Sống trên miệng... “hà bá”!
Bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn TP HCM, Đồng Nai tiếp tục phát sinh nhiều điểm sạt lở nhưng người dân vẫn liều mình sinh sống
Theo Khu Quản lý đường thủy nội địa TP HCM, hiện TP có 47 điểm sạt lở ven sông, kênh rạch, tăng 3 điểm so với 7 tháng đầu năm 2015. Trong khi đó, hơn nửa số vị trí sạt lở được đánh giá là đặc biệt nguy hiểm, dễ gây thiệt hại đến tài sản, tính mạng của người dân trong khu vực và an toàn giao thông đường thủy.
Sợ nhưng phải liều
Trở lại khu vực cuối đường số 7 (khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) ngày 4-7, chúng tôi không khỏi giật mình khi chứng kiến hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng cách đây hơn 1 năm vẫn còn nguyên xi, không hề có dấu hiệu được cải tạo. Căn nhà 2 tầng bị sạt lở vẫn nằm nghiêng hẳn về một bên như chực đổ sập, đe dọa những người bén mảng tới gần.
Ở phần nền của căn nhà này vẫn còn nguyên hiện trạng những vết khoét hàm ếch cùng nhiều khe nứt lớn do vụ sạt lở gây ra. Phía ngoài là những trụ điện xiêu vẹo cùng một biển cảnh báo khu vực sạt lở được cắm chơ vơ dưới lòng sông Sài Gòn nhưng ven bờ không hề có rào chắn an toàn...
Căn nhà trên do ông Nguyễn Đình Quang (ngụ tại đường số 7, khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước) làm chủ, được xây dựng lấn sông trái phép nhưng chưa kịp tháo dỡ theo yêu cầu của chính quyền địa phương thì xảy ra vụ sạt lở. “Nền đất tại khu vực này vẫn còn dấu hiệu sụp lún nên rất ít người dám đến gần nhưng không hiểu sao sau hơn 1 năm, chính quyền địa phương vẫn không triển khai biện pháp gì để cải tạo, phòng ngừa cho người dân. Theo đó, người dân ở cạnh vẫn sống trong nơm nớp lo sông ăn mất nhà” - một công nhân ở công trình xây dựng sát căn nhà bị sạt lở cho biết.


Dù nhà sụp, tường nứt nhưng người dân ở ấp 1, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai vẫn khẳng định tiếp tục bám trụẢnh: XUÂN HOÀNG
Trong khi đó, tại bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) - nơi có hơn 10 điểm sạt lở - một số vị trí cũng bị lở hàm ếch nghiêm trọng nhưng nhiều hộ dân không chịu di dời dù rất sợ có ngày nhà bị trôi sông. “Dời đi biết ở đâu” - đó là câu trả lời của người dân nơi đây khi có ai hỏi đến.
Này 6-7, trở lại hiện trường vụ hàng chục căn nhà sập và nứt bên sông Đồng Nai (thuộc ấp 1, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), mới nhìn chúng tôi đã sợ. Thế nhưng, hiện thành viên của các gia đình vẫn phải ở trong những căn nhà nứt, có thể sập bất cứ lúc nào.
Khi chúng tôi đến, bà Hồ Thị Minh Thiện đang dọn những đống gạch vỡ sau khi toàn bộ nhà ở phía sau bị sụt đất, kéo sụp xuống; còn căn nhà chính tiếp giáp nhà phụ, nền bị khoét hàm ếch cũng có nguy cơ tuột xuống bất kỳ lúc nào. Thế nhưng, bà Thiện vẫn một mực khẳng định phải ở lại vì biết lấy đâu ra tiền mà di dời.
Cùng cảnh ngộ, ông Trương Trọng Nghĩa (57 tuổi) cho hay nhà ông lúc đầu chỉ có một vết nứt nhỏ, sau đó lớn dần rồi tường xê dịch, biến dạng. “Vụ sụp lún vừa qua là do bị ảnh hưởng bởi “cát tặc” lộng hành hàng chục năm nay. Giờ đây, chúng tôi cùng con cháu ở trong nhà mà ngày đêm nơm nớp lo sợ” - ông Nghĩa nói.
Vướng đủ thứ
Theo ông Phạm Công Bằng, Trưởng Phòng Quản lý giao thông thủy (thuộc Sở Giao thông Vận tải TP HCM), khó khăn lớn nhất hiện nay ở các dự án chống sạt lở là vấn đề giải phóng mặt bằng và nguồn vốn đầu tư. Trong công tác phối hợp với chính quyền các địa phương, đến nay, việc giải phóng mặt bằng ở các huyện Nhà Bè, Bình Chánh và quận Bình Thạnh có tiến độ thấp nhất do một số khu vực, người dân không chịu di dời.
Giải pháp trước mắt, theo ông Bằng, với những khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đơn vị này phối hợp với Khu Quản lý đường thủy nội địa TP và các cơ quan liên quan thực hiện các “gói” thảm đá dưới nước và chỉnh trang trên bờ. “Tuy nhiên, biện pháp này cũng gặp vướng do khi thảm đá dưới nước, một số vị trí buộc phải lấn vào diện tích đất hoặc công trình xây dựng trên bờ của các hộ dân khiến nhiều người không chấp nhận” - ông Bằng lý giải.
Theo báo cáo của UBND xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, hiện tại địa bàn có 8 căn nhà đã bị sập, khoảng 20 căn khác hư hại, có dấu hiệu sập nhưng người dân vẫn ở bên trong. Ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Tân An, cho biết đã cảnh báo nguy hiểm và hỗ trợ các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, đồng thời báo cáo lên trên để có hướng xử lý. Tại đây, những năm trước “cát tặc” hoạt động nhiều, có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng trên.
Ông Võ Văn Phi, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, cho hay huyện đã báo cáo lên trên, đồng thời có kế hoạch hỗ trợ di dời dân khẩn cấp. Tuy nhiên, do người dân muốn ở lại để mưu sinh và chờ chính sách cụ thể rồi mới chuyển đi.
“Hiện đã có sẵn khu tái định cư rộng khoảng 36 ha để người dân chuyển về sinh sống. Tuy nhiên, đây mới chỉ là khu đất chứ hạ tầng thì chưa được xây dựng. Người dân cũng chờ phải có tiền hỗ trợ, chính sách cụ thể thì mới chịu chuyển đi nhưng những điều này đều phải có lộ trình...” - ông Phi nói. Khi phóng viên hỏi lộ trình thực hiện thế nào thì chủ tịch UBND huyện vẫn chỉ cho biết sẽ khẩn cấp di dời chứ chưa thể nói kế hoạch một cách cụ thể.
Di dời 1.210 hộ dân khỏi vùng sạt lở
Theo UBND TP HCM, trong phương án quy hoạch bố trí dân cư giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025, TP sẽ di dời 1.210 hộ dân đang sống ở các khu vực ven sông, kênh rạch, biển có nguy cơ bị sạt lở. Số hộ dân này sẽ được di dời vào các khu dân cư hiện hữu hoặc khu tái định cư tập trung trên địa bàn các quận, huyện như Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ.
Dọc theo sông Đồng Nai, không chỉ ở huyện Vĩnh Cửu mà nhiều địa bàn khác như huyện Định Quán, Tân Phú, Long Thành, Nhơn Trạch và cả TP Biên Hòa... của tỉnh Đồng Nai, người dân kêu trời vì nạn sạt lở cuốn trôi nhà cửa, đất vườn. Tuy nhiên, tình trạng trên chưa được khắc phục triệt để.