“Rất buồn vì Vedan đã qua mặt nhà quản lý”!
Chiều 16-9, lãnh đạo Sở TN-MT Đồng Nai đã có cuộc tiếp xúc báo chí về vụ Vedan “giết” sông Thị Vải. Ông Hoàng Văn Thống - chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai - cho biết từ năm 1994, cơ quan này đã nghi Vedan lén lút xả nước thải ra sông Thị Vải nhưng tìm mãi vẫn không ra nguyên nhân.
Nước sông Thị Vải ngày một ô nhiễm trầm trọng, người dân khiếu kiện liên miên. Trong đơn kiện, người dân chỉ rõ thủ phạm chính là Vedan nhưng hết cuộc kiểm tra này đến cuộc khác vẫn không phát hiện được thủ phạm. “Vì vậy, chúng tôi đã bí mật thuê thợ lặn chuyên nghiệp lặn xuống sông Thị Vải để tìm kiếm nhưng vẫn không có kết quả. Bây giờ chúng tôi mới biết họ chôn đường ống này sâu 7-8m” - ông Thống nói.
Theo ông Hoàng Văn Thống, mỗi năm Sở TN-MT thực hiện 2 - 3 cuộc thanh tra các công ty có nguồn nước xả thải ra sông Thị Vải, trong đó có Công ty Vedan. Bên cạnh đó, Bộ TN-MT cũng thanh tra mỗi năm một lần nhưng không phát hiện được. Liên quan đến ô nhiễm môi trường, đến nay Công ty Vedan mới chỉ bị xử phạt hành chính tổng cộng bốn lần với tổng số tiền 23 triệu đồng.
Đưa vào 28.000m3 nước, chỉ thải ra hơn 5.000m3
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù Vedan liên tục bị người dân thưa kiện nhưng tháng 4-2008, công ty này vẫn được Bộ TN-MT cấp phép xả nước thải vào nguồn nước sông Thị Vải. Theo đơn đề nghị của Vedan, lưu lượng nước thải trung bình 5.179 m3/ngày đêm, quá ít so với lượng nước mà Vedan đưa vào phục vụ sản xuất là 28.000 m3/ngày đêm. Theo quy định của pháp luật hiện hành, lượng nước thải ra phải bằng 80% lượng nước đưa vào sản xuất. Câu hỏi đặt ra ở đây là hơn 18.000 m3 nước còn lại đi đâu? Vì sao Bộ TN-MT và các cơ quan chức năng dễ dàng bỏ qua điểm này để cấp phép cho Vedan?
Giải thích việc này, ông Thống cho biết theo luật định, đối với những đơn vị có khối lượng nước xả thải dưới 5.000 m3/ngày đêm thì địa phương nơi doanh nghiệp đóng sẽ cấp phép. Tuy nhiên, do Công ty Vedan có lượng xả thải lớn hơn 5.000 m3/ngày đêm nên việc cấp phép do Bộ TN-MT đảm nhiệm.
Ngày 6-8-2007, ông Phan Văn Hết - phó giám đốc Sở TN - MT Đồng Nai - đã có bản nhận xét gửi hội đồng thẩm định, trong đó nêu rõ nhiều nội dung Vedan chưa đạt yêu cầu để cấp phép như: lượng nước thải tại các điểm xả thải của Vedan có thông số vượt tiêu chuẩn cho phép, chưa làm rõ chế độ xả thải đối với nước thải Vedagro lỏng - hạt; nước thải xút, axít, bột gia vị cao cấp theo báo cáo là xả gián đoạn nhưng chưa xác định xả vào thời gian nào trong ngày…Đặc biệt, ông Hết lưu ý hội đồng thẩm định cần làm rõ vì sao Vedan đưa vào sử dụng 28.000 m3/ngày đêm nhưng chỉ xin thải ra hơn 5.000 m3/ngày đêm.
Ông Lê Viết Hưng, giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, nói: “Anh Hết đã đưa ra các nguyên nhân này và yêu cầu hội đồng buộc Vedan phải giải trình, nhưng không biết Vedan đã giải trình hay chưa và giải trình như thế nào, việc này chúng tôi không rõ. Vấn đề này chỉ có Cục Quản lý tài nguyên nước mới biết được, chúng tôi là thành viên tham gia góp ý kiến nên không nắm rõ”. Câu hỏi đặt ra: tại sao đã có nghi vấn về việc chênh lệch quá lớn giữa lượng nước đưa vào sản xuất và lượng nước thải ra nhưng trong suốt một thời gian dài các cơ quan chức năng không đi tìm nguyên nhân? Rất tiếc câu hỏi đã không được lãnh đạo Sở TN-MT trả lời thỏa đáng.
Buông lỏng từ khi Vedan xây dựng công trình PV Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: vì sao các cơ quan chức năng không phát hiện Vedan có cả một hệ thống xả nước thải gian dối? Ông Lê Viết Hưng trả lời: “Cái này phải xem xét trách nhiệm của đơn vị nào đã nghiệm thu công trình xây dựng nhà máy Vedan, chứ Sở TN-MT không nắm được. Nếu ngay từ đầu, cơ quan giám sát xây dựng, nghiệm thu công trình phát hiện thì đã không có sự cố này”.
