Thông tin mới nhất về tuyển sinh ĐH, CĐ 2003
Hôm qua, 9-1, Bộ GD-ĐT đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về Đề án tổng thể cải tiến tuyển sinh ĐH, CĐ giai đoạn 2002-2007 và phương hướng, nhiệm vụ công tác tuyển sinh năm 2003.
Nội dung đề thi giới hạn chủ yếu trong lớp 12
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nhung, kỳ thi tuyển sinh năm 2003, toàn quốc vẫn tổ chức 2 đợt thi ĐH và 1 đợt thi CĐ. Cụ thể, ngày 4 và 5-7-2003 thi ĐH khối A, B; ngày 9 và 10-7 thi ĐH khối C, D và từ ngày 16-7 đến 19-7-2003 thi CĐ. Năm nay, bộ cũng sẽ điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh năm 2003 theo hướng ưu tiên phân bổ chỉ tiêu cho các trường ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc và Tây Bắc, hai ĐH Quốc gia, các ĐH Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên và các trường ĐH trọng điểm. Đồng thời, tăng đáng kể chỉ tiêu cử tuyển và chỉ tiêu dự bị ĐH.
Về đề thi, năm nay sẽ tiếp tục ra theo phương pháp tự luận. Nội dung đề thi về cơ bản như năm 2002 nhưng sẽ điều chỉnh để không quá dài, không có câu học thuộc và nội dung kiến thức giới hạn trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12.
Việc coi thi cơ bản vẫn giữ như năm 2002 nhưng tổ chức thêm cụm thi tại Quy Nhơn. Các trường có thí sinh chỉ cần cử đại diện vào cùng thanh tra bộ để phối hợp, giám sát, sau đó nhận bài của thí sinh để chấm.
Các trường chủ động xét tuyển, thi 1 lần, 2 nguyện vọng
Năm nay, bộ vẫn giữ chế độ ưu tiên đối với thí sinh diện chính sách, tuyển thẳng học sinh giỏi các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và cộng điểm cho học sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi, nhưng có điều chỉnh ở mức độ thích hợp.
Bộ GD-ĐT cũng nêu rõ, năm nay các trường phải chủ động công việc xét tuyển. Bộ sẽ xác định điểm sàn chung cho các khối thi A, B, C, D (có chú ý đến các trường đóng trong vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, các trường và ngành đặc thù). Các trường chủ động xác định điểm trúng tuyển theo khối thi hoặc ngành học, điểm trúng tuyển phải cao hơn điểm sàn.
Năm 2003, thí sinh chỉ dự thi 1 lần nhưng có 2 cơ hội được xét tuyển (2 nguyện vọng). Nguyện vọng 1: Vào trường đã dự thi, nguyện vọng này ghi ngay trong phiếu đăng ký dự thi. Nguyện vọng 2: Nếu không trúng tuyển vào trường đã dự thi và có kết quả thi bằng hoặc cao hơn sàn, thí sinh được nộp hồ sơ xét tuyển vào 1 trường ĐH hoặc CĐ có chỉ tiêu xét tuyển. Để tránh tốn kém và hồ sơ “ảo”, mọi thí sinh chỉ được xét tuyển vào 1 trường và hồ sơ xét tuyển phải gửi qua đường bưu điện.
Cũng trong văn bản báo cáo Thủ tướng, Thứ trưởng Trần Văn Nhung nêu rõ, Bộ GD-ĐT sẽ sớm thành lập Ban Chỉ đạo Tuyển sinh ĐH, CĐ, THCN 2003 với thành phần rộng hơn (tăng thêm thành viên gồm giám đốc, hiệu trưởng một số trường, giám đốc một số sở GD-ĐT) và quyền hạn của ban sẽ rộng rãi hơn để giúp bộ giải quyết những vấn đề còn bỏ ngỏ.
Từ 2007: Xét tuyển ĐH, CĐ qua kết quả thi tốt nghiệp THPT
Thứ trưởng Trần Văn Nhung cũng nêu rõ, bắt đầu từ năm 2007, khi có học sinh tốt nghiệp lớp 12 theo chương trình phân ban mới, việc đổi mới cơ bản cách đánh giá và thi ở THPT đã thực hiện, có thể đổi mới tuyển sinh theo 2 cách: 1. Sử dụng kết quả tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Tổng điểm các môn sẽ được coi làm căn cứ, đối với các môn chính theo yêu cầu của ngành đào tạo có thể nhân hệ số. Áp dụng phương pháp này, các trường ĐH vẫn phải tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào thời điểm thích hợp cho học sinh tự do, học sinh tốt nghiệp TH bổ túc. 2. Vẫán tổ chức thi nhưng số môn thi có thể là 3 hoặc 4, trong đó 3 môn công cụ là toán, văn, ngoại ngữ và 1 môn gắn với yêu cầu của ngành đào tạo. Đề thi ra theo phương pháp trắc nghiệm hoặc kết hợp tự luận, các trường liên kết trong việc ra đề thi chung và sử dụng chung kết quả thi.