Thủy sản Việt Nam vào thị trường mới

XUẤT KHẨU.- Thị trường Nhật đang “đóng băng”, thị trường EU giảm từ 10% xuống còn 3%, thị trường Mỹ đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt của Trung Quốc... Đó là những khó khăn lớn của ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam 2003. Thủy sản là một trong 4 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch trên 2 tỉ USD vào năm 2002. Tuy nhiên, trước những diễn biến bất lợi của thị trường thế giới trong năm nay, ngành thủy sản cần phải tạo ra những bước đột phá...

Rào cản kỹ thuật và đối thủ Trung Quốc

Tổng Giám đốc Công ty Seaspimex (Công ty Cổ phần Thủy đặc sản TPHCM) Võ Phước Hòa cho biết, quý I/2003, doanh thu xuất khẩu của công ty chỉ đạt 3 triệu USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ. Theo ông Hòa, thị trường lớn nhất của Seaspimex là Mỹ, nhưng do ảnh hưởng của cuộc chiến Iraq khiến sức mua giảm. Theo ông Trương Đình Hòe, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), do không vượt qua được hàng rào kỹ thuật quá khắt khe của thị trường EU nên Trung Quốc đang “ồ ạt” chuyển qua thị trường Mỹ sản phẩm tôm thẻ chân trắng. Tôm thẻ chân trắng cùng kích cỡ có giá rẻ hơn giá với tôm sú khoảng 1 USD/kg. Đối với Nhật - một thị trường truyền thống chiếm gần 40% kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam - ông Phùng Quốc Mẫn, Giám đốc Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Việt Nam (Seaprodex), cho rằng người Nhật đang chuyển sang sử dụng những sản phẩm rẻ hơn của Thái Lan, Bangladesh. Điều này khiến thị trường Nhật gần như “đóng băng” đối với các nhà xuất khẩu của ta.

Thị trường mới: Hàn Quốc, Nga, Trung Đông

Mặc dù vậy, theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý I vẫn tăng hơn 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Sở dĩ đạt được tốc độ tăng trưởng cao như vậy là do các doanh nghiệp (DN) đã chủ động khai thác các thị trường mới. Theo ông Phùng Quốc Mẫn, mặc dù bị “mất” thị trường Nhật, nhưng doanh thu quý I của Seaprodex vẫn đạt 1,6 triệu USD, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2002. Đây là kết quả của việc khai phá một thị trường mới - thị trường Hàn Quốc. Trước đây một tháng, Seaprodex chỉ xuất sang Hàn Quốc từ 5-7 container sản phẩm cá hố nhưng nay phía Hàn Quốc thông báo họ sẵn sàng nhập tất cả số hàng mà Seaprodex có thể cung cấp. Chính vì thế, nếu kim ngạch xuất khẩu của Seaprodex sang Hàn Quốc trong tháng 1 chỉ đạt khoảng 600.000 USD thì đến tháng 4 ước tính lên tới trên 1 triệu USD.

 Còn ông Võ Phước Hòa cho biết, ngoài những thị trường lớn như Mỹ, Nhật, EU, Công ty Seaspimex đang mở rộng thị trường sang Trung Đông và Nga.

Khó cạnh tranh

Hiện nay, ngoài Trung Quốc thì Indonesia, Thái Lan và một số nước khác cũng đang chuyển sang xuất khẩu tôm thẻ chân trắng. Ông Hòe cho rằng trước đây tôm sú chiếm lĩnh thị trường thế giới vì giá tôm thẻ cao hơn, nay tôm thẻ giá rẻ hơn nên các DN cũng nên tìm hướng để phát triển sản phẩm này. Tuy nhiên, ông Hòe cảnh báo: “Cạnh tranh tôm thẻ với Trung Quốc là điều rất khó khăn”. Song ông Mẫn thì lại lạc quan hơn vì ông cho rằng Trung Quốc không thể đáp ứng đủ được nhu cầu tôm thẻ của thị trường thế giới. Được biết, một số tỉnh như Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Yên... đã bắt đầu nuôi thử nghiệm giống tôm thẻ chân trắng. Song làm thế nào để sản phẩm của ta đủ sức cạnh tranh thì vẫn còn là một bài toán khó.