Ông Hưng cho biết thêm khi cho nhà máy vận hành thử nghiệm để cấp phép hoạt động, Sở TN-MT chỉ xem xét, kiểm tra mẫu nước tại đầu ra, đầu vào của hệ thống nước thải, chứ không đi sâu vào kiểm tra kết cấu xây dựng nhà máy cũng như hệ thống xử lý nước thải.
Vì sao Vedan được khen?
Cũng tại cuộc họp này, PV Tuổi Trẻ đặt vấn đề vì sao có nhiều sai phạm như vậy nhưng cuối năm 2004 Vedan vẫn được đề xuất khen thưởng? Ông Hoàng Văn Thống cho biết từ năm 1994 đến nay, Vedan đã đầu tư bốn hệ thống xử lý nước thải với tổng kinh phí khoảng 300 tỉ đồng; hằng năm công ty này bỏ ra 20-30 tỉ đồng cho việc xử lý nguồn nước thải. Trước đó Vedan có sai phạm, nhưng thời điểm này (năm 2004) Vedan đã có những nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường. Ông Thống khẳng định: “Việc đề nghị khen thưởng Vedan tôi cho là đúng, trước đây Vedan vi phạm nhiều lần nhưng sau này kiểm tra thấy tình hình được cải thiện dù chưa chuẩn. Chúng tôi tin tưởng mới đề nghị như vậy, nay chúng tôi rất buồn vì Vedan đã qua mặt nhà quản lý”.
Bên lề cuộc tiếp xúc báo chí, PV Tuổi Trẻ hỏi ông Lê Viết Hưng: “Quan điểm cá nhân của ông về việc xử lý Vedan như thế nào?”. Ông Hưng nói: “Hiện chưa ai hỏi tôi chuyện này, nhưng theo tôi, trước mắt cần tạm đình chỉ hoạt động của Vedan, yêu cầu tháo dỡ công trình mà Vedan tổ chức đưa nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải. Vedan dùng thủ đoạn lừa dối cơ quan quản lý nhà nước thì phải làm lại hệ thống vận hành, xử lý môi trường đạt chuẩn mới cho hoạt động trở lại. Theo tôi, cần xác định mức độ gây thiệt hại trên dòng sông Thị Vải của Vedan và yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại do những hậu quả mà họ gây ra”.
Đến lúc nói “không” với doanh nghiệp gây ô nhiễm
Vụ Vedan “giết” sông Thị Vải như một hồi chuông thứ n, báo động tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra từ nhiều năm qua. Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Nguyễn Minh Quang - đại biểu HĐND TP.HCM, phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ TP - nói. - Tôi không bất ngờ. Cách đây mấy năm, khi trong vai trò đại biểu HĐND TP đi giám sát thực tế tại phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), chúng tôi đã biết một xí nghiệp nhuộm khăn lông có hệ thống xử lý chất thải (là thuốc nhuộm rất độc hại) giống như Vedan. Lúc đó chưa có Luật môi trường, theo quy định, ai muốn kiểm tra thì phải báo trước, mà báo trước làm sao phát hiện được gì! Tôi biết nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã rỉ tai nhau cái “chiêu” của Vedan. - Theo ông, phải xử lý như thế nào với những doanh nghiệp chưa có nhà máy xử lý chất thải hoặc có nhưng lại làm như kiểu Vedan? - Phải lập ngay các đoàn kiểm tra toàn bộ doanh nghiệp hoạt động công nghiệp có gây ô nhiễm, doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Qua kiểm tra xác định rõ, nếu doanh nghiệp không có hệ thống xử lý chất thải thì buộc đình chỉ hoạt động cho đến khi đáp ứng các luật định về môi trường. Nếu phát hiện doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải gian lận kiểu Vedan thì phải có biện pháp kỹ thuật phá ngay. Đối với các khu công nghiệp đang xây dựng phải kiên quyết ngay từ đầu, không có hệ thống xử lý chất thải là không cho hoạt động. - Cũng có ý kiến cho rằng cần có giải pháp hài hòa giữa chủ trương thu hút đầu tư với việc bảo vệ môi trường… - Đã đến lúc chúng ta phải dũng cảm nói “không” với doanh nghiệp gây ô nhiễm. Nếu như cách đây năm năm, chính quyền tỉnh Bình Dương và TP.HCM kiên quyết với các doanh nghiệp gây ô nhiễm thì người dân đâu phải sống chung với ô nhiễm từ nhiều năm qua và bây giờ đâu phải lấy ngân sách hơn 300 tỉ đồng để giải quyết hậu quả ô nhiễm kênh Ba Bò! Sức khỏe cộng đồng là chính, không phải cho lá phổi, gan, thận…của chúng ta bây giờ mà cho cả thế hệ mai sau. Đoan Trang thực hiện |