Rừng sâu, núi thẳm tìm anh

Hơn 8 năm qua, nhiều nơi ở Campuchia đã in dấu chân cán bộ, chiến sĩ Đội K93 An Giang. Họ luôn đối mặt với bao khó khăn, chống chọi với thời tiết khắc nghiệt giữa chốn rừng sâu, núi thẳm để ngày ngày tìm kiếm đồng đội. Đến nay, Đội K93 đã cất bốc và hồi hương hơn 1.000 hài cốt liệt sĩ hy sinh trên đất Chùa Tháp

Chiếc xe u-oat của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang đưa chúng tôi sang cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên - An Giang rồi ngược Quốc lộ 2 vào thị xã Ta Keo trên con đường nhựa rộng rãi. Từ thị xã Ta Keo, chúng tôi rẽ qua Quốc lộ 3 đi thẳng tới Poset khoảng 250 cây số, mất gần 4 giờ nữa mới tới được xã Pong và xã Tua Sa La, huyện Poset, nơi đóng quân của Đội K93 An Giang tại tỉnh Kompong Speau.


Khó, khổ mấy cũng phải tìm


Vượt qua nhiều đoạn đường quanh co, dằn xóc, đến chiều tối rốt cuộc chúng tôi cũng tới nơi. Chiếc xe dừng lại trước những lán trại dã chiến chơi vơi giữa cánh rừng khô cằn. 


Thấy có khách từ VN sang, anh em trong các lán trại mừng rỡ túa ra chào đón, hồ hởi sắp xếp nơi ăn nghỉ... Sau cái bắt tay xã giao, một chiến sĩ chỉ cho chúng tôi xem cái hồ sát bên, bảo: “Anh em ở đây và nhiều người dân Kompong Speau sống nhờ nước sinh hoạt lấy từ đó trong mùa khô hạn khắc nghiệt này.

Toàn vùng đã cạn kiệt từ lâu, chỉ còn hồ này”. Chúng tôi hỏi thăm chuyện đi tìm hài cốt liệt sĩ, anh cho biết: “Từ đây, đi vào khu rừng Moda, vùng núi Phnhia Kung và Et Tung... còn xa, hơn một giờ ngồi xe mới tới nơi tìm hài cốt bộ đội VN”. Khắp 6 xã của huyện Poset gần như nơi nào cũng có mặt các anh. Cứ sáng sớm họ lên xe đi đào xới tìm kiếm, đến tối mịt mới quy tụ về lán trại. “Dù vậy, hễ tìm được hài cốt của bộ đội ta, mọi người đều quên đi nhọc nhằn, mỏi mệt” - một chiến sĩ tâm sự.

img
Cán bộ, chiến sĩ Đội K93 An Giang tìm hài cốt liệt sĩ trên đất bạn Campuchia. Ảnh: Q.Dũng

Xong bữa cơm chiều, mặt trời vừa khuất sau dãy núi, mọi người lấy võng mắc trên cây rừng nằm nghỉ. Ai cũng có một chiếc radio cá nhân để nghe Đài Tiếng nói VN và Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM. “Cho đỡ nhớ nhà đó mà”, một chiến sĩ đang loay hoay mắc võng quay sang nói với chúng tôi.

Thấy chúng tôi có vẻ bồn chồn, anh Phan Ngọc Yên, Bí thư Chi đoàn Đội K93, bộc bạch: “Mấy anh lâu lâu mới tới đây một lần thấy buồn vậy, chứ tụi em ở đây riết đã quen rồi”. Chúng tôi giải thích: “Không buồn gì đâu, chẳng qua chúng tôi thấy đất đai ở đây khô cằn quá, nghĩ đến các anh đào xới tìm kiếm hài cốt chắc rất vất vả...”. Yên cười, ngắt lời: “Trách nhiệm mà, có khổ cực đến mấy cũng phải hoàn thành. Vả lại công việc này cũng là đạo lý nữa, chúng tôi quyết tâm dù khó đến mấy cũng phải tìm cho được đồng đội mình đưa trở về đất mẹ”.


“Nưng mui, nưng mui...”


