Phóng sự - bút ký: “Máu của đất trời”

Ở giữa thị trấn nhỏ Yên Thế (Lục Yên, Yên Bái) có một cái chợ bày bán công khai mặt hàng đã một thời cuốn theo bao mồ hôi, nước mắt, cả máu của con người: Đá đỏ.

img Thực tế: Chợ đá quý trở thành một phần trong nhịp sống của huyện vùng cao Lục Yên. Đá quý đang ngày càng trở nên hiếm nhưng với mấy nghìn người trót quen với nghề làm đá, tìm cho được một việc làm khác để chuyển nghề là điều khó khăn. Và vì vậy, chợ đá quý sẽ vẫn nhộn nhịp, dù chỉ từ sáng cho tới gần trưa...

Dân Yên Bái thường nói: Đá đỏ là giọt máu tinh túy của trời đất, bởi vậy, mỗi lần có một viên đá lớn lộ thiên do loài người đào bới là một lần đất trời rung chuyển. Chẳng biết thực hư thế nào nhưng từ khi đá quý được phát hiện ở Yên Bái, biết bao kiếp người thăng trầm theo tiếng gọi của “hồn đá”. Có kẻ thành tỉ phú rồi lại trắng tay, nhiều thanh niên trai tráng đào hố sâu hàng chục mét rồi vĩnh viễn ở lại luôn dưới đó, dù chưa một lần được thấy viên đá đỏ...

Lên coi đá đỏ Lục Yên.- Người ta chính thức tìm thấy đá đỏ ở Yên Bái vào năm 1988 -1989, cùng với sự ra đời của rất nhiều “huyền thoại”, cả rùng rợn lẫn bi thương. Bên cạnh công việc của giới “thạch tặc” chính hiệu ở rừng và những “thạch tặc nghiệp dư”, tại Yên Bái từ lâu đã xuất hiện một đội ngũ buôn đá đỏ đông đảo. Vào thời cao điểm, số đối tượng này lên đến trên dưới 6.000 người! Theo sự phân công lao động khá rạch ròi, vòng quay của đá bao giờ cũng bắt đầu từ dưới đáy hầm, dân buôn thường lân la đến tận các bưởng để tìm mua. Sau đó, đá được được phân loại, hàng nhỏ lẻ sẽ đi vào thị trường tự do, những viên “có giá” hoặc cao cấp đương nhiên là vào túi mấy “đại gia” có nguồn cầu lớn, vẫn hay qua lại các tiệm kim hoàn lớn tọa lạc trên các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Đào... ở Hà Nội. Đá đỏ Việt Nam từ đây phần lớn được bán sang Thái Lan qua kiểu trao tay. Trước, từng có một “đại gia” sang hẳn Mỹ du ngoạn, tiện thể tìm nguồn tiêu thụ. Bây giờ, người đó đã trắng tay do cái vận bạc của nghề đá nhưng được biết, tại Yên Bái, nay đã xuất hiện một “bà lớn” khác mạnh hơn, có khả năng chi phối hoàn toàn sự lên, xuống giá đá đỏ của cả vùng!

Thời hoàng kim nhất của các mỏ đá quý ở Yên Bái cách nay đã 6 - 7 năm nhưng đến nay, khoảng trên dưới hai nghìn người vẫn trực tiếp hay gián tiếp gắn bó với nghề đá, tập trung đông đảo nhất ở thị trấn Yên Thế của huyện Lục Yên. Lên đây, cứ nhìn thấy người nào suốt ngày phóng xe máy lượn quanh, giữa ban ngày nhưng bên mình lúc nào cũng kè kè chiếc đèn  pin Trung Quốc thì đích thị họ là dân buôn đá đỏ. Đá đỏ có đến mấy chục loại, chia ra theo màu sắc, loại hình lại càng rối rắm nên loại đèn này là dụng cụ phổ biến dùng để thử độ tinh khiết của đá.

