Than lậu lấy từ mỏ “chính ngạch”

Thay thế toàn bộ cán bộ cửa khẩu Vạn Gia để kiểm điểm Kết hợp với Biên phòng, Công an Quảng Ninh đang tiếp tục xác minh nguồn gốc hơn 80.000 tấn than trên 100 xà lan biển bị tạm giữ.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, trung tá Đỗ Công Sáu, Phó phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ PC15, người nhiều năm theo dõi hoạt động ngành than nhận định: không thể coi số hàng trên chỉ từ các lò khai thác nhỏ lẻ, tư nhân (than “thổ phỉ”).

Than nhặt mót tận thu?

Theo ông Sáu, từ năm ngoái tỉnh đã chỉ đạo công an và chính quyền các huyện tấn công mạnh vào lò “thổ phỉ” (lậu), 361 lượt cửa lò khai thác than trái phép đã bị phá sập. Đầu năm nay, Công an tỉnh mở tiếp đợt cao điểm xử lý 382 lò, điểm khai thác thu gom trái phép. Đặc điểm các lò tư nhân này là chỉ mở mót than ở những vỉa nhỏ, trữ lượng không đáng kể, khai thác thủ công nên tổng sản lượng có chăng chỉ vài chục vạn tấn mỗi năm. Đây là con số rất nhỏ nếu so với 10 triệu tấn xuất khẩu tiểu ngạch năm 2007, và 31 triệu tấn mà tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) nhập từ Việt Nam qua các con đường khác nhau.

Phân tích hiện tượng này, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng cho hay thời gian gần đây, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Than khoáng sản (TKV) có cơ chế cho tư nhân, doanh nghiệp bên ngoài vào hoạt động trong các khai trường thuộc quyền quản lý của TKV dưới hình thức tận thu than rơi vãi và khai thác các mỏ trữ lượng ít. Hàng chục hợp đồng kiểu như vậy đã bị công an phát hiện.

Vấn đề gây nghi ngờ là làm sao tin được than mà tư nhân, doanh nghiệp bên ngoài đưa ra khỏi khai trường của TKV chỉ là hàng nhặt mót, tận thu? Thực tế, năm 2006 Công an thị xã Uông Bí đã phát hiện một số bảo vệ mỏ, nhân viên trạm cân, lái xe mỏ than nhà nước rút ruột từ kho 180 tấn than cục. Gần đây nhất, ngày 24-3, Công an thị xã lại bắt được ba nhân viên bảo vệ Công ty Than Vàng Danh thông đồng với bên ngoài đưa máy xúc, ôtô lấy 150 tấn than. Và ngày 28-3, ở kho của Công ty 91 thuộc Tổng Công ty Đông Bắc (doanh nghiệp quân đội nhưng là thành viên TKV) có vụ bắt quả tang hai ôtô tải, máy xúc của Tô Ích Đàm trộm cắp 100 tấn than. Lần theo manh mối này, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh phát hiện bãi than hơn 4.600 tấn có nguồn gốc không rõ ràng.

Đi sai địa chỉ qua Trung Quốc

Kết quả xác minh ban đầu về nguồn gốc than trên hơn 100 tàu đang bị tạm giữ còn cho thấy con đường khác của than xuất lậu. Đó là từ chính những doanh nghiệp có hợp đồng mua hàng với doanh nghiệp ngành than với giá nội địa, nói là sử dụng trong nước. Trung tá Đỗ Công Sáu phân tích: lâu nay với thị trường trong nước, TKV thực hiện cơ chế bán than tại nguồn tiêu thụ. Doanh nghiệp trong nước có nhu cầu thì hợp đồng với các công ty trong TKV và sẽ được người bán bố trí phương tiện vận chuyển giao hàng tận bến bên mua. Tuy nhiên, có trường hợp Công an Quảng Ninh phát hiện tàu chở than thay vì đến bên mua lại quay đầu chạy thẳng sang Trung Quốc. Điều tra thì doanh nghiệp mới nại ra rằng vì điều chỉnh hoạt động, họ không cần sử dụng than nữa nên bán sang tay cho nước ngoài. “Những vụ như vậy, ai cũng hiểu là có thông đồng giữa bên bán - mua - vận chuyển để xuất khẩu hưởng chênh lệch giá” - ông Sáu nhận xét.

Trả lời về trách nhiệm của ngành, Chủ tịch HĐQT TKV Đoàn Văn Kiển thừa nhận than xuất lậu không chỉ từ nguồn khai thác trái phép mà có cả than khai thác chính ngạch của doanh nghiệp, đơn vị được cấp phép, bởi chênh lệch giá trong nước với giá xuất khẩu quá lớn. Đây chính là lý do TKV nhiều lần đề nghị Chính phủ nâng giá bán than đang áp dụng với các hộ tiêu thụ lớn (điện, xi-măng, thép...). Tuy nhiên, ông Kiển cũng cho rằng nguồn than xuất lậu này không chỉ dính tới doanh nghiệp thuộc TKV mà cả doanh nghiệp bên ngoài của các địa phương, công ty nước ngoài được cấp phép khai thác.

Ai tiếp tay than lậu?

Tháng 10-2007, Bộ Công thương ban hành hai thông tư số 04, 05 về điều kiện kinh doanh than và xuất khẩu than. Theo đó, than có nguồn gốc hợp pháp phải là than được khai thác, chế biến bởi tổ chức, cá nhân có giấy phép khai thác, giấy phép tận thu, giấy phép chế biến than hoặc là than nhập khẩu, than do cơ quan chức năng phát mại. Thương nhân kinh doanh than phải đáp ứng hàng loạt điều kiện về bến bãi, phương tiện vận tải, bốc rót, đảm bảo môi trường, nhân viên phải có trình độ nghiệp vụ... Ngoài ra, chỉ cho xuất khẩu than có “nguồn được mua trực tiếp” từ các nguồn nói trên. Như vậy, việc giả vờ mua dùng nội địa rồi xuất khẩu kiếm chênh lệch giá bị coi là gian lận thương mại.

Tuy nhiên, kết quả xác minh ban đầu hơn 100 tàu than đang bị tạm giữ cho thấy giấy tờ chứng minh nguồn gốc, chứng minh đã đáp ứng các điều kiện kinh doanh và xuất khẩu than nêu trên rất “lởm khởm”. Thế nhưng những năm gần đây vẫn có hàng triệu tấn than lọt qua kiểm soát của các cơ quan chức năng, hải quan, biên phòng để sang Trung Quốc.

Về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng khẳng định là hẳn phải có nguyên nhân từ sự buông lỏng quản lý, tiếp tay gian lận thương mại của một số cán bộ chính quyền địa phương cũng như cán bộ các cơ quan công an, biên phòng, cảng vụ, hải quan. Bên cạnh đó, có dấu hiệu cho thấy cả giám đốc của doanh nghiệp thuộc TKV còn chia phần trăm để cho phép tư nhân bên ngoài vào khai thác trong khai trường do mình quản lý.

Được biết, trong cuộc ra quân quyết liệt chấn chỉnh tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép than này, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo thay toàn bộ cán bộ cửa khẩu Vạn Gia để kiểm điểm.

Pháp Luật TP.HCM sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này trên các số báo kế tiếp.