Tháp truyền hình Nam Định yếu hơn thiết kế

Mặc dù tháp truyền hình Nam Định được thiết kế chịu được bão cấp 12, thấp hơn quy định nhưng vào thời điểm nó đổ sập, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão ở khu vực này mới đến cấp 11

Chiều 1-11, ông Trần Anh Tú, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Nam Định, cho biết vừa báo cáo UBND tỉnh về quá trình đầu tư xây dựng Trung tâm Kỹ thuật Phát thanh - Truyền hình tỉnh Nam Định.

Công trình liên tục đội giá

Theo báo cáo nói trên, dự án Trung tâm Kỹ thuật Phát thanh - Truyền hình tỉnh Nam Định đã liên tục đội giá so với dự toán ban đầu. Theo quyết định phê duyệt lần 1 năm 2003 của UBND tỉnh Nam Định, dự án gồm tháp ăng-ten cao 180 m, nhà đặt máy phát hình rộng 550 m2… có tổng mức đầu tư 18,467 tỉ đồng, trong đó thiết bị (bao gồm ăng-ten cao 180 m) là 10,764 tỉ đồng. Quyết định phê duyệt lần 2 (năm 2004), tổng mức đầu tư tăng lên 35,716 tỉ đồng, trong đó thiết bị chiếm 12,674 tỉ đồng. Đến phê duyện lần 3 (năm 2012), tổng mức đầu tư lại tăng lên 77,927 tỉ đồng, trong đó thiết bị là 13,569 tỉ đồng.

Ông Trần Anh Tú cho rằng việc tháp ăng-ten cao 180 m chịu được sức gió ở mức 120 km/giờ (tương đương cấp 12) được thiết kế theo tiêu chuẩn cấu trúc cho tháp ăng-ten và các khung đỡ ăng-ten bằng thép EIA 2222F của Hiệp hội Công nghiệp điện tử và Hiệp hội Viễn thông phù hợp với tiêu chuẩn của Viện Tiêu chuẩn Quốc gia Mỹ.
 
Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện Việt Nam (VTC) đã trúng thầu trọn gói cung cấp thiết bị (tháp ăng-ten nguyên chiếc đồng bộ hoàn chỉnh 100%, sản xuất tại Malaysia, bao gồm cả hồ sơ thiết kế kỹ thuật, phụ tùng thay thế và tài liệu kèm theo). Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công trình Viettel trúng thầu xây lắp móng tháp, lắp dựng tháp ăng-ten.

Chưa rõ vì sao tự thay đổi tiêu chuẩn

 Tuy nhiên, có thể nhận thấy trong văn bản của mình, ông Trần Anh Tú không đưa ra lý do về việc đề xuất UBND tỉnh Nam Định phê duyệt mua tháp chỉ chịu được sức gió 120 km/giờ vào năm 2005, trong khi theo TCVN 2737-1995 lúc đó, tiêu chuẩn tháp truyền hình phải chịu được gió trên 181 km/giờ. “Nhà nước đặt ra tiêu chuẩn để tuân thủ chứ không phải để các cá nhân, đơn vị tự ý sửa đổi. Ngoài làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, tôi nghĩ rằng phải xem xét cả “ông” tư vấn, thẩm định dự án này” - ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, bày tỏ.

Ông Trần Anh Tú giải thích: Đêm 28-10, bão cực mạnh (giật trên cấp 12) nên tháp truyền hình đã đổ gục. Tuy nhiên, theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đêm 28-10, ghi nhận bão ở Nam Định chỉ ở cấp 7, gió giật mạnh nhất cấp 11. Vào lúc 20 giờ 45 phút cùng ngày (sát thời điểm tháp đổ), một điểm đo đạc cách tháp truyền hình khoảng 1 km ghi nhận gió giật 29 m/giây, tương đương 104 km/giờ. Có nghĩa là sức gió chưa đến tiêu chuẩn thiết kế nhưng tháp truyền hình vẫn đổ sập.  

Một số chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng tháp cao cho biết cần phải làm rõ việc mua tháp có căn cứ vào quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam hay không? Khi nhập khẩu thiết bị, đơn vị tư vấn, thẩm định có đối chiếu với tiêu chuẩn trước khi đặt mua không?

Trong khi đó, ngày 1-11, Công an tỉnh Nam Định đã đến hiện trường khám nghiệm và thu thập thông tin liên quan đến vụ tháp truyền hình của tỉnh này bị đổ sập.

Phải làm rõ nguyên nhân

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động bên hành lang Quốc hội ngày 1-11, ông Phạm Hồng Hà, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, cho biết quan điểm của tỉnh là phải làm rõ vụ tháp truyền hình của tỉnh này bị đổ. Tỉnh cũng đã chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền của địa phương phối hợp với Bộ Xây dựng để xác định nguyên nhân sự cố. Trả lời câu hỏi về việc tháp truyền hình Nam Định thiết kế chỉ chịu được bão cấp 12, thấp hơn quy định, ông Hà cho biết điều này phải xem lại hợp đồng mua bán và các khâu từ thiết kế đến thi công… “Tất cả sẽ có kết luận rõ ràng” - ông Hà khẳng định.
N.Quyết