Rộn rịp từ Tây Đô đến Tà Keo

Trong “tháng ăn chơi”, dù các trường gà đua nhau mọc lên như nấm ở Cần Thơ, Hậu Giang, với đủ các mức độ ăn thua, song dân chơi gà độ có máu mặt vẫn nườm nượp đổ về trường gà bên kia biên giới Campuchia để thỏa máu đỏ đen

Từ trước Tết, các trường gà ở Cần Thơ và Hậu Giang đã hoạt động nhộn nhịp. Từ Tết đến nay, các trường gà này lại càng diễn ra xôm tụ hơn.

Hoạt động gần như công khai

Tại Cần Thơ, một số trường gà nằm ở khu vực chợ Da Liễu, khu Đầu Sấu, Tầm Vu, Cái Cui, Cồn Khương... gần như diễn ra công khai. Cách Cần Thơ khoảng 20 km thuộc địa bàn tỉnh Hậu Giang, những ngày này trường gà mọc lên như nấm, tụ tập người đến đá độ ăn tiền ngang nhiên giữa quốc lộ. Dọc theo Quốc lộ 1A chạy dài xuống Cái Tắc (huyện Châu Thành A) và Long Thạnh (Phụng Hiệp) có đến cả chục trường gà. Trong số này, trường gà ở xã Long Thạnh đá công khai và ăn thua cực lớn. Những ngày Tết, trường gà này quy tụ hầu hết dân đá gà có tiếng ở các tỉnh, TP trong khu vực. Người dân Long Thạnh cho biết, chủ trường gà này tên G., từng là cán bộ làm việc trong cơ quan Nhà nước. Nhờ mối quan hệ quen biết rộng rãi, trường gà này hoạt động trắng trợn mà chẳng thấy ai đụng đến.

Tán gia bại sản vì gà

Ở khu bến đò Xóm Chài, phường Phú Thứ, quận Cái Răng - TP Cần Thơ, hầu như ai cũng biết chuyện của M., một tay chơi gà độ khét tiếng. Từ một đại gia trong người lúc nào cũng rủng rỉnh vài chục triệu đồng, khi vướng vào trò đỏ đen này, của cải trong nhà lần lượt không cánh mà bay do thua độ. Hiện M. phải chạy xe ôm tại bến xe buýt ở đại lộ Hòa Bình kiếm sống qua ngày.

Còn ông Q., chủ nhà máy nước đá lớn nhất ở quận Cái Răng - Cần Thơ, từ một người nắm trong tay vài tỉ đồng nay cũng trắng tay vì mê đá gà.

Chua xót hơn là trường hợp của ông P., từng giữ chức vụ trưởng phòng công an một tỉnh, giờ thì thân bại danh liệt, bị đuổi ra khỏi ngành cũng vì mê đá gà. Hiện ông nuôi gà đá thuê cho các đại gia, vừa cho đỡ ghiền, vừa kiếm sống.

Những ngày này, dân chơi gà độ còn tìm đến một địa điểm quen thuộc là trường gà ở khu vực xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A - Hậu Giang. Trường gà này được tổ chức đá rất lớn và kín đáo. Từ Quốc lộ 1A muốn vô trường gà này phải đi theo con đường mòn độc đạo ngoằn ngoèo, gồ ghề dài hun hút. Gởi xe bên ngoài, khách chơi lại tiếp tục lội bộ len lỏi khoảng 500 m qua những đám ruộng và vườn cây ăn trái mới tới được trường gà này.

Tuy trường gà nhiều vậy, song dân chơi có máu mặt vẫn nườm nượp đổ về trường gà Tà Keo bên kia biên giới Campuchia để thỏa máu đỏ đen.

Chung chi qua trạm

Nằm cách cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên - An Giang khoảng 2 km, trong “tháng ăn chơi”, trường gà Tà Keo trở thành điểm đến lý tưởng của dân đá gà độ ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ và TPHCM. Chúng tôi đi Tà Keo đúng vào thứ sáu, ngày mà dân đá gà khắp nơi tập trung đến đây cá cược đông nhất trong tuần.

