Quận 7 sẽ là đô thị sầm uất nhất phía Nam TP

PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ.- 50 dự án xây dựng các khu dân cư được triển khai; mỗi năm gần 10.000 lao động được giới thiệu việc làm. Năm năm đã qua kể từ ngày quận 7 tách khỏi Nhà Bè để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa cho cụm phía Nam TP. Thời gian đó đủ để cho một quận mới tự khẳng định mình.

Những đòn bẩy quan trọng

Ông Tư Lân (Huỳnh Văn Lân) ở ấp 2, phường Phú Mỹ, một nông dân có mấy chục năm gắn bó với vùng đất này, tự hào cho biết giờ thì ai cũng biết quận 7 “của tui” có Khu Chế xuất Tân Thuận, khu Nam Sài Gòn thiệt lớn. Ông còn nói, trước bà con của ông ai nghe đến quận 7 cũng le lưỡi, lắc đầu vì đường sá tối tăm, lầy lội. Thật vậy, ở thời điểm chưa tách quận, toàn quận 7 chưa có một con đường nào... ra hồn. Bây giờ thì đã khác. Hàng chục con đường mang tầm chiến lược được xây dựng. Gần 50 dự án xây dựng các khu dân cư với trên 1.300 ngôi nhà mới mọc lên thay cho những căn nhà lụp xụp ngày nào. Chưa kể đến nhiều kho bãi, cảng sông với diện tích lớn được hình thành... Ông Nguyễn Thanh Triều, Phó Chủ tịch UBND quận 7, nhận định: Đây chính là những đòn bẩy rất quan trọng giúp quận 7 chuyển mình một cách nhanh chóng.

Con chữ, cái nghề được ưu tiên số một!

Với tốc độ phát triển chóng mặt, việc học chữ và đào tạo nghề cho người dân được quận đưa lên hàng đầu. Năm 1997, lãnh đạo quận còn lo lắng không biết làm sao để xóa mù chữ cho người dân, thì đến nay, 8/10 phường đã được phổ cập THCS. Việc xét cấp đất cho các giáo viên, CB-CNV để họ có thể yên tâm công tác là một minh chứng cụ thể. Hiện quận đã xét cấp từ 60 - 80 m2 đất/người cho gần 40 giáo viên về giảng dạy tại quận. Chương trình này sẽ tiếp tục được áp dụng cho các đối tượng như kỹ sư, bác sĩ... Sinh viên đại học của quận, nếu không có đủ điều kiện sẽ được cho vay học phí trong suốt những năm đi học. Toàn bộ học sinh khó khăn đều được huy động đến trường mà không cần đóng một khoản học phí nào. Do diện tích đất nông nghiệp giảm mạnh (chỉ còn khoảng 20% tổng diện tích), thanh niên trong những gia đình có truyền thống làm nghề nông đều được quận vận động học nghề, bổ túc văn hóa và giới thiệu việc làm miễn phí hoàn toàn. Mỗi năm, gần 10.000 lao động trên địa bàn quận đã được giới thiệu việc làm. 341 doanh nghiệp trên địa bàn quận cùng với Khu Chế xuất Tân Thuận đã góp phần rất lớn giải quyết công ăn việc làm cho gần 50.000 lao động.

Còn nhiều hứa hẹn

Ông Nguyễn Thanh Triều cho biết, quận 7 đang quy hoạch một đội ngũ cán bộ trẻ năng động và có năng lực. Đây là đối tượng tuyển chọn gắt gao và được đào tạo một cách bài bản nhất. Bên cạnh đó, nhiều công trình hứa hẹn sẽ được triển khai trong thời gian ngắn nhất như: Khu trung tâm thương mại và nhà ở phường Tân Phong rộng trên 30 ha, cảng du lịch quốc tế Bình Thung với quy mô gần 5 ha, cảng thương mại rộng hơn 20 ha tại sông Ông Lớn... Đặc biệt, TP đã có phương án xây dựng ba cây cầu Tân Thuận 2 (nối với quận 4), Kênh Tẽ (nối quận 1, 4) và Phú Mỹ (vượt sông Sài Gòn, nối quận 7 và bán đảo Thủ Thiêm) sẽ phá vỡ thế độc đạo của cây cầu Tân Thuận hiện hữu, góp phần biến quận 7 trở thành một khu đô thị sầm uất nhất ở khu vực phía Nam TPHCM.