Sông Thị Vải mỗi ngày gánh gần 20.000m3 nước thải
Theo số liệu từ Bộ Tài nguyên - Môi trường, hiện nay tỉnh Đồng Nai có 6 khu công nghiệp: Nhơn Trạch 1, 2, 3, 5; Dệt may, Gò Dầu và Công ty Cổ phần Vedan, mỗi ngày tổng lượng chất thải ra sông Thị Vải lên đến 15.500 m3.
Ngoài ra, sông Thị Vải còn phải gánh thêm khoảng 4.000 m3 chất thải/ngày từ 5 khu công nghiệp của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là Phú Mỹ 1, Mỹ Xuân A, Mỹ Xuân A2, Mỹ Xuân B1 và Cái Mép.
Chất nguy hại vượt mức cho phép hàng trăm lần
Theo quy hoạch từ ban đầu, chất lượng nước mặt sông Thị Vải được cho phép là tiêu chuẩn B, nước dùng để tưới tiêu và nuôi trồng được thủy sản.
Thế nhưng hiện nay do phải gánh lượng nước thải quá lớn, trong đó tỉ lệ xử lý của các nhà máy để đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường chiếm tỉ lệ khá khiêm tốn, làm cho môi trường nước sông Thị Vải bị ô nhiễm nặng.
Theo kết quả quan trắc tại chỗ của đoàn Ủy ban Khoa học Công nghệ-Môi trường Quốc hội và Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) tỉnh Đồng Nai mới đây cho thấy: Hàm lượng ôxy hòa tan (DO) ở sông Thị Vải xuống khá thấp, có chỗ dưới 1 mg/lít nước, nhiều chỗ chỉ đạt 0,3 mg/lít thay vì phải trên 6,5 mg/lít.
7/18 doanh nghiệp vi phạm Luật Bảo vệ Môi trường Vừa qua, khi kiểm tra 18 nhà máy có nguồn nước thải lớn vào sông Thị Vải, Thanh tra Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát hiện có 7 đơn vị đã vi phạm Luật Bảo vệ Môi trường (nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn-PV), gồm: Nhà máy Gạch men Hoàng Gia, Nhà máy Gạch men Mỹ Ý, Nhà máy Phân bón Baconco, Cảng Baria-Serece, Nhà máy Chế biến hải sản Tiến Đạt, Nhà máy Chế biến bột cá East Wind và Nhà máy Chế biến bột cá Phúc Lộc. Trong thời gian tới, nếu các nhà máy trên tiếp tục vi phạm thì Sở TN-MT sẽ kiến nghị tỉnh ra quyết định tạm đóng cửa cho đến khi khắc phục xong. (Theo Báo Bà Rịa-Vũng Tàu) |
Riêng hàm lượng Coliform (một dòng vi khuẩn nguy hại có trong nước, nếu dùng nước này có hàm lượng cao sẽ gây ra chứng tiêu chảy và co rút) tại một số cống xả của Khu Công nghiệp Nhơn Trạch 1 vượt tới 240 lần, Nhơn Trạch 2 vượt 430 lần, Công ty Cổ phần Vedan vượt 150 lần và nước thải của công ty này có nhiệt độ vượt khoảng 1,20 lần, bốc khói nghi ngút.
Cũng theo kết quả quan trắc, không chỉ tầng nước mặt của sông Thị Vải bị chết mà ngay cả nền đáy của nhiều đoạn sông này cũng không còn sự sống vì thường xuyên bị tích tụ bùn và kim loại nặng.
Kiểm tra những đơn vị thải nước vào sông Thị Vải
Trong công văn mới đây gởi cho các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và TPHCM, ông Nguyễn Thành Minh, Chánh Văn phòng Bộ TN-MT, đã truyền đạt chỉ đạo của lãnh đạo bộ về các biện pháp khẩn cấp trong việc bảo vệ nguồn nước sông Thị Vải.
Theo đó, các cơ quan chức năng về tài nguyên hai tỉnh phải rà soát, kiểm kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, các khu công nghiệp đã được thẩm định phê duyệt.
Báo cáo đánh giá những tác động đến môi trường để đề xuất kế hoạch tổ chức hậu kiểm. Nhanh chóng tổ chức kế hoạch kiểm soát ô nhiễm, thông qua việc quan trắc, lấy mẫu phân tích các nguồn chất thải của các cơ sở sản xuất trên lưu vực để xác định các nguồn gây ô nhiễm môi trường (trước mắt là những cơ sở gây ô nhiễm cao).
Xây dựng danh mục các loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và sự cố môi trường không được phép đầu tư xây dựng tại lưu vực sông. Ngoài ra, thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường sông Thị Vải giữa TPHCM, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong quý I/2006, Bộ TN- MT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch hành động bảo vệ môi trường sông Thị Vải.
Theo thông tin của chúng tôi, trong tuần này, Cục trưởng Cục Môi trường sẽ vào làm việc với lãnh đạo ba địa phương xung quanh vấn đề ô nhiễm của sông Thị Vải.