Hồng ngọc (ruby) có 4 cấp chất lượng (A, B, C, D) tùy theo màu sắc. “Hoàng đế” của các loại ruby, hiếm và cũng đắt tiền nhất, là những viên có màu đỏ tuyền như máu của chim bồ câu, không pha bất kỳ một sắc nào khác (cấp A). Sau đó đến đỏ đậm (cấp B). Cấp C gồm những viên đá đỏ nhưng có ánh phớt nâu, phớt tím hay phớt vàng. Cuối cùng là ruby có màu hồng hoặc đỏ nâu, đỏ tím, đỏ tía. Trong bốn cấp độ kể trên, giá trị mỗi viên ngọc còn được xác định theo độ tinh khiết. Một viên ruby trong suốt to trên 8 mm sau khi đã chế tác, theo giá chuẩn thế giới có thể bán được tới 4.800 USD/1 carat (1 carat = 1/5 gram)! Quý hiếm không kém phần hồng ngọc là bích ngọc (saphia), cũng được chia làm bốn cấp tương tự. Tuy cấp chia như vậy nhưng tại mỏ đá, giới “thợ đá” Yên Bái, để chớp nhoáng mua được một viên “có hậu”, giá cả chủ yếu phải quyết định ngay chỉ bằng trực quan, kinh nghiệm! Vì hợp chất cấu thành đá đỏ đơn giản nên chuyện đá thật đá giả ở Lục Yên đã trở nên khá quen thuộc.

Thật giả lẫn lộn.- Theo các chuyên gia ở Công ty Kinh doanh vàng bạc - đá quý Việt Nam, giữa đá đỏ thật và đá đỏ giả giống nhau cả về độ cứng và tính chất vật lý, thậm chí, hàng giả còn có độ trong suốt đều hơn hàng thật! Muốn giám định chính xác phải có kính hiển vi và máy phát tia cực tím cùng hàng loạt máy móc phụ trợ khác như quang phổ kế, máy phân cực ánh sáng, cân tỉ trọng v.v... Tuy phải dùng nhiều loại máy như vậy mới có thể phân biệt một cách chính xác nhưng ở Lục Yên, không kính hiển vi, lại càng không có máy đo bức xạ nhưng hỏi dân buôn đá đỏ, tất cả đều tin vào chiếc đèn pin Trung Quốc và kinh nghiệm của mình. N.V.Đồng - người đã nhận “bảo kê” dẫn tôi đi tìm hiểu nghề đá - quả quyết: “Cắt nghĩa thì chịu nhưng chỉ cần nhìn đá đỏ giả là tớ biết liền!”. Chính sự tự tin này đã không ít lần làm những tay thợ cầm đá từ lúc hơn mười tuổi phải nhiều vố muốn cắn lưỡi vì mua phải ngọc kém chất lượng, thậm chí ngọc giả. Việt Nam chưa sản xuất được kim cương hay đá đỏ nhân tạo nhưng mặt hàng này vẫn được nhập về từ chợ Chanthanabury nổi tiếng về đá quý của Thái Lan. Nó đã làm cho không ít thợ đá Việt Nam tán gia bại sản hay ít nhất là bị một vố đau nhớ đời.

Mịt mờ chợ đá.- Giữa trung tâm thị trấn Yên Thế từ lâu đã xuất hiện cái chợ độc nhất bày bán công khai đá quý. Ban đầu do tự phát, sau đó được chính quyền cho phép, chợ đá quý Lục Yên đã chính thức ra đời. Nằm không xa trụ sở ngân hàng, kho bạc, UBND huyện, chợ đá quý trông còn khang trang hơn rất nhiều các chợ cóc dọc đường lên Yên Bái mà tôi nhìn thấy. Không họp phiên mà mở hàng ngày, cứ tầm tinh mơ từ 6 giờ rưỡi đến 8 - 9 giờ sáng, tùy nhu cầu giao dịch, người ta ùn ùn kéo đến. Tiếng người mặc cả, trao đổi hàng rộ lên từng đợt. Không khí khá trầm, nhiều khi chỉ thấy người bán thì thầm, người mua lúi húi săm soi xem hàng rồi trả tiền, đứng dậy sang phản khác. Câu chuyện dường như chỉ được bừng tỉnh khi có những thông tin mới về một viên đá cực đẹp nào đấy, đại loại như: “Thằng M. mới “tia” được một viên ruby sao bằng cái chén, đem lên Hà Nội ngay rồi”, hay: “Bọn thằng P. bới cái khe đá, nhặt được viên cỡ phải 70 - 80 triệu là ít”...

