cùng với việc những gốc cây đại thụ có tuổi từ 50 đến 100 năm ngày càng hiếm hoi. Không chỉ ở Ninh Thuận, các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước... cũng đã xuất hiện nhiều điểm bán cây cảnh của rừng. Rõ ràng, cách phá rừng theo kiểu mới này đang đe dọa sinh thái rừng.
Bức xúc trước tình trạng đào gốc cây rừng làm cây cảnh bonsai, ông Đặng Hồng Văn - Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Ninh Thuận - cho biết: “Tình hình đào bới gốc cây rừng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên môi trường. Hậu quả của nó thật lớn so với nguồn lợi trước mắt từ việc buôn bán cây cảnh đem lại. Phải nói thẳng ra rằng không những cá nhân mà nhiều cơ quan Nhà nước đã mua gốc cây rừng về làm cây cảnh cho cơ quan. Ngành kiểm lâm phối hợp với tỉnh đã vận động bà con viết bản cam kết, tổ chức truy quét nhiều lần nhưng kết quả không cao”. Được biết, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận cũng đã phối hợp với địa phương tổ chức họp dân, tuyên truyền vận động những người làm nghề đào gốc cây rừng bỏ nghề, thu giữ gần 1.253 gốc cây cổ thụ các loại có kiểu dáng bonsai tại một số điểm... nhưng kết quả cũng rất hạn chế và rừng cứ tiếp tục bị tàn phá!