Tàu E1 hành trình Hà Nội - TPHCM bị tai nạn: 13 người chết hơn 100 người bị thương

(NLĐ) - Vào lúc 11 giờ 40 ngày 12-3-2005, tàu E1 (hành trình 29 giờ, xuất phát tại Hà Nội vào lúc 23 giờ ngày 11-3-2005 với đầu máy mang số 909 của Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội) - do tài xế Bùi Thái Sơn điều khiển - khi đi vào địa phận Cung đường Lăng Cô ở Km 751+100 (giữa thôn Hói Mít và Hói Dừa, thị trấn Lăng Cô, Thừa Thiên - Huế) đã xảy ra tai nạn trật bánh làm 8/13 toa xe bị nghiêng (từ toa 3 đến toa 10, trong đó 2 toa xe số 6 và 7 bị thiệt hại nặng).

Vụ tai nạn này làm chết 13 hành khách (tính đến 19 giờ ngày 12-3) và hơn 100 hành khách khác bị thương, trong đó có hơn 30 trường hợp nặng phải đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Trong số hành khách bị tử vong, có 3 cán bộ, giáo viên của ngành GD-ĐT TP Đà Nẵng trên đường đưa học sinh đi thi học sinh giỏi tại tỉnh Vĩnh Phúc và Thái Nguyên trở về Đà Nẵng. Thương tâm hơn là gia đình ông Nguyễn Đức Phượng, sinh năm 1946, trú tại 10C Yên Thái, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cả gia đình gồm 14 người là bà, em, cháu... cùng vào Đà Nẵng để dự đám cưới nhưng tai nạn đã cướp mất của gia đình ông 3 người thân (chết tại chỗ) và một bà thím 80 tuổi bị thương nặng phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa  Đà Nẵng.

Toàn cảnh vụ tai nạn

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, hành khách tàu E1, toa số 1 - bà Nguyễn Bích Ngọc, 55 tuổi, trú tại 28 Phố Phùng Hưng - Hà Nội cho biết, bà vào TPHCM thăm con, khi đến khúc cua của đoạn đường này, tàu chạy quá nhanh, bà bị nôn, sau đó hành lý trên tàu bị đỗ xuống do tàu rung mạnh. Khoảng 5, 6 phút sau thì tàu dừng hẵn. Khi đó bà mới biết là tàu bị tai nạn. Chị Nguyễn Thị Thanh Nga (26 tuổi) và chị Nguyễn Minh Hoa (40 tuổi) đều là nhân viên bán hàng tàu E1 nói thêm: Lúc đang giao cơm trưa cho hành khách ở toa 11 (toa cuối cùng) thì tàu nghiêng về bên phải, nghiêng về bên trái, người và đồ đạc trong toa đều rơi cả xuống sàn tàu, sau đó ít phút tàu nghiêng luôn, may là một số toa gần cuối vướng vào một trụ điện.

img
Những nạn nhân của vụ tai nạn

Lực lượng cứu hộ (các Bệnh viên và Trung tâm cấp cứu) của tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng cũng đã có mặt kịp thời sau hơn 50 phút khi tai nạn xảy ra và cùng phối hợp với lực lượng cứu hộ tại chỗ để chuyển những người bị thương đi cấp cứu. Thiếu tá Lê Văn Phương, Đồn trưởng 236 Bộ đội Biên phòng cho biết, sau khi tai nạn xảy ra 10 phút, do xe cứu hộ không thể đi vào đến tận nơi nên đơn vị đã huy động chiến sĩ toàn đơn vị và nhân dân khu vực thị trấn Lăng Cô dùng canô, thuyền, ghe để đưa những người bị thương, người chết vào bờ để đưa đi cấp cứu. Nhờ vậy giảm được số người bị tử vong. Ông Nguyễn Văn Mễ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, dù nặng, dù nhẹ, việc đầu tiên là phải tập trung cứu các bệnh nhân bị thương qua tai nạn này; huy động nhân dân tại chỗ, lực lượng quân đội, biên phòng, công an bảo vệ hiện trường để giúp ngành đường sắt bảo vệ hành lý của hành khách, khẩn trương thông tuyến để đưa hành khách đi và về đúng thời gian quy định.

Một nạn nhân được lấy ra từ toa tàu bị đổ

Riêng số hành khách may mắn trong tai nạn này, ngoài số hành khách về Đà Nẵng đã được Ga Lăng Cô trung chuyển về Đà bằng ô tô, theo chỉ đạo của Tổng Cục Đường sắt Việt Nam, Ga Lăng Cô đã kịp thời tổ chức đoàn tàu có 8 toa khách để đưa 288 hành khách còn lại (trong đó có gần 60 khách nước ngoài) tiếp tục đi TPHCM vào lúc 17 giờ 15 phút cùng ngày. Ông Lê Minh Điểu, Trưởng Ga Lăng Cô cho biết: Đoạn đường này đảm bảo quy trình của chạy tàu với tốc độ từ 30 - 40km/h. Đây là lần đầu tiên đoạn này bị tai nạn. Chúng tôi đang tổ chức các công đoạn để vận chuyển và đưa vào kho cất giữ hành lý của hành khách, đảm bảo đúng nguyên tắc của ngành. Hiện tàu cứu hộ cũng đã đến hiện trường và bắt tay vào việc, chắc chắn sau 12 tiếng đồng hồ, việc thông tuyến sẽ sớm hoàn tất.

