Sự bình dị của một thương binh anh hùng

TRUYỀN THỐNG.- Đó là người anh hùng Lê Mã Lương, nay là Giám đốc Viện Bảo tàng Quân đội. Tháng 7 năm nay, Viện Bảo tàng Quân đội có một hoạt động đầy ý nghĩa: Tổ chức thành công cuộc giao lưu với Trung tâm Điều dưỡng thương bệnh binh nặng Liêm Cần - Hà Nam. Tình cảm của cuộc gặp gỡ vượt xa niềm mong đợi.

Những bài ca, điệu múa “các diễn viên” phải tập luyện  ngoài giờ từ mấy tháng nay và được thể hiện bằng trái tim tha thiết, sẻ chia, cảm thông... Cũng còn bởi có sự đồng cảm của những người cùng chung cảnh ngộ: Từ anh thương binh hỏng  mắt - họa sĩ Lê Duy Ứng đến anh thương binh Đại tá - Anh hùng Giám đốc Bảo tàng Quân đội Lê Mã Lương...

“Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”

Thế hệ chống Mỹ, cứu nước hẳn còn nhớ tháng 5-1971,  Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phát động phong trào thanh niên cả nước học tập gương chiến đấu của hai anh hùng trẻ tuổi là Lê Thị Hồng Gấm và Lê Mã Lương. “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” - đó là câu nói nổi tiếng của Lê Mã Lương ở thời điểm cả nước sục sôi khí thế chống Mỹ, cứu nước. Câu nói ấy vốn là những dòng nhật ký Lê Mã Lương tâm sự với bạn bè  và tự động viên mình trước khi vào trận đánh, đã được nhà báo Khánh Vân khai thác đăng trên Báo Quân đội Nhân dân. Lê Mã Lương xếp bút nghiên vào chiến trường, nối tiếp truyền thống của người cha đã chiến đấu và hy sinh ở Điện Biên Phủ thời chống Pháp. Ở mặt trận Bình Trị Thiên cũng như các đồng đội của mình, Lê Mã Lương noi gương chiến đấu của Nguyễn Viết Xuân và người chính trị viên đại đội Lê Văn Tiền. Ba lần bị thương, sau điều trị là ba lần Lê Mã Lương trở lại chiến  trường tiếp tục chiến đấu. Năm 21 tuổi, Lê Mã Lương được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân... Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, Lê Mã Lương giữ lời hứa với bạn bè, học tập nghị lực của Pa-ven Coóc-sơ-sa-ghin (nhân vật chính trong Thép đã tôi thế đấy) bước vào giảng đường đại học. Anh tốt nghiệp cử nhân lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội loại ưu (đỗ thủ khoa), lại được đào tạo ở Học viện Quân sự, Học viện Chính trị và lớp lý luận cao cấp - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Giám đốc Lê Mã Lương

Năm 1998, Lê Mã Lương được bổ nhiệm làm giám đốc Viện Bảo tàng Quân đội. Công tác bảo tàng đối với Lê Mã Lương không phải là điều bất ngờ. Anh coi đó là niềm đam mê chẳng kém gì những hoài bão của tuổi trẻ thời chiến được ra mặt trận bảo vệ Tổ quốc. Những hiện vật của đồng đội, của bạn bè, của các anh hùng quân đội, những kỷ vật của những bà mẹ Việt Nam anh hùng... thấm đẫm mồ hôi và máu của bao thế hệ người Việt Nam đã làm Lê Mã Lương bồi hồi xúc động.

Hàng ngày nhìn những đoàn xe đổ về bảo tàng, những dòng khách trong và ngoài nước cứ nối tiếp vào từng gian trưng bày, Lê Mã Lương nhận ra một điều: Bảo tàng có sức hút kỳ lạ đối với thanh thiếu niên, đối với mọi người; đơn giản vì nó tác động đến tâm can mỗi người xem.

Tâm sự với tuổi trẻ

Có lần Lê Mã Lương tâm sự với chúng tôi: “Năm nay tôi tròn 35 tuổi quân, 34 tuổi Đảng, hơn 50 tuổi đời. Tôi đã đi khắp các vùng của đất nước, có một cảm nhận, sự tin tưởng sâu sắc rằng đất nước ta có trường tồn và phát triển đúng hướng theo ý nguyện của Bác Hồ - thoát ra khỏi  nghèo nàn, lạc hậu; có vai trò trong khu vực và trên trường quốc tế hay không,  ngoài sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng, không ai có thể làm thay trọng trách này của thế hệ trẻ”.

Lê Mã Lương còn là Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Anh luôn quan tâm, tin vào lớp trẻ. Theo anh, cần bồi dưỡng tài năng trẻ trên mọi lĩnh vực, tạo điều kiện cho họ tự khẳng định mình. Một vấn đề quan trọng khác anh Lê Mã Lương cũng rất quan tâm là vai trò của những người lãnh đạo phong trào thanh niên. Theo anh họ phải thực thụ là những người đam mê,  trăn trở, chăm lo và gắn bó với phong trào thanh niên. Phải tránh cho được tình trạng “quan chức” trong phong trào thanh niên, bớt đi những hình thức rườm rà, những phô trương lãng phí... Xây dựng cho được cốt cách bản sắc văn hóa Việt Nam, tạo nên hình ảnh đẹp của thanh niên thời đại Hồ Chí Minh...