“Thần đèn” Nguyễn Cẩm Luỹ chinh phục người Pháp
Hồi 20 giờ 30 tối qua 24-4, “lâu đài” nặng 1.500 tấn ở khu du lịch Việt - Pháp, thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam được “thần đèn” Nguyễn Cẩm Luỹ di dời thành công đến vị trí mới cách 11 mét, trong tiếng vỗ tay ngưỡng mộ của mọi người.
Sai một ly đi một… tỉ!
Ngôi biệt thự cao hai tầng, diện tích 962 m2 với 25 phòng được xây kiên cố ngay sát ven biển ở Khu du lịch Việt - Pháp. Khi ngôi nhà sắp hoàn thành thì chủ đầu tư mới phát hiện ra sai sót: Công trình này đã che khuất tầm nhìn một nhà hàng bênh cạnh để nhìn thấy mũi Kê Gà - nơi có ngọn Hải đăng bằng đá hoa cương cao nhất Việt Nam được xây dựng từ Thế kỉ 19.
Ông chủ người Pháp của khu du lịch đã đồng ý bỏ ra 1,4 tỉ đồng để kí với “thần đèn”: Nếu không kéo được vào 11 mét, thì “thần đèn” phải chịu bồi thường toàn bộ chi phí công trình và hoàn nguyên trạng thái ban đầu. Ông Nguyễn Cẩm Luỹ đã tiến hành khảo sát và cho công nhân đào đất dưới nền từ tháng 12-2006.
Hàng trăm mét khối đất, cát được các công nhân đào bằng phương pháp thủ công. Song, do sự tính toán của bộ phận kĩ thuật không chính xác, nên khối lượng đất cát cần phải di chuyển nhiều hơn so với tính toán. Chủ đầu tư “nóng ruột” nên “thần đèn” phải dùng đến máy xúc để kịp tiến độ. Sau hơn 3 tháng miệt mài, toàn bộ phần móng của căn nhà nặng hơn 1.500 tấn này đã được đưa lên khỏi mặt đất.
Công nhân đã lót ở phía dưới toàn bộ căn nhà này bằng 14 đường rãnh bê tông chịu lực. Đây là lần đầu tiên ông Luỹ di chuyển nhà trên cát. Nên mọi thao tác kĩ thuật được “nhà khoa học” nông dân này tính toán hết sức cẩn thận và chi tiết.
Thực tế khi tiến hành triển khai có xảy ra sụt lún do nền móng nằm trên cát. Nhưng những sự cố này theo “thần đèn” thì nó đã nằm trong dự đoán của bộ phận kĩ thuật, nên việc khắc phục chống lún là không mấy khó khăn.
Chinh phục người Pháp!
Chứng kiến toàn bộ công trình trong suốt những ngày qua, chúng tôi đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác. Với một người “ít học” như “thần đèn” nhưng lại sử dụng một công nghệ mà những kĩ sư chuyên về kĩ thuật động lực học cũng phải “lắc đầu”.
Ông Nguyễn Cẩm Luỹ cho biết, đây là công trình thứ 250 và chưa một công trình nào ông thất bại. Sở dĩ ông ít đến công trường là do làm nhiều công trình khác trên khắp cả nước. Hiện đã có khách hàng mới ở Bình Thuận là chủ các resort đã mời ông đến khảo sát công trình của họ. |
Dùng phương pháp “con đội” dưới mỗi trụ bê tông của căn nhà. Chỉ chưa đến 20 công nhân, nhưng toàn bộ khối bê tông cốt thép nặng hơn 1.500 tấn được nâng cao đến 0,5 mét. Nằm trên “đường ray” bê tông chịu lực là một lớp thép lá dày 10mm, rộng 30 cm. Trên lớp thép lá là hệ thống con lăn bằng ống thép kim loại (hơn 1.000 ống) dày 20mm, dài 60 cm có phuy khoảng 5 cm.
Cứ 8 con lăn được nằm dưới một thanh gỗ chịu lực dài khoảng 2 mét và dày 15 cm. Theo con trai ông Nguyễn Cẩm Luỹ thì đây là yếu tố kĩ thuật quan trọng, quyết định thành công việc di dời căn nhà và cực kì khó làm.
Với 4 nút gút vào các trụ chính của căn nhà và được đấu nối đến hai đầu của máy kéo thuỷ lực hơi. Đây là lần đầu tiên “thần đèn” áp dụng kĩ thuật kéo bằng bơm thuỷ lực, vận hành bằng hai máy nổ công suất lớn. Trước kia, các công trình mà ông Luỹ làm chỉ kéo bằng ròng rọc. Ngày đầu tiên kéo căn nhà chỉ xê dịch được so với vị trí ban đầu là… 0,5 m.
Sở dĩ quá chậm như vậy là do bị đứt cáp liên tục. Một công nhân “thiện chiến” vận hành đường cáp cho biết, điều này chứng tỏ có tính sai về trọng lượng của căn nhà. Thực ra nó nặng trên 1.500 tấn chứ không phải 1.300 tấn như trong chiết tính ban đầu.
Trả lời phỏng vấn báo chí ngay tại công trường, ông Nguyễn Cẩm Luỹ thừa nhận có những tính toán sai về kĩ thuật, dẫn đến phải kéo dài thời gian hợp đồng. Lúc đầu ông chủ người Pháp có vẻ hoài nghi về tính khả thi vì “chưa từng thấy ở Pháp” dù nền khoa học của Pháp hơn Việt Nam rất nhiều.
Khi biết “thần đèn” có học vấn thấp thì chủ đầu tư càng tỏ ra lo ngại. Đặc biệt, ông Nguyễn Cẩm Luỹ rất ít khi có mặt ở công trường mà giao cho con trai mình chỉ huy. Nhưng chỉ khi chứng kiến ngôi nhà bỗng dưng được “nhấc” lên một giá trượt cao hơn so với mặt đất là 0,5 mét thì ông Gilles Poggi, chủ khu du lịch Việt- Pháp mới gật đầu thông cảm và chấp nhận vì sao công trình của “thần đèn” bị kéo dài.