Phát hiện đường dây “bán” lao động qua ngả du lịch
ĐIỀU TRA.- Không có việc làm, đi lang thang, sống bất hợp pháp, không có tiền ăn, không có nơi ở, không có tiền mua vé máy bay về nước, bị cảnh sát bắt giam... Đó là thảm cảnh mà hàng trăm lao động VN đang gặp phải tại Malaysia. Điều đặc biệt ở chỗ, chỉ khi sang đến nước bạn họ mới biết mình bị lừa bởi một chiêu thức mới của bọn bất lương: Du lịch tìm việc.
Những tháng cuối năm 2002, ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận rộ lên thông tin: Muốn đi lao động tại Malaysia nhanh nhất là bằng con đường du lịch. Nhiều người còn rỉ tai nhau rằng đi bằng đường này thu nhập còn cao hơn đi qua các công ty của Nhà nước vì không phải nộp phí quản lý. Vậy là hàng trăm người lũ lượt rủ nhau tìm đến một số cá nhân và công ty TNHH để được đi lao động tại Malaysia.
Giấc mơ đổi đời
Chị Nguyễn Thị Lý Lan, ở tổ 15, phố Đoàn Kết, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), đã nộp cho ông Khổng Ngọc Oanh (người cùng phường) 1.600 USD để đi lao động tại Malaysia. Ông Oanh cam kết: “Khi tới sân bay Malaysia sẽ có người đón tiếp, bảo lãnh cư trú hợp pháp 3 năm và bố trí việc làm ổn định 3 năm liên tục với mức lương tối thiểu là trên dưới 4 triệu đồng/tháng. Nếu không đảm bảo được những việc trên, chúng tôi sẽ có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền này”. Theo tính toán của người lao động, bỏ ra hơn 20 triệu đồng thì với thu nhập như trên, sau 3 năm làm việc ở xứ người, họ sẽ có trong tay hơn 100 triệu đồng làm vốn. Đối với những người có thu nhập thấp, đây quả là một số tiền không nhỏ.
Cùng suy nghĩ như chị Lý Lan, hàng trăm người ở Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Tây, Thái Bình, Hà Tĩnh... đã nộp cho một số tổ chức và cá nhân bình quân từ 20 đến 30 triệu đồng/người. Chỉ vài ngày sau, họ đã được lên đường sang Malaysia với giấc mơ đổi đời.
Những tổ chức và cá nhân có dấu hiệu lừa đảo 1. Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Đông Phương, địa chỉ 112 A Phố Hai Bà Trưng, Hà Nội. 2. Công ty TNHH Du lịch Ngọc Thảo, địa chỉ phòng 701, tầng 7 khách sạn Fortuna, số 6B Láng Hạ, Hà Nội. 3. Quách Trọng Ba, trú tại phòng 309-A2 ngõ 104 đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội. 4. Nguyễn Văn Nghĩa, quê ở thôn Văn Giang, xã Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây. 5. Phạm Thị Mí, trú tại 94A2B đường Thanh Nhàn, Hà Nội. (Nguồn: Cục Quản lý lao động với nước ngoài) |
Thảm cảnh ở “miền đất hứa”
Cùng với hàng chục lao động khác, chị Nguyễn Thị Lý Lan được đón tiếp tận sân bay rồi đưa về nghỉ tại một khách sạn của người Hoa. Sau vài ngày được đưa đi chơi, một hôm có người đến đưa cả nhóm đi, nói là đi tìm việc làm. Đến một thị trấn nhỏ, cả nhóm phải đóng giả làm người Mã Lai để được nhận vào làm ở một nhà máy mỗi khi nhà máy có nhiều việc. Chị Lan cho biết: “Ba tháng trời mà chúng tôi chỉ được đi làm có 8 ngày. Lương chủ trả qua người môi giới nhưng người này cũng biến mất luôn, bỏ mặc cả nhóm không có một đồng dính túi”. Nhẫn tâm hơn, người môi giới còn cầm luôn cả hộ chiếu, khiến nhiều người không còn giấy tờ tùy thân. Đói quá, một số anh em phải đi vặt trộm chuối xanh, đu đủ về luộc ăn.
Cũng như nhóm của chị Lan, nhóm của anh Nguyễn Văn Miêng, ở xã Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây, được một người tên Tuấn đón tại sân bay. Sau vài ngày, Tuấn “bán” lại nhóm người này cho một người tên Trung. Trung đưa nhóm người này đến một công trường xây dựng “bán” cho chủ công trình. Sau một thời gian làm việc cực nhọc từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm, khi hết hạn thị thực, họ bị chủ đuổi ra đường mà không được trả một đồng xu nào. Tên Trung cũng bỏ trốn mất dạng. Không còn cách nào khác, họ phải tìm đến Đại sứ quán VN tại Malaysia để cầu cứu. Theo thông tin từ ban quản lý lao động tại Malaysia, có hôm lên đến hơn 100 người tìm đến ban cầu cứu.
