Thống kê số lượt thí sinh đăng ký thi vào ĐH, CĐ 2003: Đại học giảm mạnh, cao đẳng tăng cao
TUYỂN SINH.- Theo thống kê mới nhất vừa được Bộ GD-ĐT công bố chiều 19-5, số lượt thí sinh đăng ký dự thi NV1 vào các trường ĐH, CĐ năm 2003 là 1.479.000 người. So với năm 2002, số lượt thí sinh đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ năm nay giảm 10% - 15%...
Thí sinh đã có định hướng tốt... Theo thống kê gần như là cuối cùng, năm nay, số lượt TS ĐKDT vào các trường ĐH, CĐ là gần 1,48 triệu người, so với năm 2002 bằng khoảng 93%. Tuy nhiên, với số lượng học sinh THPT tăng 10% - 15% so với năm 2002 cộng với số TS thi trượt ĐH năm ngoái tham gia thi lần 2, số TS ĐKDT vào các trường CĐ Trung ương có tổ chức thi thì số TS năm nay giảm 10% - 15% so với năm ngoái. Qua thống kê cho thấy, năm nay thí sinh có xu hướng lựa chọn các trường CĐ mà không đổ dồn về ĐH, nhất là những trường ĐH lớn, những trường “top trên”. Lựa chọn của TS năm nay cho thấy các em đã biết chọn trường phù hợp hơn với sức học của mình, tức là đã có một định hướng tốt khi chọn trường, chọn ngành học. Tôi nghĩ đó là một xu hướng tốt trong quá trình đào tạo, đặc biệt là đối với những ngành nghề chỉ tiêu lớn mà năm trước số TS dự thi ít. Thêm vào đó, việc tăng số lượt TS ĐKDT vào CĐ cũng đã tạo ra sự phân luồng rõ nét hơn để giảm áp lực thi vào ĐH, tạo tiền đề cho sự liên thông giữa THCN-CĐ-ĐH. H.L.Anh
Ông BÀNH TIẾN LONG, Vụ trưởng Vụ ĐH:
Không còn “nhất y, nhì dược”
Nhìn vào bảng thống kê cho thấy số lượt thí sinh (TS) đăng ký dự thi (ĐKDT) vào các trường ĐH “top trên” năm nay rất khiêm tốn. Những trường năm ngoái “hút” TS với điểm tuyển rất cao như khối sư phạm, y dược, bách khoa, các ĐH Quốc gia... năm nay đều có tỉ lệ chọi thấp như ĐH Khoa học Tự nhiên (KHTN) (thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội) 5.446 hồ sơ (năm 2002 là 10.432 hồ sơ)/950 chỉ tiêu (CT), tỉ lệ 1 chọi 5,73 (1/5,73) , Khoa Luật (ĐH Quốc gia Hà Nội) 744 hồ sơ/220 CT, tỉ lệ chọi 1/3,38, ĐH Bách khoa Hà Nội 17.211 hồ sơ (năm 2002 - 30.494)/5.800 CT, tỉ lệ 1/2,96, ĐH Kinh tế Quốc dân 34.631 hồ sơ (năm 2002 - 30.994)/3.200 CT, tỉ lệ 1/7,69, Học viện Ngân hàng (cơ sở phía Bắc) 4.913 hồ sơ (năm 2002 - 11.286)/1.050, tỉ lệ 1/4,67, ĐH Sư phạm Hà Nội 21.595 hồ sơ (năm 2002-31.709)/1.550 CT, tỉ lệ 1/13,9, ĐH Y Hà Nội 5.414 hồ sơ (năm 2002 - 11.442)/420 CT, tỉ lệ 1/12,89, ĐH Bách khoa (thuộc ĐH Quốc gia TPHCM) 16.118 hồ sơ (năm 2002 - 30.038)/3.550 CT, tỉ lệ 1/4,54, ĐH KHTN (thuộc ĐH Quốc gia TPHCM) 12.638 hồ sơ (năm 2002 - 19.991)/3.100, tỉ lệ 1/4,07, ĐH Y Dược TPHCM 15.069 hồ sơ (năm 2002 - 22.810)/770 CT... Nhìn chung, tại các trường này, số TS ĐKDT giảm từ 30% trở lên, đặc biệt có trường giảm tới hơn 55% như Học viện Ngân hàng (cơ sở phía Bắc).
TS dồn về TPHCM
Trong khi số lượt TS ĐKTD vào các trường ĐH phía Bắc giảm đi rõ rệt (bằng 82% so với năm 2002) thì các trường phía Nam có vẻ được ưu ái hơn rất nhiều. Các trường ĐH lớn tại TPHCM đều có số thí sinh ĐKTD rất cao, vượt hẳn năm 2002 như ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM 23.156 hồ sơ (năm 2002 - 22.978)/2.300 CT, ĐH Nông Lâm TPHCM 35.978 hồ sơ (năm 2002 - 19.390)/20.060 CT, ĐH Luật TPHCM 14.033 (năm 2002 - 11.273)/900 CT, ĐH Giao thông Vận tải TPHCM 13.045 (năm 2002-10.115)/1370 CT, ĐH Sư phạm TPHCM 25.750 hồ sơ/1500 CT, ĐH Kinh tế TPHCM 35.336 hồ sơ/4300 CT, ĐH Kiến trúc TPHCM 8.453 hồ sơ (năm 2002 - 6.582)/700 CT, ĐH Sư phạm Quy Nhơn 48.026 hồ sơ (năm 2002 - 27.251)/2.100 CT, ĐH An Giang 21.185 hồ sơ (năm 2002 - 13.198)/1900 CT...
Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, do năm 2002, điểm tuyển của các trường ĐH này thấp hơn hẳn các trường ĐH có cùng khối thi, ngành học các tỉnh phía Bắc, lại tuyển sinh trong cả nước nên năm nay, TS dồn về các trường phía Nam với hy vọng khả năng trúng tuyển cao hơn do điểm tuyển thấp hơn.
Các trường CĐ “lên ngôi”
Có một điều dễ nhận thấy là số TS ĐKDT vào các trường ĐH giảm mạnh nhưng các trường CĐ lại “lên ngôi”, tức là số lượt TS ĐKDT cao đột biến. Ví dụ: CĐ Giao thông Vận tải 32.142 hồ sơ/1.200 CT, CĐ Lao động Xã hội 31.368 hồ sơ xin xét tuyển NV2/750 CT, CĐ Công nghiệp Hà Nội 50.902 hồ sơ/2.000 CT, CĐ Xây dựng số 1 10.528 hồ sơ xét tuyển NV2/500 CT, CĐ Kinh tế Đối ngoại 19.091 hồ sơ xét tuyển NV2/900 CT, CĐ Văn hóa TPHCM 11.514 hồ sơ/420 CT, CĐ Tài chính Kế toán IV 12.238 hồ sơ/300 CT, CĐ Công nghiệp IV 39.258 hồ sơ/2000 CT... Việc TS cân nhắc không ĐKDT vào các trường ĐH công lập cũng khiến khả năng lựa chọn vào các trường dân lập (DL) tăng lên như Viện ĐH Mở 21.615 hồ sơ ĐKDT, 22.296 hồ sơ xét tuyển NV2/1.900 chỉ tiêu, ĐH DL Phương Đông 9.246 hồ sơ ĐKDT, 18.254 hồ sơ xét tuyển NV2/1.500 CT, ĐH DL Văn Lang 17.712 hồ sơ xét tuyển NV2/1.600 CT, ĐH DL Hồng Bàng 12.059 hồ sơ xét tuyển NV2/1500 CT...
Số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào ĐH Quốc gia TPHCM
Tính đến ngày 16-5, số lượng hồ sơ ĐKDT vào các ngành của các trường thành viên thuộc ĐH Quốc gia TPHCM như sau:
- ĐH Bách khoa: Ngành công nghệ thông tin: 1.983 hồ sơ ĐKDT/ chỉ tiêu 300; điện - điện tử : 3.657/600; cơ khí: 2.081/260; công nghệ dệt may: 255/50; công nghệ hóa thực phẩm: 1.852/310; xây dựng: 2.017/300; kỹ thuật địa chất: 435/180; quản lý công nghiệp: 739/180; kỹ thuật và quản lý môi trường: 461/160; kỹ thuật giao thông: 615/150; kỹ thuật hệ thống công nghiệp: 579/80; cơ điện tử: 536/80; công nghệ vật liệu: 587/200; trắc địa: 288/120; vật liệu và cấu kiện xây dựng: 234/70; thủy lợi - thủy điện - cấp thoát nước: 363/120; cơ kỹ thuật: 127/60; công nghệ sinh học: 453/70; vật lý kỹ thuật: 147/60; bảo dưỡng công nghiệp: 11; công nghệ may: 10.
- ĐH Khoa học Tự nhiên: Ngành toán-tin: 1.433/300; vật lý: 827/300; công nghệ thông tin: 3.579/480; hóa học: 1.241/250; địa chất: 539/150; khoa học môi trường: 1.607/150; khoa học vật liệu: 478/150; sinh học: 1.831/350; công nghệ sinh học: 1.817/170, CĐ tin học: 73.
- ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn: Ngành ngữ văn: 1.731/250; báo chí: 2.670/100; lịch sử: 2.004/300; triết học: 431/150; địa lý: 1.573/150; xã hội học: 1.125/150; thư viện-thông tin: 937/100; Đông phương học 2.370/250; giáo dục học: 727/100; ngữ văn Anh: 2.920/300; ngữ văn Nga-Anh: 57/75; ngữ văn Pháp: 466/100; ngữ văn Trung Quốc: 1.306/125; ngữ văn Đức: 269/50.
- Khoa Kinh tế: Ngành kinh tế học: 545/100; kinh tế đối ngoại: 4.440/200; kinh tế công cộng: 389/100; tài chính-tín dụng: 4.208/225; kế toán-kiểm toán: 5.143/225.
D.Hằng