Sự cố xảy ra tai nạn của tàu E1 đang được ngành đường sắt và các cơ quan chức năng phối hợp điều tra làm rõ. Nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, rất nhiều hành khách bất bình với cách chạy tàu quá nhanh để đến ga đúng giờ quy định như hiện nay của ngành đường sắt Việt Nam. Họ cần ngành đường sắt vẫn đảm bảo quy trình nhưng củng phải tính đến sự an toàn và tính mạng của hành khách. Khi chúng tôi ra ngoài Ga Lăng Cô, vẫn còn đó hơn 30 hành khách với nhiều hành lý đi TPHCM không chịu lên tàu, họ muốn tự hợp đồng xe về Đà Nẵng ở lại chờ mua vé máy bay cho an toàn, sau đó có gì họ sẽ khiếu nại đến ngành đường sắt.

img
Ông Ngô Đức Phương (Hà Nội) thân nhân của 3 nạn nhân chết trong vụ lật tàu.

Tại Bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng, có 33 hành khách gặp nạn đang được điều trị, hàng trăm người nhà các bệnh nhân đến tìm người thân, gây nên cảnh hỗn loạn trước cổng bệnh viện. Trong số hành khách trên chuyến tàu định mệnh này có đoàn giáo viên (20 thầy cô giáo) của TP Đà Nẵng đi chấm thi học sinh giỏi toàn quốc tại 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Thái Nguyên trở về và gặp nạn đang được điều trị tại bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng. 3 trong số 20 thầy cô giáo đã tử nạn, gồm: Thầy giáo Thái Hồng Nguyên (cán bộ sở GD-ĐT TP Đà Nẵng), thầy giáo Mai Hải (giáo viên trường Thái Phiên) và cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Thảo (giáo viên dạy Anh văn trường Phan Chu Trinh). Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Hùng, trưởng phòng tổ chức hành chính Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho biết, hiện 3 xác của thầy cô này đã được đưa vào nhà an táng của TP Đà Nẵng, đồng thời Sở đang tập trung lo chăm sóc sức khoẻ cho các thầy cô gặp nạn.

img
Ông Ngô Hoà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có mặt tại hiện trường

Theo bác sĩ Cao Văn Trí, người trực tiếp cấp cứu cho các bệnh nhân này, trong số 33 trường hợp đang điều trị tại đây, có 7 bệnh nhân bệnh nặng (5 ca chuyển mổ và 2 ca chuyển phòng hồi sức đặc biệt). Ông Hoàng Văn Thịnh (đi trên toa số 7, quê Bắc Giang), mình đầy thương tích đang nằm điều trị tại phòng cấp cứu bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng, vẫn chưa hết hoảng sợ kể cho chúng tôi nghe: “Khi ăn cơm trưa vừa xong đang ngồi uống nước, bất ngờ toa tàu rung chuyển, tôi vừa kịp bám vào thành giường thì tàu lật úp và tôi không biết gì nữa”. Còn chị Đoàn Thị Trang (quê Hà Nội) cùng chồng là Nguyễn Văn Sước vào thăm con ở Thủ Đức, nói: “Lúc ấy ăn cơm trễ chưa ai đi ngủ, nếu không vợ chồng tôi đã chết rồi”. Em Trịnh Quốc Dương, người may mắn không bị thương trên chiếc tàu định mệnh này, đang chăm sóc cho mẹ mình bà Nguyễn Thị Tuyết, cho biết đoàn của Dương gồm có 8 người, nhưng bây giờ không biết 6 người kia sống chết ra sao.

img
Toa tàu bị đứt rời ra

Theo ông Khuất Hữu Tứ, Trưởng văn phòng đại diện Tổng Công ty đường sắt Việt Nam tại Đà Nẵng, it nhất 15 giờ sau, mới thông đường trở lại. Hiện các hành khách trên chuyến tàu này sẽ được ngành đường sắt Việt Nam phối hợp với các ngành chức năng của các tỉnh địều động xe để vận chuyển hành khách vào TP HCM. Hiện nay hơn 1.000 hành khách trên 2 chuyến tàu vào TP HCM và ra Hà Nội cũng bị mắc lại, nằm chờ tại ga Đà Nẵng. 

Ghi nhận tại Bệnh viện Trung ương Huế

Tất cả số nạn nhân bị thương và chết tại bệnh viện Trung ương Huế là 40 người, trong đó có 8 trường hợp phải phẫu thuật do bị gãy chân, tay, chấn thương sọ não, vỡ gan, ( trong số này có 1 người bị chết, 1 người bị thương rất nặng đang hồi sức) số còn lại chỉ xử lý bó bột, khâu vết thương. Ngay khi nhận được tin cấp cứu, mặc dù ngày nghi cuối tuần, nhưng Ban giám đốc Bênh viện Trung ương Huế đã huy động thêm 100 cán bộ , bác sĩ đến giải quyết cấp cứu (cùng 300 cán bộ đang trực tại các khoa , phòng) ,điều một xe cấp cứu cùng đội ngũ bác sĩ chuyển bệnh nhân từ Lăng cô về Bệnh viện, huy động mọi máy móc phương tiện, máu và dịch truyền phục vụ bệnh nhân , lực lượng bảo vệ của bệnh viện thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ tài sản cho bệnh nhân. Ngay khi nhận được tin tai nạn xảy ra, toàn thể lãnh đạo Đảng, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã chia thành 2 bộ phận, một bộ phận có mặt tại hiện trường, một bộ phận vào Bệnh viện Trung ương Huế cùng tham gia chỉ đạo việc cứu chữa bệnh nhân. Các cán bộ đường sắt của Ga Huế cùng đến Bệnh viện Trung ương Huế để giải quyết công việc.

imgimg

imgimg