Sản xuất thép giả, thép nhái nhãn mác gia tăng

TPHCM: Thép lõi que hàn được bán như thép cuộn xây dựng

Đó là ý kiến của rất nhiều đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp (DN) ngành thép đưa ra trong cuộc hội thảo “Thị trường thép xây dựng VN và những biện pháp bảo vệ thương hiệu sản phẩm”  được Hiệp hội Thép tổ chức ngày 2-12 tại Hải Phòng. Theo con số thống kê của Tổng Công ty Thép VN (VSC), nhu cầu thép trên thị trường từ đầu năm đến nay là khoảng 4 triệu tấn (trong đó các DN bán ra gần 2 triệu tấn và nhập khẩu hơn 2 triệu tấn). Dự kiến hết năm 2002 tổng nhu cầu tiêu thụ sẽ đạt gần 5 triệu tấn, tăng 20% so với năm 2001. Và con số này sẽ là hơn 5,5 triệu tấn vào năm 2003, hơn 6 triệu tấn năm 2004. Theo Phó Tổng Giám đốc VSC Nguyễn Hữu Thơ,  mức cầu đang lớn hơn cung là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng thép giả, thép nhái nhãn mác đang lưu thông phổ biến trên thị trường và ở nhiều công trình xây dựng (khoảng 600.000 tấn/năm). Ông Thơ cho biết: Ngoài việc lưu thông thép giả, thép nhái nhãn mác thì việc tiêu thụ thép có kích thước lẻ cũng đang phổ biến. Đây là loại thép không đúng tiêu chuẩn về số lượng, chất lượng, khiến cho chất lượng công trình bị ảnh hưởng và người sử dụng thép đang bị móc túi.

Mới đây, ngày 23-10, Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an Hà Nội) đã điều tra khám phá ra vụ Công ty Sông Công (Bộ CN) tổ chức sản xuất buôn bán 193 tấn thép TISCO - TSCO nhãn hiệu độc quyền của Công ty Gang thép Thái Nguyên. Tại thị trường TPHCM còn xuất hiện tình trạng nhập thép làm lõi que hàn về bán như thép cuộn xây dựng.

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và chất lượng các công trình, VSC kiến nghị: Chính phủ cần cấm các cơ sở không đủ điều kiện kỹ thuật về thiết bị luyện, đúc phôi cán thép. Các cơ quan chức năng, kiểm tra định kỳ chất lượng sản phẩm, nhãn mác sản phẩm tại các đơn vị sản xuất thép. Hiệp hội Thép thống nhất không sản xuất thép vằn với kích thước lẻ và tất cả cơ sở sản xuất tư nhân phải gắn nhãn hiệu của mình vào sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.