Tham nhũng vặt tràn lan

Gây lãng phí thời gian, tiền bạc và tâm lý bức xúc cho doanh nghiệp nhưng nếu doanh nghiệp không hối lộ thì cán bộ, công chức sẽ có đủ cách để “hành”

Ngày 12-11, Thanh tra Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đại sứ quán Anh tại Việt Nam cùng Bộ Phát triển quốc tế Anh đã tổ chức buổi đối thoại về phòng chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 12 giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các nhà tài trợ, đối tác phát triển quốc tế.

70% chủ động, 30% bị gợi ý

Thanh tra Chính phủ đã có một báo cáo về kết quả nghiên cứu “Tham nhũng, hối lộ, gian lận trong hoạt động của doanh nghiệp (DN) - thực trạng và giải pháp” bằng hình thức khảo sát các văn bản, thông tin, phỏng vấn đối với 832 người tại 232 DN ở 5 tỉnh, thành phố (Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, TP HCM, Bình Dương). Những người được phỏng vấn là chủ tịch/thành viên HĐQT, giám đốc/phó giám đốc, trưởng ban kiểm soát/kế toán trưởng, lãnh đạo phòng/ban...

Đa số DN tham gia cuộc khảo sát khẳng định phải chi các khoản tham nhũng vặt (tiền hối lộ nhỏ). Trong đó, 70% chủ động đưa để được giải quyết công việc nhanh chóng; 30% là do cán bộ, công chức gợi ý.
img
Các đại biểu tham gia cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 12 Ảnh: TTXVN

Tham nhũng vặt phổ biến tới mức 81% DN cho biết việc này đã gây lãng phí thời gian, chi phí và tâm lý bức xúc cho họ. Tuy nhiên, nếu DN không hối lộ thì cán bộ, công chức sẽ có đủ hình thức để “hành”, như: cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc, không giải thích rõ quy trình, cố tình bắt lỗi…

Hình thức tham nhũng, hối lộ trong quan hệ giữa DN nhà nước và DN tư nhân phổ biến là lãnh đạo, quản lý DN nhà nước nhận hoa hồng, “gửi giá” trong các hợp đồng ký kết với DN tư nhân. 68% DN tư nhân cho biết phải chi hoa hồng để có hợp đồng với DN nhà nước; 40% nói phải sử dụng “chi phí không chính thức” để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Báo cáo năm 2012 của VCCI cho thấy 41% DN tư nhân đã đưa hối lộ để có hợp đồng với cơ quan nhà nước (năm 2011 là 23%).

Phải cam kết không hối lộ

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết tham nhũng, hối lộ trong hoạt động của DN tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội; làm tăng chi phí, phá vỡ nền tảng quản trị của DN và tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các DN trên thị trường. Các luật hiện hành đều chế tài nghiêm khắc tội hối lộ, gian lận thương mại… nhưng chưa đủ mạnh để ngăn chặn và xử lý hiệu quả.

Ông Antony Stokes, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, cho rằng đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam không phải là nhiệm vụ nhỏ. Theo ông, tham nhũng là thách thức với Việt Nam bởi “sức khỏe” của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận đang có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong cộng đồng DN. Để PCTN đạt hiệu quả thì phải xử lý nghiêm cán bộ, công chức nhận hối lộ và hành vi đưa hối lộ. Cho nên, DN cũng phải ký cam kết PCTN, bởi đó là mục tiêu quan trọng để PCTN hiệu quả.

Cần ủy ban phòng chống tham nhũng độc lập

Một giải pháp quan trọng mà nhóm nghiên cứu đưa ra là phải tính toán lại mức tiền lương trả cho cán bộ, công chức. Sự chênh lệch tiền lương quá lớn giữa khu vực công và tư nhân khiến cán bộ, công chức phải tìm mọi cách tăng thu nhập.

Nhóm nghiên cứu cho rằng hiện có nhiều cơ quan chịu trách nhiệm về PCTN nhưng không phân công rõ ràng trách nhiệm thi hành. Vì thế, cần có một ủy ban PCTN, càng độc lập với Chính phủ càng tốt. Trong đó, trưởng ban chịu trách nhiệm bảo đảm càng nhiều trường hợp tham nhũng theo tố giác bị truy tố càng tốt. Ủy ban này phải đủ quyền hạn cần thiết để điều tra, truy tố đối tượng liên quan tham nhũng.

Nhóm nghiên cứu cho rằng những hình thức khen thưởng và bảo vệ người tố cáo đang áp dụng là chưa đầy đủ, cần tính đến việc khuyến khích DN và cá nhân tố giác hành vi nhũng nhiễu cho cơ quan chức năng (gồm cả thưởng tiền phù hợp và biện pháp bảo vệ).