Tình trạng di cư ở VN đang gia tăng và tiếp diễn
(NLĐO) - VN cần giải quyết tình trạng di cư gia tăng. Đó là khuyến nghị của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam đưa ra trong hội thảo về vấn đề di cư được tổ chức sáng nay, 22-12, ở Hà Nội.
Theo ông Ian Howie, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, cùng với việc chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, người dân Việt Nam không còn phụ thuộc vào trợ cấp của Chính phủ trong việc đảm bảo những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và có nhiều điều kiện thay đổi nơi cư trú.
Ở Việt Nam, di cư, đặc biệt là từ nông thôn tới thành thị có quy mô lớn hơn nhiều so với thế giới. Người di cư đã thực sự trở thành một bộ phận lao động quan trọng của thành phố, đóng góp không chỉ cho nơi họ đến, mà còn cho cả địa phương nơi họ đi.
Những nghiên cứu của UNFPA công bố trong hội thảo cũng cho thấy chưa bao giờ người Việt Nam, nhất là phụ nữ nông thôn lại có sự dịch chuyển nhiều đến vậy. Di cư đã mang lại cho nhiều người cơ hội có thêm thu nhập.
Tuy nhiên, các rào cản tạo ra bởi phân đoạn thị trường lao động liên quan tới hiện tượng thiếu đăng ký đã đặt người di cư vào thế bất lợi về mặt công việc và thu nhập từ các công việc đó.
Bên cạnh đó, mặc dù phần lớn người di cư đã đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh khi bị đau ốm, nhưng tỷ lệ này vẫn thấp hơn nhiều so với người không di cư và vẫn tồn tại một số rào cản tài chính, phi tài chính gây trở ngại cho người di cư trong việc sử dụng các dịch vụ y tế….
Theo TTXVN, cùng với việc cơ cấu lại kinh tế, đô thị đã và đang trở nên hấp dẫn hơn đối với lao động nhập cư. Di cư sẽ tiếp tục tiếp diễn trong tương lai gần vì vẫn có sự tương phản khác biệt lớn về thu nhập và cơ hội việc làm giữa các vùng địa lý. Do đó, các nhà hoạch định chính sách cần lập kế hoạch cho tình trạng người dân di cư gia tăng.
Đó không chỉ là việc phát triển kinh tế và dịch vụ của thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho những người di cư tạm thời trong giải quyết vấn đề cư trú, nước sinh hoạt, vệ sinh, việc làm và chăm sóc sức khỏe, mà còn phải đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao mức của người dân nông thôn với việc cung cấp các dịch vụ đa dạng, hàng hóa…
Tuy nhiên, xu hướng di cư ra đô thị dường như độc lập với việc phát triển tiện nghi công cộng, đầu tư vào các công trình hạ tầng cơ sở ở nông thôn (điện, đường, trường, trạm).
Tốc độ tăng trưởng quá nhanh của công nghiệp trên địa bàn nông thôn cũng sẽ dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng như mất đất, ô nhiễm nguồn nước và môi trường… Những yếu tố đó cần phải được xem xét một cách thấu đáo và thận trọng trong khi lập kế hoạch cho tình trạng người dân di cư tăng.