Tôi đến chợ đá quý Lục Yên từ sớm. 7 giờ, quang cảnh đã bắt đầu chộn rộn, các cô các chị chủ hàng từ bốn phía tất tả đi tới, người nào cũng với một dụng cụ như nhau: chiếc bàn gấp con con cộng với cái túi xách nhỏ kè kè bên cạnh. Từ các quán ăn sáng, những chiếc xe máy, đa phần là Win, Dream, Min, bên trên là những người túi quần căng phồng giắt chiếc đèn pin có bóng đèn nhỏ xíu, lục tục đỗ xịch vào bãi. “Ở đây không cần gửi xe, có mỗi một đường độc đạo ra ngoài nên không thằng nào dám ăn cắp” - Đồng trấn an tôi về an ninh tại chợ đá quý.

Bắt đá... đổi màu.- Ghé vào chỗ một chị trông hiền lành và có lẽ trẻ nhất chợ, tôi nán đợi chị đặt chiếc bàn nhỏ xuống đất, lôi từ túi ra ba lọ nhựa bên trong toàn hàng lai thai (đá vụn). Hỏi giá một viên hồng ngọc màu đỏ thẫm, cỡ 3 carat, chị bảo: “Viên này tớ mới mua hôm qua, có người trả 200.000 chưa bán”. Được bổ túc kinh nghiệm một lần đi chợ Tàu, tôi trả xuống 100.000. Đôi co, giá cuối cùng: 120.000 đồng! Tiền trăm mua được một viên đá đỏ trông cũng đẹp, tưởng rẻ, ai ngờ lúc quay lại hỏi Đồng, tôi mới té ngửa: “Viên này cho tớ cũng không lấy, quay lại đổi!”. Thấy Đồng, chị bán hàng vui vẻ cho đổi lại ngay: “Em lấy hàng đẹp trong này, hàng bày ngoài chỉ để quảng cáo cho vui mắt thôi”. Vừa nói chị vừa móc trong chiếc túi da ra một gói nhỏ, được bọc kỹ. Đồng ghé sát nhìn, tiết lộ thêm một kinh nghiệm: “Những viên đá dù ruby hay saphia mà được mài theo hình khum (một nửa hình bầu dục) thường là chất lượng kém, độ bóng chẳng qua là nhờ đã rửa qua dầu xả tóc. Viên đẹp bao giờ cũng được mài theo hình đa giác”... Nhờ sự cố vấn của Đồng, cuối cùng, tôi cũng mua được một viên bích ngọc xanh dương chỉ với giá 60.000 đồng. Rõ ràng các chị bán hàng ở chợ đá quý chỉ cười thật tươi khi gặp mấy ông Tây lên Lục Yên du lịch, tiện mua đá đỏ về làm kỷ niệm...

Dù đến nay, mọi hoạt động khai thác, buôn bán đá quý ở Yên Bái không còn cảnh những đại ca mang “đồ lạnh” thăm viếng khắp nơi như xưa nhưng những tiểu xảo trong nghề này không vì vậy mà tàn lụi. Rất tình cờ, tôi may mắn được biết, giới thương buôn đá đỏ, ngoài khả năng chế tác tại chỗ, che lấp những vết rạn của đá và cách “chào hàng” đặc biệt, còn có nhiều thủ thuật đáng “đồng tiền bát gạo” khác. Trong đó, đặc biệt nhất là cách bắt đá phải... đổi màu! Từ những viên đá màu trắng cháo vô hồn, nếu biết kỹ thuật dùng đèn khò đốt với nhiệt độ, thời gian và chất xúc tác nhất định, giới thợ có thể làm đá chuyển sang... màu hồng tinh khiết. Dân buôn có khả năng dùng chất phụ gia để biến một viên đá đỏ thành bất cứ một màu nào nếu muốn. Tùy khách mà đá đỏ được thiên biến vạn hóa, chỉ có người tiêu dùng là phải khốn đốn, cầu cứu sự hỗ trợ của nhiều loại máy móc mới mong phân biệt được “bách nghệ” của dân buôn đá. Và trong một số trường hợp, khi phân định được hàng thì đã muộn mất rồi!...