Thấm thía nỗi đau, càng thêm tự hào
Hãy cho các em đến với các bảo tàng, các khu di tích. Nơi đây, các em sẽ có những bài học lịch sử thấm thía, gần gũi
Cách nay vài ngày, tôi đưa đoàn khách du lịch nước ngoài đi tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Trong khi đang nói cho du khách biết đến hậu quả nặng nề của chất độc màu da cam, cả tôi và những du khách nước ngoài đều phải khựng lại vì trước mắt chúng tôi là một học sinh lớp 6 đang đứng lặng người trước cái bình đựng một thai nhi bị biến dạng do ảnh hưởng của chất độc màu da cam (mà chúng ta quen gọi là quái thai). Và em khóc. Liệu có bài học lịch sử nào thấm thía hơn thế, gần gũi hơn thế.Hiện nay, chúng ta đang phải cố gắng bằng nhiều cách để “dân ta phải biết sử ta”. Cố gắng điều chỉnh cách dạy của giáo viên sao cho hấp dẫn học trò. Cố gắng điều chỉnh nội dung sách giáo khoa sao cho phù hợp với từng lứa tuổi. Chúng ta đòi hỏi phải có những bộ phim truyền hình hấp dẫn về lịch sử của nước nhà như của Trung Quốc. Mong muốn như vậy nhưng chúng ta thử nghĩ lại: Điều kiện vật chất kỹ thuật của chúng ta chưa cho phép làm những bộ phim hoành tráng như thế. Mà làm một bộ phim lịch sử nếu quá đơn điệu sẽ chẳng ai thèm xem. Tôi nghĩ rằng không phải các nhà làm phim không nhận ra điều này nhưng họ đang bất lực. Để làm được những điều này không thể một sớm một chiều.
Trước khi làm được những điều đó, chúng ta hãy biết tận dụng những gì mình đang có. Đó chính là những bảo tàng, những di tích lịch sử- những minh chứng hào hùng nhất cho lịch sử nước nhà. Trên khắp dải đất hình chữ S của chúng ta đâu đâu cũng có những di tích lịch sử đáng tự hào. Hãy cho các em được “hành” nhiều hơn học, được cảm nhận lịch sử, được đau cùng nỗi đau của ông cha. Tự hào với những gì ông cha làm được. Tại sao du khách nước ngoài khi đến thăm Việt Nam bao giờ chúng ta cũng muốn đưa họ đi các viện bảo tàng. Bởi lịch sử đất nước cho phép chúng ta được tự hào, được ngẩng cao đầu với bạn bè quốc tế.
Hãy cho các em học từ những bài học lịch sử sống như thế. Có cảm thấy, có đau đấy, có tự hào đấy mới giúp các em cảm thấy yêu đất nước, yêu những giờ học lịch sử hơn, mong muốn tìm hiểu lịch sử nước nhà. Những thầy cô giáo hãy làm những hướng dẫn viên du lịch nhiệt tình nhất, sáng tạo nhất, năng động nhất để giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu sử ta và hơn hết là yêu việc tìm hiểu lịch sử nước nhà. Đừng biến điểm số thành áp lực nặng nề. Hãy làm sao để các em hiểu học lịch sử là điều cần thiết, để mỗi khi có một người nước ngoài hỏi, các em có thể ngẩng cao đầu tự hào trả lời về lịch sử nước nhà.