Trước đó không lâu, từ nguồn tin của người dân bản xứ, Đội K93 An Giang và cơ quan chức năng tỉnh Kompong Speau cùng xác định địa hình, vị trí rồi triển khai lực lượng đào xới, tìm kiếm trong vùng núi Et Tung. Đại tá Phạm Quang Trung, Đội trưởng K93, cho biết: “Vậy mà mất mấy ngày liền, cứ đào lên rồi san lấp, hết hướng Đông lại sang hướng Tây mà chẳng tìm thấy được hài cốt hay di vật nào”.


Theo chân các anh mới vài ngày, chúng tôi đã cảm thấy không chịu nổi với cái nắng gay gắt, cây rừng bị cháy khô không còn bóng che mát. Sau nhiều ngày vất vả truy tìm, chủ nhật hôm đó, Đội K93 dự tính nghỉ xả hơi. Nhưng rồi lúc nửa đêm hôm trước, một người dân Campuchia tìm đến cung cấp thông tin về nơi chôn cất hài cốt bộ đội ta.


Sáng sớm chủ nhật, chúng tôi cùng các cán bộ, chiến sĩ Đội K93  tiếp tục lên đường, ngồi xe hơn một giờ qua vùng núi Et Tung. Cảnh vật đã thay đổi đến mức những người từng tham gia chiến đấu ở đây cũng không thể nhận ra. “Đó chính là khó khăn lớn nhất đối với Đội K93, vì hầu hết ở đây đều là lính trẻ”, Bí thư Chi đoàn Phan Ngọc Yên cho biết.


Sau một lúc tìm kiếm, chúng tôi nghe nhiều tiếng reo hò. Ông Krưm Hum, người dân ở phum Pray Nonl, xã Pria Peng Chay, huyện Poset, hồ hởi hét lớn: “Nưng mui, nưng mui!” (tìm thấy rồi). Ông Krưm Hum cũng chính là người báo tin nơi có hài cốt liệt sĩ vào đêm trước. Ông kể: “Hơn 20 năm trước, lúc cày ruộng để chuẩn bị cấy lúa, tôi thấy văng lên hài cốt và một số đồ vật mới lấy gói lại và đem chôn sát đường, sau đó làm dấu giữ gìn”.

Chúng tôi thắc mắc: “Sao ông biết đó là hài cốt của bộ đội VN”. Ông Krưm Hum tự tin: “Những năm 1970-1973, tại vùng này, tôi gặp nhiều bộ đội VN và được họ cho quần áo, đồ đạc. Trong vùng này, hài cốt chôn lấp như vậy chỉ có của bộ đội VN thôi. Mấy chục năm nay, lúc nào tôi cũng canh cánh bên lòng, mong có ngày người thân của họ tìm đến đây để lấy hài cốt”. Chúng tôi quan sát bộ hài cốt ông Krưm Hum cất giữ: Đó chỉ là vài khúc xương tay, chân, mảnh sọ vụn nát và một số di vật. Các cán bộ Đội K93 cho biết vẫn chưa xác định được tên tuổi liệt sĩ này, vì mảnh giấy để trong lọ sành lâu ngày chữ cũng bị phai. 

36 năm canh giữ hài cốt

Rời vùng núi Et Tung, chúng tôi cùng Đội K93 đến rừng Moda để bốc dỡ khu mộ 5 hài cốt liệt sĩ bên dòng suối cạn khô do ông Ka Chay ở phum Pleng Tha Not, xã Svay Chrochap, huyện Poset, tỉnh  Kompong Speau – Campuchia canh giữ. Ông Ka Chay cho biết những bộ hài cốt này được ông phát hiện từ năm 1973, đem chôn cất chung một chỗ và coi giữ từ đó đến nay.

“Hồi đó, tôi tham gia gánh lương thực và thực phẩm, tuy không vô được tới căn cứ nhưng biết rõ chỗ ở, chỗ chôn bộ đội VN hy sinh. Trước đây, tôi nhận được nhiều sự giúp đỡ của bộ đội VN nên khi thấy hài cốt họ, tôi liền đem chôn cất, giữ gìn cẩn thận”- ông Ka Chay nói.

 

Kỳ tới: Trở về đất mẹ