Để qua được trường gà Tà Keo, chúng tôi phải nhờ Sơn Mi, một “thổ địa” ở Tịnh Biên, dẫn đường. Đúng 10 giờ, khi dân đá gà khắp nơi xách giỏ từ hướng Châu Đốc đổ về thị trấn Tịnh Biên, Sơn Mi liền chở chúng tôi trên chiếc xe máy chạy theo. Do cửa khẩu Tịnh Biên không cho đem gà qua, nên khi đến gần đây, các tay chơi phải thuê người xách giỏ gà đi băng ruộng lòn ra sau cửa khẩu để né. Gà được mang thẳng tới trường gà Tà Keo, với tiền công 30.000 đồng/con. Đến cửa khẩu Tịnh Biên, đã được dặn trước, mỗi chúng tôi dúi vào tay người gác trạm 20.000 đồng, cười xởi lởi: “Tụi này qua kia xem đá gà giải trí xíu”. Vậy là qua được một trạm.

img
Trường gà Tà Keo nhìn từ bên ngoài

Đi tiếp một đoạn, vừa qua cầu Xuân Tô, chúng tôi lại gặp một trạm gác của nước bạn. Ở đây khỏi cần rào đón, đưa đẩy mà có quy định bất thành văn: Nếu đi đá gà, muốn đi qua trạm chỉ cần chi mỗi người 30.000 đồng là xong. Sơn Mi cho biết, trước Tết qua trạm chỉ mất 20.000 đồng, song hiện là “tháng ăn chơi”, dân đá gà sang nhiều quá nên giá qua trạm cũng tăng theo!

Đến trường gà Tà Keo, chúng tôi phải bỏ ra 10.000 đồng nữa để mua vé mới vào được bên trong. Trường gà Tà Keo nằm lọt thỏm giữa những dãy núi và đồng trống, được bảo vệ rất nghiêm ngặt. 11 giờ, dân đá gà kéo đến như trẩy hội. Tôi rất ngạc nhiên khi biết chủ trường gà này là người Việt, thường được gọi là Honda, khoảng 30 tuổi, kiêm luôn trọng tài và còn trực tiếp tham gia đá độ ăn thua rất lớn. Honda thuê đất làm trường gà này với giá 40 triệu đồng/tháng.

Trường gà được bao bọc bằng lưới B40 và kẽm gai, có cả một bãi giữ xe rất rộng. Tôi thấy ở đây dựng đầy xe gắn máy biển số ở Đồng Tháp, Tiền Giang, Bạc Liêu, Long An, Cần Thơ, TPHCM... Bên ngoài trường gà là một nhà kho rộng thênh thang chuyên cầm đồ cho dân đá độ lỡ thua.

Chảo lửa Tà Keo

Gần 12 giờ trưa, ông chủ Honda bắt đầu la hét gọi đem gà vào sân để cân ký, cáp độ. Chỗ ngồi xem đá gà được thiết kế như sân vận động, có từng bậc từ thấp đến cao. Khi đã cân ký, cáp độ xong, các chủ gà đem ra ngoài chuẩn bị.

Không khí trong trường gà mỗi lúc một ngột ngạt khi độ gà đầu tiên đã được lên cựa xong. Tiếng la thét, chửi thề giữa các con bạc ngày càng ầm ĩ. Để tránh tình trạng “ăn dùa thua quỵt”, trường gà Tà Keo có đến 10 tay biện (chuyên bắt độ kiếm tiền phần trăm). Biện sẽ được hưởng 10 lai (phần trăm) trên số tiền cáp độ. Số tiền lai này phải chia 5/5 với trọng tài. 10 tay biện cứ đi rảo quanh sân, lớn tiếng phóng bắt độ. Mất khoảng 10 phút huyên náo, việc bắt độ xem như tạm xong. Lúc này số tiền cá cược của dân xem bên ngoài đã lên đến cả tỉ đồng.

Tôi mải để mắt quan sát các diễn biến xung quanh trường gà, nên đến độ gà giữa con ô que của một tay chơi Đồng Tháp với con xám chích của tay chơi Long An, tôi mới bắt đều xem. Độ này được đá tiền xổ 10 triệu đồng. Chỉ chưa đầy một phút, con xám chích đã dính mòn cựa nằm chết sóng soài. Tiếng chửi thề, la hét lại dậy lên. Những cọc tiền 200.000 đồng, 500.000 đồng chung chi chuyền tay nhau qua lại giữa những kẻ cá cược...

Chiều, khi chuẩn bị ra về, Sơn Mi cho tôi biết trường gà Tà Keo còn đá cả ban đêm. Sơn Mi chỉ cho tôi xem hơn 30 bóng đèn công suất cực lớn được mắc xung quanh sân đá của trường gà.