Phố “chúa chổm”
Hàng ngàn hộ dân tái định cư đang mất ăn mất ngủ vì không có khả năng thanh toán nợ tiền đất do trước đây họ phải mua đất quy theo giá vàng. Lúc đó, giá vàng chỉ khoảng hơn 500.000 đồng/chỉ, nay đã lên hơn 1,8 triệu đồng/chỉ
Trở lại phường An Hải Tây (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), địa phương đi đầu trong thời kỳ đền bù giải tỏa, tái định cư từ năm 1997. Khu vực này, sau 10 năm mở ra một bộ mặt mới. Nhưng đằng sau những dãy phố khang trang là những gia đình không biết đến bao giờ mới thoát khỏi số phận con nợ.
Nợ vì giá vàng tăng
“Năm 1998, gia đình tôi dọn về đây, vàng chỉ có 420.000 đồng/chỉ, mua đất hồi nớ còn nợ 50% là 9 triệu đồng, chừ quy ra vàng hơn 30 triệu đồng tiền nợ, tôi hết làm nông, con trai làm thợ mộc, con dâu buôn bán, biết trả cái chi chừ”- bà Đỗ Thị Tương (An Hải Tây) ngậm ngùi than thở. Chị Phạm Thị Tâm cho biết gia đình chị cũng nợ 50% tiền đất vào năm 1998 là 11,5 triệu đồng, nhưng nay số nợ đã lên gần 40 triệu đồng. Trong khi, hoàn cảnh gia đình chị thật khó khăn, chồng mất khi chị có mang 8 tháng. Nay hai mẹ con may giày, buôn bán lặt vặt chỉ đủ sống. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng trăm người ở Đà Nẵng phải bán nhà để trả hết nợ mua đất quy đổi ra vàng, theo chủ trương của TP Đà Nẵng trước đây. Ông Ngô Sỹ Kiến Trúc, Phó Chủ tịch UBND phường An Hải Tây, khẳng định: “Sau 10 năm nợ tiền đất, gần 20% số hộ dân trả hết nợ đã phải bán nhà”.
Nhiều hộ xin cứu xét khẩn cấp
Ở một con phố 3,5 m thuộc tổ 30, An Trung 2 (quận Ngũ Hành Sơn), mấy mẹ con bà Huỳnh Thị Đấu vừa dựng tạm một mái nhà bằng tôn, phên trên nền đất... bỏ không của một ai đó. Còn ngôi nhà mà gia đình bà dọn về 10 năm trước đã phải bán để trả nợ đất. UBND phường An Hải Tây đang thống kê những hộ nợ tiền đất trong chương trình tái định cư. Chỉ riêng khối An Trung đã có gần 250 hộ có đơn “xin cứu xét khẩn cấp”, khối An Mỹ không dưới 300 hộ xin gia hạn trả nợ. Số tiền nợ đất quy ra vàng trước đây, nay đã tăng gần 3,5 lần theo thời giá. “Cơn lốc” tái định cư đã cuốn đi 50% dân bản địa An Hải Tây sang các phường An Hải Bắc, Phước Mỹ, Mân Thái... sinh sống, 50% còn lại tập trung chủ yếu ở 2 khối phố An Trung, An Mỹ với những khu phố nhỏ, đường rộng 3,5 m, vỉa hè 0,8 m. Mười năm trước, họ chỉ là những ngư dân, nông dân chỉ biết bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Họ không hiểu biết về thị trường địa ốc. Khi tái định cư, để nợ tiền đất ít, họ chọn những khu đất nhỏ, trong những con đường nhỏ. Đến nay, những khi trà dư tửu hậu, tại những con phố mới 10 năm tuổi này, nhiều người vẫn chép miệng thở dài: “Giá như hồi đó tôi liều bốc miếng đất ngoài đường Trần Hưng Đạo, thì chừ bán đi cũng kiếm được một mớ tiền”.
Rất khó thuê nhà chung cư
Ông Võ Quang Đức, tổ trưởng tổ dân phố 82, khu chung cư Hòa Minh, Hòa Phú 4, cho biết mỗi khu chung cư có 36 hộ thì có đến khoảng 30 hộ đã sang tay quyền thuê lại cho những người khác với giá 70-80 triệu đồng/căn hộ. Ký lại hợp đồng thuê nhà là vấn đề nan giải đối với bà con khu vực này, vì đa số người dân ở đây đều nghèo, thường xuyên nợ tiền thuê nhà. Như hộ anh Đức còn nợ 9 triệu đồng tiền thuê nhà, anh xin trả nhiều lần để được ký lại hợp đồng thuê nhà, nhưng không được chấp thuận. Không có hợp đồng mới thuê nhà, nợ chưa trả, người thuê bị phạt tiền lũy tiến. Nợ cứ chồng nợ. Theo phản ánh của người dân vùng giải tỏa, để thuê được nhà chung cư họ phải “chung chi” mới mong kiếm được một suất. Nếu còn cứ cầm đơn xin xét theo diện chính sách nằm trong vùng giải tỏa thì không dễ tìm được chỗ ở.
Đào tạo nghề chưa phù hợp Trước đây 2 năm, UBND TP Đà Nẵng ban hành đề án “Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm ổn định đời sống người dân tái định cư ”. Theo Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng, từ 2006 đến nay, TP đã bỏ ra gần 9 tỉ đồng cho vay để giải quyết việc làm, kinh phí dành cho đào tạo nghề cũng không thiếu. Trong khi đó, nhu cầu lao động có nghề của các đơn vị, doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng đủ. Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng, thừa nhận việc đào tạo nghề cho lao động diện tái định cư chỉ mang tính cấp thiết, đào tạo các nghề đơn giản. Khi đi làm, lao động qua các khóa đào tạo này chỉ có mức lương 800.000 đồng - 1 triệu đồng/tháng, không hấp dẫn lao động diện tái định cư. Trong khi đó, hiện nay, tiền công phụ hồ đã 70.000 đồng/ngày, thợ chính 100.000 đồng/ngày. Còn nếu muốn học nghề trình độ cao hơn như trung cấp, cao đẳng nghề thì lao động tái định cư phải tự lo chi phí , TP chưa có chủ trương hỗ trợ. |