Chấp nhận ngồi tù để được sống
Cùng đường, nhiều người đã phải tìm đủ mọi cách để sống. Đi rửa bát thuê, dọn vệ sinh cho các gia đình, bốc vác ở cảng, lau cửa kính các nhà cao tầng... là những công việc mà họ buộc phải làm. Đói khát và luôn phải trốn chạy khiến những người đi “du lịch tìm việc” này đều khao khát được trở về nhà. Ngặt một nỗi, mỗi ngày quá hạn visa lại bị phạt 10 USD. Những người quá hạn visa từ 2 đến 3 tháng thì hầu như không thể có khả năng trở về vì đa phần gia đình họ đều nghèo, không có tiền gửi sang cho họ về nước.
Cách đây vài ngày, chị Lý Lan gọi điện về nhà thông báo sẽ ra sân bay mua vé về nước. Mặc dù số tiền không đủ nộp phạt nhưng chị nói rằng nếu không được thì chấp nhận để cảnh sát bắt, bị cầm tù còn hơn phải sống một cuộc sống luôn đói khát và nơm nớp lo sợ.
Ông Trần Văn Hằng - Cục trưởng Cục Quản lý lao động với nước ngoài: Đi lao động qua con đường du lịch là bất hợp pháp Theo quy định của pháp luật VN thì chỉ có các doanh nghiệp có giấy phép do Bộ LĐ-TB-XH cấp mới được phép đưa người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tất cả các tổ chức, cá nhân không có giấy phép trên mà đưa lao động ra nước ngoài làm việc là đã vi phạm pháp luật. Người lao động đi du lịch để tìm việc thì dù có tìm được việc vẫn trở thành người cư trú bất hợp pháp và sẽ bị đuổi về nước bất cứ lúc nào. Vì vậy, nếu ai có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài hãy tìm đến đúng địa chỉ của các doanh nghiệp được phép đưa lao động ra nước ngoài làm việc để tránh bị lừa đảo. M.Đức |
Lộ mặt những kẻ lừa đảo
Theo đơn tố cáo của anh Trịnh Văn Tuyến, ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây, thì anh được ông Nguyễn Văn Nghĩa, ở thôn Văn Giang, xã Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây, đứng ra “lo liệu” cho anh được đi lao động ở Malaysia. Ngày 17-11-2002, theo chỉ dẫn của ông Nghĩa, anh Tuyến đã mang nộp 1.500 USD tại địa chỉ tầng 7, phòng 701 khách sạn Fortuna, 6B Láng Hạ, Hà Nội. Sau đó, ông Nghĩa đã dẫn anh Tuyến đến khách sạn của Bộ Quốc phòng và giao cho ông Quách Trọng Ba. Ở đây, ông Ba đã dặn dò những người chuẩn bị đi rằng: “Ra sân bay nếu có ai hỏi thì bảo rằng chúng tôi là công nhân xây dựng của Công ty Vinaconex được công ty tổ chức cho đi du lịch theo Công ty Ngọc Thảo”. Nhưng khi anh Tuyến đến kiểm tra thông tin tại Công ty Ngọc Thảo thì ban lãnh đạo công ty này đã cương quyết phủ nhận thông tin trên.
Hai anh Tạ Văn Đức, ở Nam Định, và Nguyễn Văn Phái, ở Ninh Bình, đi theo Công ty TNHH Đông Phương do bà Nguyễn Thị Bích Thủy làm giám đốc với số tiền 2.000 USD/người. Bà Thủy lại giới thiệu hai người này đến gặp ông Quách Trọng Ba để lặp lại quy trình như trên. Ông Ba không phủ nhận thông tin trên nhưng lại giải thích rằng đó là ông đã “giúp đỡ người lao động chứ không hề lừa đảo họ” (?!) Điều đáng nói là trong số những người đã đi theo đường dây của ông Ba đã có một người bị chết tại Malaysia và chính ông Ba đã phải sang mang lọ tro về.
Một chân rết nữa là bà Phạm Thị Mí, ở 94A2B đường Thanh Nhàn, Hà Nội, mà anh Nguyễn Quốc Tiệp, ở thị trấn Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, đi với giá 1.700 USD. Anh Tiệp cùng 23 người nữa cũng lại được ông Ba đưa đi qua Thái Lan để đến Malaysia.
Vụ việc đã rõ, vấn đề còn lại là trách nhiệm xử lý của các cơ quan chức năng để thực thi pháp luật đồng thời giúp đỡ, bảo đảm an toàn, tạo điều kiện cho những người lao động đang gặp nạn ở Malaysia được trở về nước.