Quyền hạn của HĐND và UBND đã được “luật hóa”
PHÁP LUẬT.- Về một số điểm mới bổ sung trong dự án Luật Tổ chức HĐND và UBND như quy định chức danh chủ tịch HĐND, UBND không được giữ chức quá hai nhiệm kỳ. Nếu giữa nhiệm kỳ mà khuyết chức danh chủ tịch UBND thì HĐND có thể bầu người khác, không nhất thiết phải là đại biểu HĐND
Cần quy định rõ quy mô của các cấp Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự luật, Dự thảo luật vẫn chưa phân biệt được chức năng, nhiệm vụ của chính quyền đô thị và nông thôn. Dự luật cũng chưa làm rõ sự khác nhau về tổ chức cũng như nhiệm vụ của mỗi cấp trên cơ sở quy mô, đặc điểm mỗi đơn vị hành chính: Cũng là cấp tỉnh, nhưng có địa phương dân số 3 - 5 triệu, nơi khác chỉ vài trăm nghìn; hoặc cấp xã, có nơi gần 50.000 dân, vùng sâu có khi chỉ 150 dân.
Sáng 12-5, Quốc hội nghe báo cáo về tình hình thế giới hiện nay của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Vũ Đức Khiển đọc tờ trình dự thảo sửa đổi, báo cáo thẩm tra hai dự án: Luật Tổ chức HĐND và UBND, Luật Bầu cử đại biểu HĐND.
Vẫn thiếu quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ
Theo tờ trình, dự án Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) gồm 5 chương và 68 điều, trong đó có 17 điều mới, 27 điều được sửa đổi, bổ sung và giữ nguyên 24 điều. Điểm mới thể hiện rõ nhất trong dự án luật lần này là so với luật hiện hành (ban hành năm 1996), dự án luật đã “luật hóa” các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn chung cho HĐND và UBND các cấp. Điều này giúp thể hiện tính phân cấp, có tính đến đặc thù của đơn vị hành chính đô thị và nông thôn; tập trung vào các lĩnh vực: kinh tế, ngân sách, đất đai, văn hóa, giáo dục - y tế, an ninh quốc phòng, tổ chức bộ máy, quản lý biên chế hành chính - sự nghiệp... Riêng HĐND TP trực thuộc Trung ương có thêm quyền hạn về quyết định biện pháp phát huy vai trò trung tâm kinh tế - xã hội của đô thị lớn trong một số lĩnh vực như: quy hoạch xây dựng, phát triển kiến trúc, hạ tầng; trật tự công cộng, giao thông, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ; quản lý dân cư; phòng chống tệ nạn xã hội... Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng, cần phải cân nhắc để quy định rõ hơn trong luật, tránh tình trạng ghi lại một cách cơ học những quy định của pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND và UBND ở mỗi cấp. Đặc biệt, nhiều nội dung lớn liên quan đến tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND đã được đặt ra trong nhiều năm nay lại không được giải quyết thỏa đáng. Ví như chưa có quy định cụ thể, phân biệt được chức năng nhiệm vụ của chính quyền ở đô thị và ở nông thôn; chưa phân biệt rõ chức năng, nhiệm vụ giữa HĐND và UBND; giữa chức năng, nhiệm vụ của HĐND, UBND ở từng cấp hành chính cũng như ở mỗi cấp dựa trên quy mô, đặc điểm của đơn vị hành chính.
Tăng cường hoạt động giám sát của HĐND
Cũng theo báo cáo thẩm tra, hoạt động giám sát của HĐND là chức năng rất quan trọng, vì vậy cần phải được quy định cụ thể ngay trong luật về thẩm quyền, nội dung, trình tự, đối tượng chịu sự giám sát... để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát của HĐND, các ban HĐND và đại biểu HĐND.
Dự án Luật Bầu cử đại biểu HĐND (sửa đổi) gồm 10 chương, 80 điều, trong đó xây dựng mới 10 điều, sửa đổi bổ sung 45 điều và giữ nguyên 25 điều. Nhìn chung, các kiến nghị sửa đổi, bổ sung về Luật Bầu cử đại biểu HĐND đều được Ủy ban Pháp luật thẩm tra tán thành. Như quy định chủ tịch HĐND, UBND không được giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tục. Trường hợp giữa nhiệm kỳ mà khuyết chức danh chủ tịch UBND thì HĐND có thể bầu người khác, không nhất thiết là đại biểu HĐND. Hay bổ sung chương mới về hoạt động giám sát của HĐND: Đại biểu dân cử được chất vấn và xem xét trả lời chất vấn của cơ quan chức năng địa phương, được lập đoàn giám sát, bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Cũng trong ngày 12-5, Quốc hội đã thảo luận về Luật Biên giới quốc gia.